Biển Đông

Sương mù trên Biển Đông trở nên dày đặc hơn

Tình hình xung đột ở Biển Đông một lần nữa trở thành chủ đề của một hội thảo quốc tế.
Sputnik

Ông Dmitry Mosyakov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, người tham dự và đọc tham luận tại Hội thảo nói với Sputnik rằng, Hội thảo này là rất thú vị và nêu lên những vấn đề cấp bách.

Quân bài Biển Đông: Sóng ngầm mạnh mẽ, các nước ASEAN không cam chịu trước Trung Quốc?

“Ngày nay, tình hình ở Biển Đông có những thay đổi đáng kể so với tình huống mà chúng ta đã thấy trong thời gian gần đây, khi cuộc xung đột đã mang tính chất khu vực thuần túy. Những thay đổi triệt để đã xảy ra. Tất cả những dự đoán của các nhà phân tích về triển vọng sớm giải quyết các vấn đề trong khu vực này, về một sự thỏa hiệp có thể đạt được dựa trên sự gần gũi của các nền văn hóa và tâm lý của các quốc gia tham gia xung đột, hóa ra đều là sai lầm sau khi Hoa Kỳ trở thành người tham gia đầy đủ vào cuộc xung đột. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đã làm thay đổi kiến ​​trúc an ninh trong khu vực, đã biến cuộc xung đột khu vực thành cuộc đối đầu giữa hai siêu cường. Bây giờ cuộc xung đột này đang đe dọa hòa bình và an ninh không chỉ ở Đông Nam Á và châu Á, mà còn trên toàn hành tinh”.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Giáo sư Mosyakov nhấn mạnh rằng, những người tham gia Hội thảo quốc tế tại Matxcơva, trong đó có các chuyên gia từ Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Philippines, Pakistan và một số quốc gia khác, cũng nói lên ý kiến ​​giống với lập trường của Nga. Nga cho rằng, các vấn đề Biển Đông nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và chỉ bởi các quốc gia trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài.

Biển Đông đối diện thách thức đe dọa quân sự mới

Giáo sư Mosyakov nói: “Các đại biểu tham gia Hội thảo nhất trí rằng, các vấn đề Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện đại, mà không liên quan đến các “quyền lịch sử”, như đã được nêu rõ trong phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague ba năm trước. Việt Nam đồng ý với quan điểm này. Các đại biểu tham gia Hội thảo Matxcơva đều nhận định rằng, con đường này sẽ đơn giản hóa quá trình giải quyết xung đột. Vấn đề này không thể được giải quyết nếu dựa vào quan điểm “quyền lịch sử”, bởi vì mỗi quốc gia đều có các bằng chứng về quyền lịch sử của chính mình”.

 Các đại biểu tham gia Hội thảo Matxcơva đều ghi nhận rằng, cuộc xung đột Biển Đông có thể được giải quyết hiệu quả chỉ khi các nước ASEAN giữ một lập trường thống nhất. Tuy nhiên, bây giờ các nước thành viên ASEAN bị chia rẽ. Dưới ảnh hưởng của cuộc đối đầu Mỹ-Trung ở Biển Đông, một số thành viên Hiệp hội nghiêng về Hoa Kỳ, một số thành viên khác nghiêng về Trung Quốc. Vì vậy, triển vọng phát triển tương lai ở khu vực Đông Nam Á vẫn khá mờ mịt, - Giáo sư Mosyakov kết luận.

Thảo luận