Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm sản xuất của Apple

“Cái được lớn nhất là nâng cao uy tín Việt Nam trong nền kinh tế thế giới và hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế trong nước”, - Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Vũ Đình Ánh đưa ra nhận định với Sputnik về tác động của việc Apple chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Sputnik

Thông tin đại gia công nghệ Apple định chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là lựa chọn tiềm năng, được nêu ra tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 20-6. Cho dù bà Lê Thị Thu Hằng - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao  Việt Nam khá thận trọng khi cho biết cơ quan phụ trách vấn đề đối ngoại của Chính phủ chưa có thông tin gì từ phía Apple, nhưng chủ đề này đang được bình luận rất rộng rãi.

Phóng viên Sputnik đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Vũ Đình Ánh về vấn đề này.

Sputnik: Thưa Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, theo báo Nikkei của Nhật, các quốc gia đang được xem xét trong kế hoạch đa dạng hóa của Apple (tái cấu trúc cơ bản chuỗi cung ứng) có Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ và Việt Nam nằm trong số những lựa chọn được yêu thích để đa dạng hóa sản xuất smartphone của Apple.

Ông có thể bình luận gì về thông tin này? Theo ông thì Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng tiếp nhận nếu được lựa chọn? 

Bộ Ngoại giao bình luận việc Apple chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Dịch chuyển sản xuất của Apple từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á đã được dự báo và nay đang biến thành hiện thực với tốc độ ngày càng cao. Việt Nam được lựa chọn như một trong những điểm đến ưa thích nhất, không chỉ của Apple mà còn nhiều tập đoàn khác.

Trước hết, Việt Nam có vị trí địa lý thích hợp và nằm trên tuyến vận tải hàng hóa đi toàn thế giới không làm đảo lộn quá nhiều phương án vận chuyển nguyên vật liệu cũng như thành phẩm của các nhà cung cấp cho Apple sau khi ra khỏi Trung Quốc.

Thứ hai, Việt Nam có điều kiện chính trị ổn định, quan hệ đối ngoại rộng mở, độ mở của nền kinh tế hàng đầu khu vực và là đối tác kinh tế thương mại đáng tin cậy của hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tích cực tham gia hàng loạt FTA, trong đó có những FTA quan trọng như CP TPP, EV FTA,...

Giữa căng thẳng thương mại, bạn có chào đón làn sóng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam?Có, điều này giúp phát triển kinh tếKhông, sẽ gây hại đến môi trường xung quanhKhông quan tâm chủ đề này
Thứ ba, Việt Nam có môi trường kinh tế ổn định với lạm phát được kiểm soát tốt, giá trị đối nội và đối ngoại của VND được giữ vững đi đôi với hệ thống tài chính đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu trong cũng như ngoài nước.

Thứ tư, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và có chính sách đặc biệt ưu đãi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư tầm cỡ toàn cầu nhằm biến Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất của thế giới. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài được hưởng điều kiện thuận lợi và ưu đãi đặc biệt trong tiếp cận đất đai mặt bằng sản xuất, thuế, vốn, lao động,...

Thứ năm, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào gần 60 triệu người, có thể đào tạo trong thời gian ngắn với tiền công, tiền lương tương đối thấp. Trường hợp Samsung chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất toàn cầu chứng tỏ Apple sẽ ko phải hối hận khi chuyển sản xuất sang Việt Nam - nơi đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Apple đã chọn và đã thành công.

Thứ sáu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển rất nhanh và không ít trong số đó đã và sẽ đảm đương được vai trò công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khi tới Việt Nam, Apple và các nhà cung cấp đều có thể tìm thấy những đối tác là doanh nghiệp Việt Nam đáng tin cậy, có tiềm lực tài chính, công nghệ và quản trị đang tiến bộ từng ngày từng giờ. 

Samsung "bỏ" Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội lớn?

Thứ bảy, cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang được hoàn thiện với tốc độ cao, cả hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Kết nối khu vực và toàn cầu, chất lượng quốc tế và mở cửa hội nhập là những đặc trưng nổi bật của cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện tại và tương lai.

Thứ tám, Việt Nam mở cửa hội nhập và phát triển giúp cho hạ tầng xã hội và môi trường sống được cải thiện mạnh mẽ, đáp ứng mọi yêu cầu sinh hoạt dù cao cấp nhất của người quản lý và chuyên gia thuộc các tập đoàn hàng đầu thế giới. Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất kinh doanh mà còn được lựa chọn để sinh sống lâu dài, để du lịch,... của nhiều người nước ngoài trong môi trường quốc tế hóa rộng mở, thân thiện và bình đẳng.

Sputnik: Vậy theo Tiến sĩ thì nếu Apple chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, thì việc này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh:Kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để phát triển, củng cố và khẳng định vị thế một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu. Hàng loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ được cải thiện, chẳng hạn GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, công ăn việc làm, thu ngân sách nhà nước,... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tốt trở thành đối tác của Apple, của các nhà cung cấp cho Apple, đồng thời thu nhập và đời sống của hàng vạn gia đình Việt Nam có điều kiện nâng cao nhờ có liên quan tới các dự án của Apple triển khai ở Việt Nam. Bộ mặt nhiều địa phương, đặc biệt là địa phương được chọn làm dự án sẽ thay đổi mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cái được lớn nhất là nâng cao uy tín Việt Nam trong nền kinh tế thế giới và hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế trong nước.

Sputnik: Chân thành cảm ơn Tiến sĩ vì những nhận định thú vị.

Thảo luận