EVFTA giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam

“Việc ký kết EVFTA có tính đột phá mạnh mẽ, có ý nghĩa rất to lớn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong quan hệ kinh tế đối ngoại”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik về sự kiện ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Sputnik

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Liên minh Châu Âu đã ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (EVIPA).

Theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "FTA và IPA sẽ như một đường cao tốc quy mô lớn" giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Sputnik đã có cuộc trao đổi cụ thể với chuyên gia về các vấn đề quốc tế Nguyện Minh Tâm về sự kiện trên và ý nghĩa của nó với kinh tế Việt Nam.

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Tâm, Việt Nam có thực sự cần FTA này hay không, từ khía cạnh kinh tế - thương mại, chứ không nói tới chính trị?

Ông Nguyễn Minh Tâm:

Về hình thức EVFTA là hiệp định song phương giữa Việt Nam và EU về tự do thương mại. Tuy nhiên, nó lại có giá trị như một Hiệp định tự do thương mại nhiều bên (đa phương) giữa Việt Nam với 28 quốc gia thành viên EU. Hiệp định này sẽ mở ra những sự phát triển mới có tính đột phá trong giao thương giữa Việt Nam và hầu hết các nước Châu Âu.

Đây là hiệp định có lợi ích to lớn cho các bên - Việt Nam và các nước khối EU. Về nguyên tắc, nó giúp định hình quan hệ thương mại giữa Việt Nam với từng nước thuộc EU trong khi nhiều điều khoản của một số hiệp định thương mại song phương mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia Châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia nằm trong EU. 

Nếu như Việt Nam có vai trò cầu nối rất quan trọng giữa Nga và ASEAN thì hiện nay, khi EVFTA được ký kết, Việt Nam cũng có vai trò cầu nối quan trọng về kinh tế giữa EU và ASEAN, một thị trường có quy mô tới 642 triệu dân và đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong điều kiện nội bộ EU đang có những khủng hoảng nhất định do Brexit thì việc mở ra một đầu cầu thương mại để thâm nhập vào ASEAN có ý nghĩa rất to lớn đối với EU cũng như các thành viên của nó. 

Hiệp định Việt Nam - EU: đường dẫn đến phồn vinh hay là mất độc lập kinh tế?

Việt Nam cũng được hưởng lợi rất lớn khi các hàng nông sản nhiệt đới của Việt Nam thâm nhập vào thi trường Châu Âu với mức thuế rất thấp. Điều này càng có lợi hơn cho Việt Nam nhằm tháo gỡ hai khó khăn trước mắt cũng như lâu dài: Một là tránh phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu của Trung Quốc hiện đang có dấu hiệu thiết lập hàng rào bảo vệ mậu dịch. Hai là sự bất ổn của tình hình thương mại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do “Cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung đang có các diễn biến phức tạp.

Về chiến lược tổng thể, quan hệ kinh tế đối ngoại, EVFTA cùng với (Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization – WTO), cùng với EAEUVFTA (Hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với Việt Nam ký năm 1915), với khối CPTPP (11 quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên hái Bình Dương - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), với AFTA (Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - ASEAN Free Trade Area), với Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ASEAN-China Free Trade Area (ACFTA) và nhiều cơ chế quan hệ thương mại song phương khác mà Việt Nam đã ký kết sẽ tạo nên hành lang pháp lý quốc tế ổn định, đa phương và đan xen lẫn nhau một cách bền chặt để quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam phát triển, kéo theo sự phát triển của nền sản xuất trong nước và tăng cường đầu tư ra nước ngoài.

Về mặt kỹ thuật và công nghệ, ngoài những công nghệ mới được thu hút trong quan hệ kinh tế với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc .v.v… với EVFTA, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn để hấp thụ công nghệ tin tiến từ các nước Tây Âu, đặc biệt là các nước có nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới hiện nay ở Châu Âu.

EVFTA giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam

Về sức mua, thị trường EU có quy mô dân số 450 triệu người, lớn gần gấp ba lần EAEU (có quy mô 170 triệu người), lớn gấp 1,5 lần thị trường Mỹ (có quy mô 327 triệu người) và chỉ đứng sau các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN. Việc ký kết EVFTA có tính đột phá mạnh mẽ, có ý nghĩa rất to lớn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong quan hệ kinh tế đối ngoại.

Vì vậy, có thể nói rằng cả EU và Việt Nam đều rất cần đến một FTA để mang lại lợi ích to lớn cho các bên.

