Việt Nam không dung thứ clip độc trên YouTube

Tuổi Trẻ thông báo rằng cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ có nhiều biện pháp cứng rắn hơn nhằm hạn chế clip xấu, độc trên YouTube.
Sputnik

Các cơ quan chuyên trách cũng khuyến cáo các nghệ sĩ, nhà sản xuất hãy đầu tư nội dung thật tốt, thay vì đi vào con đường tha hóa nội dung.

Nội dung độc hại lan tràn

Sau khi công bố những sai phạm trên nền tảng Facebook, Bộ Thông tin - truyền thông tiếp tục thông tin những sai phạm trên nền tảng YouTube và Google vào chiều 7-6 ở Hà Nội.

Tại cuộc họp báo về những vi phạm của YouTube chiều 7-6 ở Hà Nội, theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, sau khi kênh của Khá Bảnh bị đánh sập, những ngày sau đó các cơ quan chức năng phải tiếp tục tháo gỡ các video về Khá Bảnh do người dùng YouTube đưa lên, bởi cơ chế của YouTube cho phép người dùng có thể đăng lại rất dễ dàng.

Việt Nam là một trong 5 thị trường lớn nhất của YouTube

Khá Bảnh chỉ là một trong vô số nội dung độc hại trên YouTube và vì quá lộ liễu nên bị "lộ sáng". Còn rất nhiều nội dung độc hại trên YouTube biến tướng dưới các hình thức vô cùng tinh vi.

Có nhiều video sử dụng hình ảnh những nhân vật hoạt hình trẻ em yêu mến, nhưng nội dung lại dành cho người lớn.

YouTube vẫn cho bật tính năng suggest (gợi ý). Nếu người lớn tìm phim hoạt hình cho con cái có thể được YouTube tự động gợi ý xem những phim hoạt hình trá hình.

Ngoài ra, theo báo cáo của YouTube gửi Bộ Thông tin - truyền thông, hiện có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra.

Sai phạm chủ yếu là: nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng; nội dung cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy; nội dung gây hại cho trẻ em; nội dung sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền.

Quái vật Momo trên YouTube đã 'chết'

Trong hai năm 2018 và 2019, ở Việt Nam nở rộ trào lưu sản xuất nội dung phục vụ YouTube để nhận nút vàng, nút bạc và được chia sẻ tiền quảng cáo. Rất nhiều người làm trong lĩnh vực giải trí lao vào sản xuất phim cho YouTube và có xu hướng sản xuất nội dung liên quan đến những vi phạm nêu trên.

"Đầu tiên họ làm ra clip, tạo kênh có chất lượng nội dung tốt. Nhưng sau đó chuyển sang con đường làm nội dung vi phạm để câu view, like, kiếm về nhiều tiền hơn" - ông Lê Quang Tự Do, phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết.

Chặn nguồn thu của những kênh xấu

Hiện YouTube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh tiếng Việt, với rất nhiều kênh sai phạm. Khi xảy ra sai phạm, YouTube chỉ áp dụng biện pháp gỡ, song gỡ mất nhiều thời gian, còn đăng lại thì rất nhanh.

Hiện Bộ Thông tin - truyền thông đang triển khai các biện pháp như chặn nguồn thu của những người sản xuất clip xấu, độc. Bộ đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, thống nhất chủ trương sẽ quản lý chặt dòng tiền chi trả cho nền tảng xuyên biên giới, hoạt động thanh toán liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.

Video Việt Nam lọt top YouTube 2018

Giải pháp đánh vào túi tiền và đánh sập các kênh xấu, độc được kỳ vọng sẽ khiến các nhà sản xuất nội dung phải có ý thức cao hơn trong việc sản xuất nội dung phục vụ người dùng.

Bộ Thông tin - truyền thông cũng sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt. Chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đối với kênh đã vi phạm thì không được chia sẻ tiền quảng cáo.

Cơ quan này đã tham mưu cho Chính phủ sửa các nghị định để tăng nặng chế tài nhằm đảm bảo tính răn đe. Bộ Công an cũng đang tham mưu cho Chính phủ thay đổi các nghị định, trong đó mức phạt có từ xử lý hành chính đến hình sự.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, thời gian qua đã có 8.000 clip xấu, độc được YouTube gỡ bỏ theo yêu cầu của phía Việt Nam, nhưng chỉ là con số rất nhỏ so với 55.000 clip xấu, độc vẫn đang tồn tại và không ngừng gia tăng.

Thảo luận