Theo TS Du, dự án đường cao tốc Bắc – Nam là một dự án rất lớn với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD. Đây là niềm mong ước của bất cứ nhà thầu xây dựng hay nhà đầu tư nào. Do vậy, lập luận chỉ có các nhà thầu Trung Quốc quan tâm là rất khó thuyết phục.
Công nghệ làm đường cao tốc (bao gồm cả các yếu tố kỹ thuật, cấu trúc tài chính và quản lý) đã có hàng trăm năm qua và đã vào Việt Nam từ rất lâu. Do vậy, lập luận rằng các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ khả năng làm cũng không thuyết phục.
Nhìn ở góc độ ngược lại. Việc cấm cửa hoặc nói không với các nhà thầu và vốn Trung Quốc là không thoả đáng và cũng không cần thiết. Hơn thế, điều này vi phạm các cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử, thiết lập sân chơi bình đẳng.
Quan điểm cứ giao cho một vài doanh nghiệp có tên tuổi của Việt Nam cũng không ổn vì dễ bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm và vô hình trung tạo dựng sân chơi không bình đẳng (ít nhất là bản thân các doanh nghiệp trong nước).
“Trong tình huống này, giải pháp là tổ chức đấu thầu quốc tế một cách công khai minh bạch. Các tiêu chí và điều kiện rõ ràng. Nhà thầu nào đạt điểm cao nhất thì chọn”, TS Du nêu quan điểm.
Theo TS Du, Việt Nam có thể áp dụng giải pháp: để các nhà thầu Trung Quốc xây dựng và mời tư vấn Nhật Bản giám sát. Khả năng hai anh này bắt tay với nhau là rất thấp vì đang là đối thủ cạnh tranh một mất một còn.
“Khi đó, Trung Quốc có khả năng xây đường chi phí thấp và chất lượng cao và Nhật Bản giám sát thì con muỗi cũng không thể chui lọt. Việt Nam sẽ là ngư ông đắc lợi”, TS Du nhìn nhận.
TS Du bình luận rằng nếu Việt Nam muốn lớn lên thì cần sự tự tin dựa trên trí tuệ và bản lĩnh của mình. Nếu cứ sợ sệt điều này điều kia thì thân phận nhược tiểu khó mà thoát được.
“Có một điều rất đáng suy nghĩ là các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc sau khi thuê bên ngoài làm một dự án là có thể nắm bắt công nghệ để làm dự án thứ hai tương tự ngay, nhưng tại sao Việt Nam không thể làm điều này?”, ông Du nêu vấn đề.