Sputnik: Những điều khoản cụ thể nào của EVFTA ông cho là quan trọng và thực sự có lợi cho Việt Nam?

Ông Nguyễn Minh Tâm:

Bạn mong đợi gì từ các Hiệp định mới Việt Nam vừa ký kết với EU?Tăng kim ngạch xuất nhập khẩuTăng đầu tưHoàn thiện môi trường kinh doanhTăng khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệpCải thiện yếu tố pháp lý của quan hệ kinh tếPhát triển các dịch vụ tài chính và logisticKhông quan tâm chủ đề này
Tại Chương 2 của Hiệp định EVFTA có những cam kết khá linh hoạt về thuế quan, bao gồm: Cam kết loại bỏ thuế tức thì (ngay sau khi EVFTA có hiệu lực), Cam kết loại bỏ thuế theo lộ trình (EU 7 năm, Việt Nam 10 năm) và Cam kết hạn ngạch thuế quan. So với các hiệp định FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết trước đây thì đó là những quy định hết sức mềm dẻo, giúp nền kinh tế Việt Nam có được những “khoảng trống thời gian” để chuẩn bị thực thi, tránh được những “cú sốc” do việc áp dụng đột ngột các biện pháp dỡ bỏ hàng rào thuế quan.

Mặt khác, cả EU và Việt Nam đều có thể có các Biểu cam kết ưu đãi thuế quan riêng cùng một số cam kết bổ sung đối với các mặt hàng dược phẩm, thiết bị y tế, ô tô và linh kiện ô tô. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất nội địa để dần thay thế cho hàng hóa nhập ngoại.

Trong Bảng cam kết của EU đối với các hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, chúng ta có thể thấy nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất như cà phê, mật ong tự nhiên, rau củ quả, các sản phẩm khác như nhựa, điện thoại và linh kiện điện thoại, va li, túi xách.v.v… sẽ được bãi thuế ngay tức khắc. Một số mặt hàng quan trọng khác có tỷ lệ bãi thuế tức khắc khá cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (74%), gỗ và sản phẩm gỗ (83%), thủy hải sản (50%), sản phẩm dệt may (42,5%), giày dép (37%) đều là những mặt hàng mà Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Một số mặt hành được triển hạn miễn thuế trong thời gian dưới 5 năm đến tối đa 7 năm cũng đều là những mặt hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh sản xuất. Thậm chí EVFTA còn có thể tháo gỡ những khó khăn của Việt Nam trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ đường và một số nông sản tinh chế khác.

EVFTA giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam

Đối với chiều xuất-nhập EU-Việt Nam, những hàng hóa mà Việt Nam cần đến với số lượng lớn để phát triển kinh tế và đời sống dân sinh cũng được áp dụng tỷ lệ bãi thuế tức khắc khá lớn như: Máy móc và thiết bị toàn bộ (61%), dược phẩm (71%), hóa chất và sản phẩm hóa chất (70%), nguyên phụ liệu dệt may, da giày (80%). Ngược lại, những mặt hàng mà Việt Nam đang phát triển sản xuất hoặc đang có khả năng tự cung tự cấp toàn bộ hoặc một phần như xăng đầu, sữa và sản phẩm từ sữa, tThịt gia súc, gia cầm, đồ uống có cồn các loại, ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy .v.v… sẽ có thời gian triển hạn bãi thuế từ 5 năm đến 10 năm.

Bên cạnh đó, việc cấm hoặc hạn chế nhập khẩu sẽ được hai bên cam kết không áp dụng. Ngay cả việc bảo lưu điều khoản này (nếu có) cũng cần được giải trình minh bạch. Điều đó hạn chế tác động tiêu cực của sự biến động bất lợi trong quan hệ chính trị đối với quan hệ kinh tế song phương – đa phương Việt Nam – EU. Ngay cả khi quan hệ chính trị của Việt Nam đối với một thành viên nào đó của EU có chiều hướng xấu đi thì cũng hầu như không ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế bởi các quốc gia thành viên EU đều có nghĩa vụ phải chấp hành các thỏa thuận mà EU đã ký với Việt Nam. 

Việt Nam liệu có xích gần hơn với Tây Âu?

