Muối (NaCl), được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học là Natri và Chlorua. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một thìa 5 g muối chứa khoảng 2.000 mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành. Trẻ nhỏ dưới một tuổi, lượng muối được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo dưới 1,5 g và trẻ sơ sinh ăn dưới 0,3 g muối.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, lượng natri có hai nguồn gốc: từ tự nhiên có trong thực phẩm và chủ yếu từ việc bổ sung thêm muối cùng các gia vị mặn khi chế biến, chấm thức ăn. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày, cùng với mì chính và muối tinh.
Theo ông Hùng, ăn nhiều muối làm tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Ở nước ta hiện nay cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có một do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tai biến mạch máu não.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận Việt Nam phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép: bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm (NCDs). Trong đó, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
"Đây là một thách thức lớn cho ngành y tế Việt Nam", Bộ trưởng Tiến nói.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị tăng huyết áp chưa được chẩn đoán gần 57%, đái tháo đường 70%, hơn 86% người bị tăng huyết áp chưa được quản lý bệnh. Bộ trưởng cho biết để phòng chống và hạn chế các bệnh không lây nhiễm, tim mạch, tiểu đường, Chính phủ phát động "Chương trình Sức khỏe Việt Nam" với 11 giải pháp, trong đó có dinh dưỡng hợp lý. Người dân cần giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm.