Công nghệ vặn ốc vít
Ông Phạm Thành Trí từng là chủ nhân của thương hiệu tivi VVC, đã thôi kinh doanh sản phẩm này cách đây hơn 10 năm, cho hay Quảng Châu, Phật Sơn, Thâm Quyến, thuộc tỉnh Quảng Đông nhiều năm trước là trung tâm lớn về sản xuất hàng gia dụng tại Trung Quốc.
Tại đây có những cơ sở sản xuất tivi, điều hòa, tủ lạnh,... có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng từ A-Z. Nếu khách hàng muốn mua một số linh kiện để lắp cho sản phẩm của mình họ cũng có thể đáp ứng, nếu mua sản phẩm hoàn chỉnh họ cũng sẵn sàng. Nếu khách hàng muốn có thiết kế riêng về sản phẩm nhưng không có khả năng thực hiện, họ cũng nhiệt tình “giúp đỡ”.
Có rất nhiều DN từ các tỉnh xa xôi của Trung Quốc như Sơn Đông, Thanh Hải,... cũng đến đây đặt hàng rồi mang về điạ phương tiêu thụ. Đa số các DN này chỉ nắm thương hiệu, còn từ thiết kế đến sản xuất ra sản phẩm cuối cùng đều trông cậy vào nhà cung cấp.
Ngoài cung cấp cho các DN trong nước, các nhà máy ở đây cũng bán cho những DN nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Như đã biết, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất yếu kém, vì vậy việc tìm mua những linh kiện trong nước là không thể, có chăng chỉ là vỏ các ton, hộp xốp và một vài chi tiết nhựa giản đơn.
Cho nên, các DN kinh doanh hàng tiêu dùng phải mua tất cả từ nhà cung cấp nước ngoài. Điều này ai cũng rõ. Không nhất thiết phải sản xuất tất cả tại Việt Nam, nhưng vấn đề quan trọng là các DN phải làm chủ về công nghệ, nắm về thiết kế sản phẩm, rồi đặt mua linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài theo ý mình, phục vụ cho việc lắp ráp sản phẩm.
Tuy nhiên, hầu hết các DN nhỏ Việt Nam không làm chủ được công nghệ, không thiết kế được sản phẩm nên phải nhờ toàn bộ nhà cung cấp làm cho. Khách hàng có thể đặt họ sản xuất ra một chiếc tivi hoàn chỉnh, nhưng không lắp thành sản phẩm mà để ở dạng rời, đóng gói xuất về Việt Nam, sau đó mới lắp ráp. Những sản phẩm này còn được nhà sản xuất đánh dấu sẵn vị trí, để khi về cứ nhìn vào đó mà vặn ốc vít cho thuận tiện. Thậm chí cả bao bì, muốn in tiếng Việt như thế nào, họ cũng sẵn sàng làm hết.
Cho đến nay, nhiều DN kinh doanh hàng tiêu dùng của Việt Nam vẫn làm theo cách này. Có những DN không hề có nhà máy, không sản xuất bất cứ thứ gì trong nước, nhưng hàng năm vẫn cho ra thị trường hàng trăm ngàn chiếc tivi, máy điều hòa,... Sản phẩm như vậy không thể coi là hàng sản xuất tại Việt Nam, nhưng vẫn ghi Made in Viet Nam. Vì thế, nếu Asanzo ghi trên sản phẩm là Made by Asanzo thì có lẽ không vấn đề gì, bởi câu chuyện OEM (sản xuất theo thiết bị gốc) đang phổ biến trên thế giới.
Phù phép thành hàng Việt Nam
Cái chết ở đây là cứ bóc nhãn Made in China để ghi Made in Vietnam vào, thậm chí còn gửi hồ sơ xin công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao. Vì sao phải làm như vậy? Bởi vì như vậy mới bán được hàng, nếu ghi Made in China thì rất khó bán. Hơn nữa, nhập linh kiện về lắp ráp thì được hưởng thuế thấp hơn nhập sản phẩm nguyên chiếc. Làm theo cách này sẽ né được thuế, về nước chỉ cần công nghệ vặn ốc vít là ra đời sản phẩm. Nhưng với cách làm này, các DN đang lừa dối người tiêu dùng và gian lận những khoản thuế lớn, giúp giữ giá bán thấp mới tiêu thụ được hàng hóa. Nếu chiếc tivi Asanzo đang bán 3,8 triệu đồng mà nhập nguyên chiếc, chắc chắn giá sẽ cao hơn từ 15-20% nên khó cạnh tranh.
Cũng không chỉ có hàng tiêu dùng, các sản phẩm thời trang, dệt may cũng tương tự. Câu chuyên của Khaisilk là ví dụ, không có vùng nguyên liệu dâu tằm, không có nhà máy dệt lụa, mà vẫn có lụa Việt Nam để bán. Cuối cùng hóa ra là mua lụa Trung Quốc, bóc nhãn Made in China thay bằng Made in Vietnam.
"Chúng tôi không có dây chuyền phải thuê công ty Viettronic Đống Đa và Viettronic Thủ Đức để lắp sản phẩm. Câu hỏi là những dây chuyền lắp ráp như của Asanzo, đã được kiểm tra, đánh giá đủ điều kiện chưa và có cấp phép hay chưa? Nếu đủ điều kiện và có giấy phép thì mới được lắp ráp và hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện", ông Trí nghi ngờ.
Bên cạnh đó, chính sách của chúng ta không khuyến khích DN gia tăng sản xuất trong nước mà chỉ khuyến khích nhập linh kiện về láp ráp. Nhập linh kiện về thì được hưởng thuế thấp hơn nhập sản phẩm nguyên chiếc, vì vậy DN cứ nhập linh kiện thôi. Đúng ra, cần phải có chính sách như đánh thuế nhập khẩu dựa trên giá trị hóa đơn nhập khẩu. Tức là cùng một mức thuế, nhưng nếu DN nhập 100% bộ linh sẽ khác với DN chỉ nhập 50% bộ linh kiện, còn 50% mua trong nước. Như vậy mua trong nước càng nhiều thì số tiền thuế càng thấp, có như vậy mới thúc đẩy DN phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Về phía Bộ Công Thương mới đây cũng cho biết, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Nhiều sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài, hoặc đặt gia công tại nước ngoài, nhưng lại gắn mác là hàng Made in Vietnam để gian lận thương mại, lừa người tiêu dùng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.