Do đặc điểm tổ chức của nền kinh tế Việt Nam khác với các nước EU nên theo Khoản 3, Mục II, Chương 2, Việt Nam được bảo lưu quyền duy trì doanh nghiệp thương mại Nhà nước hoặc doanh nghiệp thương mại tư nhân được Nhà nước chỉ định theo danh mục doanh nghiệp và các loại hàng hóa kèm theo. Đây là điểm rất có lợi cho Việt Nam, tạo nên sự bình đẳng, hài hòa trong quan hệ thương mại đối ngoại giữa doanh ghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Các cam kết đối với hàng hóa tân trang (làm mới lại) hoặc hàng hóa đã qua sửa chữa cũng có những ràng buộc rất chặt chẽ đế tránh cho Việt Nam những nguy cơ trở thành bãi chứa hàng hóa phế thải hoặc thậm chí là rác công nghiệp trong hơn 15 năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

Còn các điều khoản về Phòng vệ thương mại (ở Chương 3) cũng rất mềm dẻo ở các điểm:

- Chấp nhận phòng vệ thương mại như một biện pháp cần thiết nhưng không lạm dụng.

- Lý do thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại phải được minh bạch. Điều này hoàn toàn trái ngược với những biện pháp bảo hộ mậu dịch một cách vô cớ mà phía Mỹ thường nêu ra một cách chung chung nhằm mục tiêu gây sức ép về chính trị, biết đối tác thành đối thủ.

- Việt Nam có quyền thực hiện phòng vệ song phương (đối với từng quốc gia trong EU) hoặc đa phương (đối với toàn bộ EU). Đây là điểm mở rẩt quan trọng làm cho quan hệ thương mại Việt Nam - EU nói chung không bị gián đoạn khi có những sự cố trong quan hệ thương mại giữ Việt Nam với một hoặc một số ít quốc gia thuộc EU.

- Việt Nam được hưởng lợi rất lớn cả trước mắt và lâu dài đối với các quy định phi thuế quan đối với thương mại và đầu tư trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo (Chương 7). Việc phi thuế quan hóa đối với lĩnh vực này giúp Việt Nam trước mắt có cơ hội giảm bớt sức ép thiểu cung về năng lượng và về lâu dài, có tác dụng bảo vệ môi trường số rất quan trọng, tránh cho Việt Nam rơi vào “cái bẫy môi trường”, không đi vào vết xe đổ của Trung Quốc  khi phát triển công nghiệp quá “nóng” mà bất chấp hậu quả suy thoái và ô nhiễm môi trường sống.

Sputnik: Theo ông thì để tận dụng những lợi thế của EVFTA mà ông đã nhắc tới ở trên, thì Việt Nam đang có và chưa có những điều kiện gì?

Ông Nguyễn Minh Tâm:

Về pháp lý: EVFTA nằm trong khuôn khổ WTO nên Việt Nam sẽ có cả hành lang pháp lý cơ bản (WTO) cũng như các hiệp định song phương mà Việt Nam ký với với một số quốc gia EU bởi trên nguyên tắc EVFTA không phủ nhận các thỏa thuận đó.

 Về tư duy, Việt Nam có kinh nghiệm sau gần 20 năm gia nhập WTO. Các chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam có độ mở/đóng hợp lý đối với từng lĩnh vực và phản ứng nhạy bén, chính xác, hiệu quả hơn đối với những biến động của nền kinh tế thế giới cũng như các khu vực có liên quan.

 Về khoa học và công nghệ, Việt Nam đã tích lũy và lĩnh hội được nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới từ thê sgiowsi, chủ yếu là từ các nước phát triển ở Châu Á. Những kinh nghiệm đó rất có ích trong việc hấp thụ những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới đến từ Châu Âu hiện đại.

Ký được Hiệp định Thương mại Tự do với châu Âu: Việt Nam quá “nhanh chân” so với khu vực

Về lao động, Việt Nam đã có một lực lượng lao động trí óc có chất lượng cao hơn hẳn so với 20 năm trước đây kèm theo sự nâng cao đáng kể chất lượng đội ngũ lao động giản đơn bằng việc đào tạo nghề. Sự đầu tư từ EU vào Việt nam sẽ tạo điều kiện đê phát huy thê mạnh về lao động, đặc biệt là lao động có hàm lượng trí tuệ cao.

Theo tôi, có 5 thách thức lớn đối với Việt Nam khi thực thi EVFTA. 

