Số liệu ghi nhận, năm 2018 nền vĩ mô tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực với tăng trưởng GDP đạt mức cao kỷ lục 7,08%; lạm phát được kiểm soát ở ngưỡng mục tiêu (3,54%) trong bối cảnh chính sách tiền tệ có xu hướng thắt chặt dần; tỉ giá được giữ vững và cán cân ngân sách ghi nhận thặng dư sau nhiều năm thâm hụt.
Dự báo cho năm 2019, bức tranh tương đối tích cực như môi trường kinh doanh được cải thiện, tình hình chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong khi lạm phát được duy trì ở mức ổn định so với các nền kinh tế mới nổi khác, qua đó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ.
Dự báo tốc độ tăng trưởng đến 2021 vẫn ổn định
Chia sẻ góc nhìn về tình hình kinh tế hiện nay, trong Hội thảo mới diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Chuyên gia Kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đặt vấn đề:
"Nhiều người hỏi tôi là năm 2018 tăng trưởng kinh tế theo Tổng Cục Thống kê 7,08% có đúng không? Đúng hay không đúng thì cũng đành phải nghe vì trên thế giới và cả Việt Nam, không có đơn vị tổ chức nào thay được Tổng Cục thống kê đưa ra hai chỉ số tăng trưởng kinh tế và tốc độ lạm phát".
Nói là vậy, vị này vẫn bày tỏ sự phấn khởi với mấu chốt quan trọng: Việt Nam đang có dấu hiệu sẽ bước vào một giai đoạn kinh tế mới, sau giai đoạn cực kỳ khó khăn những năm 2008-2014.
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 không kém năm 2018, kỳ vọng đến 2021 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 7% - đó là triển vọng kinh tế rất tốt của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Lấy ví dụ tờ báo nước ngoài Bloomberg cũng vừa đưa ra dự báo 10 năm nữa (tức đến năm 2029), GDP của Việt Nam sẽ vượt Singapore.
“Điều này rất đáng tự hào, bởi 20 năm trước không dám nghĩ Việt Nam có thể vượt được Malaysia. Đến hiện tại Việt Nam muốn vượt Singapore là không khó. Vấn đề là quy mô GDP hiện tại của Việt Nam là 224 tỉ USD còn Singapore là 324 tỉ USD; trong khi dân số Việt Nam là 95 triệu người còn Singapore là 5,6 triệu người”, ông Ánh nhấn mạnh.
Còn nhiều vấn đề cần giải quyết
Tuy nhiên, rủi ro đối với nền kinh tế cũng ngày càng rõ nét và còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong số đó, điều đáng bận tâm là nợ công lớn. Theo ông Ánh, với thị trường tiền tệ điều quan trọng là câu chuyện tăng tổng tín dụng. Lấy ví dụ năm 2018, đột nhiên tăng trưởng tổng tín dụng chỉ đạt 14%, trong khi tăng trưởng kinh tế lại cao ngất ngưởng, khó có thể giải thích được.
Còn lãi suất hiện có thể nói là cầm cự và không có khả năng giảm. Việc tăng hay không thì tùy thuộc vào một số yếu tố nước ngoài.
Gần đây, việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) rục rịch hạ lãi suất sẽ hỗ trợ nhiều cho sức ép lên tỷ giá hối đoái và lãi suất Việt Nam.
Theo đó, nếu không ổn định được tỷ giá hối đoái trong bối cảnh độ mở nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 200% GDP thì phá giá lập tức làm sụp đổ tất cả về mặt đối ngoại, chưa kể về mặt đầu tư.
“Hiện chiến tranh thương mại Trung - Mỹ chưa chuyển sang chiến tranh tiền tệ. Người ta sợ nhất là câu chuyện Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu tỷ giá 2-3%. Cuối 2019 tỉ giá sẽ chạm mốc 24,000 VNĐ/USD. Đó không phải là câu chuyện mạnh hay yếu của đồng tiền mà là Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ", ông Ánh nói.