"Anh tốt, tôi tốt, tất cả chúng ta đều tốt!"

Đó là thực trạng trong đánh giá cán bộ công chức, viên chức tồn tại nhiều năm nay, trên báo GDVN bình luận.
Sputnik

Trao đổi với phóng viên đại biểu Cao Đình Thưởng – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ bày tỏ 2 điểm quan tâm tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.

Thủ tướng: Tiến tới bỏ biên chế suốt đời

Đó là về đề xuất bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức và cách đánh giá công chức, viên chức.

Đại biểu Thưởng nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiện nay đã được định hình trong lịch sử và đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế đòi hỏi phải có sự thay đổi. Thực tế có những loại biên chế tinh giản được, có loại không thể giảm. Tinh giản gì thì cũng phải đáp ứng yêu cầu cuộc sống.

Trong đó, ở lĩnh vực giáo dục có hàng triệu giáo viên, những điểm đề xuất mới là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2) có tạo ra những lo lắng.

“Trước hết việc biên chế viên chức đang hiểu là đã vào được bộ máy nhà nước là ổn định suốt đời cho đến lúc về hưu. Vì vậy, việc chuyển viên chức sang chế độ hợp đồng có thời hạn là điểm mới. Tôi đánh giá là có nhiều điểm tích cực. Nhưng khái niệm này chưa quen với hầu hết đội ngũ viên chức”, đại biểu Thưởng nhận định.

Dư thừa cán bộ nhà nước: Vượt hơn 57.000 biên chế thì ‘tiền đâu chịu nổi’?

Vì thế, phải làm rõ hợp đồng có thời hạn khác gì so với “biên chế suốt đời” trước đây để những người có năng lực yên tâm.

Cùng với đó, phải tạo ra sự cạnh tranh, viên chức nào yếu kém về năng lực phải được loại bỏ. Những người có năng lực tốt phải tạo ra được sự yên tâm cho họ.

Vị Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng, thực tế việc phân loại cán bộ hiện nay khó nhất là khâu đánh giá.

Dù có tiêu chí đưa ra để đánh giá nhưng chủ yếu là định tính mà không định lượng cụ thể. Vì thế tỷ lệ công chức, viên chức hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm áp đảo.

Người không hoàn thành nhiệm vụ nằm trong khoảng rất thấp chưa đến 1%. Từ đó dẫn đến việc đánh giá, khen thưởng thi đua là khó.

“Nói thật, tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức hạn chế về năng lực là rất cao nhưng không đủ tiêu chí để loại. Chưa kể trong quá trình đánh giá có sự vỗ về, chia sẻ, cảm thông, cả nể nên không đánh giá thật mức độ hoàn thành công việc. Cuối cùng là dĩ hòa vi quý, hòa cả làng. Anh tốt, tôi tốt, tất cả chúng ta đều tốt. Giống như thời gian vừa qua, có lớp toàn học sinh giỏi. Đúng ra, học sinh giỏi nhiều vậy thì học sinh mừng, thầy cô mừng nhưng lại trở thành nỗi niềm tâm tư. Phụ huynh không muốn con mình giỏi vì thực có giỏi đâu”, đại biểu Thưởng nêu quan điểm.

Cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng "vặt" làm xói mòn niềm tin của nhân dân

Theo ông, đánh giá công chức, viên chức tới đây phải thay đổi để vừa đảm bảo định tính nhưng phải định lượng sàng lọc được người yếu kém.

Công chức, viên chức nào được đánh giá tốt là thực chất. Đương nhiên, nếu người hoàn thành tốt thì yên tâm công tác. Người nào kém thì phải loại.

“Có như vậy, nó mới tạo được động lực cho phát triển. Chứ cứ như bây giờ, đội ngũ công chức, viên chức cứ sàn sàn giống nhau. Không nổi trội, không có gì đáng kỷ luật, na ná giống nhau tạo nên sức ì. Sức ì đó rất nguy hiểm cho xã hội không tạo ra cú hích. Vì thế, cần có một sự thay đổi và phải có một hệ quy chuẩn, bộ tiêu chí đánh giá có tầm dài hạn nhưng phải cụ thể”, đại biểu Thưởng nói.

Thảo luận