Một là, thực hiện các yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Điểm bất lợi đối với Việt Nam hiện này là đang có một tỷ lệ khá lớn các doanh nghiệp sản xuất theo phương thức gia công. Vì vậy, cần tân thủ nghiêm ngặt các quy định về tỷ lệ nội địa hóa để bảo đảm rằng các hàng hóa đó thực sự là “Made in Vietnam”. Theo đó, xuất xứ của các nguyên phụ liệu cũng cần được minh bạch để kiểm chứng, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Riêng đối với thủy hải sản, cần có những biện pháp quyết liệt để sớm gỡ bỏ “Thẻ vàng EU”. Rất nhiều người đã lầm tưởng rằng việc ký kết EVFTA sẽ “tự nhiên” gỡ bỏ thẻ vàng ấy.

Hai là, các rào cản về kỹ thuật thương mại. Lâu nay, Việt Nam vẫn sản xuất theo thói quen “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” trong khi thị trường EU lại đặt ra yêu cầu phái “tốt cả gỗ lẫn nước sơn”. Đây là thách thức nhưng cũng là lực đẩy thúc giục các doanh nghiệp Việt nam phải chăm lo cho sản phẩm của mình cả về nội dung lẫn hình thức để tăng sức mạnh cạnh tranh, không chỉ trên “sân khách” mà còn cả ở “sân nhà”.

Ba là, rào cản về yêu cầu cao đối với vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực ra thì gọi là rào cản cũng không thật đúng nghĩa bởi đối với hàng hóa là lương thực thực phẩm, đồ uống, dược phẩm .v.v… thì sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng là yêu cầu tối cao nhất. Vì vậy, Việt Nam bắt buộc phải vượt qua rào cản này bằng chính trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, không chỉ với ngoài nước mà còn cả ở trong nước. Không một đối tác thương mại “đứng đắn” nào trên thế giới có thể bỏ qua rào cản này.

Bốn là, nguy cơ từ các biện pháp phòng vệ thương mại. Thực ra thì quy định này luôn có đặc tính “dễ người, dễ ta; khó người, khó ta”. Phòng vệ thương mại thực chất là biện pháp tự vệ chính đáng để bảo vệ nền sản xuất và mạng lưới phân phối hàng hóa trong nước trước nguy cơ bị “xâm lược thương mại”. Cái mà chúng ta không chấp nhận là sự lợi dụng tự do hóa thương mại để xâm lược thương mại, là không chấp nhận việc lợi dụng quyền phòng vệ thương mại để gây sức ếp về kinh tế và chính trị đối với đối tác.

EVFTA giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam

Năm là, sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU. Điều này mới nhìn qua có thể thấy là bất lợi khi hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn Châu Âu và Bắc Mỹ (European and North American Standarts) luôn có chất lượng tốt nhất nhì thế giới (chỉ đứng sau tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ nội địa Nhật Bản). Nhưng điều đó cũng có tác dụng “chọn lọc tự nhiên”, giúp loại bỏ những hàng hóa nội địa kém chất lượng, những doanh nghiệp nội địa lạc hậu về công nghệ và kém cỏi sức sáng tạo. Từ đó, sẽ cho ra đời một nền sản xuất nội địa có chất lượng tốt hơn. Và đương nhiên là người tiêu dùng Việt Nam sẽ được lợi vì được sử dụng những hàng hóa có chất lượng tốt hơn.

Sputnik: Vậy những vấn đề cấp bách mà Việt Nam hiện nay cần làm là gì, theo ông?

Ông Nguyễn Minh Tâm:

Theo tôi thì vấn đề cấp bách cần làm hiện nay là:

- Điều chỉnh lại chính sách kinh tế cho phù hợp với đối tác mới, môi trường mới, nhu cầu mới.

- Cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, tích cực xây dựng những thương hiệu mới và củng cố vững chắc các thương hiệu đã có. Mở rộng quảng bá sản phẩm bằng nhiều kênh, nhiều con đường, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường mới được khai mở.

- Đẩy mạnh áp dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, phát triển sản xuất dựa trên công nghệ cao, công nghệ sinh học .v.v… làm nền tảng cho việc mở rộng sản xuất trong nước và đầu tư sản xuất ngoài nước.

- Thu hút đầu tư FDI đi đôi với quản lý chặt chẽ nhưng mềm dẻo, uyển chuyển, tạo sự phát triển hài hòa giữa đầu tư trong nước và đầu tư ngoài nước. Đặc biệt phát triển đầu tư tư bản tư nhân ở những ngành nghề không thuộc lĩnh vực chiến lược, thiết yếu có lên quan chặt chẽ đến quốc phòng và an ninh quốc gia (bao gồm cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống).

Sputnik: Cảm ơn ông vì những câu trả lời rất đầy đủ và cụ thể.

Thảo luận