Giá thấp kỷ lục trong 10 năm qua
Một số chủ vườn ở các tỉnh miền Tây cho biết, giá mít Thái đang lao dốc do đây cũng là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại trái cây khác, nên nhu cầu về mít giảm. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc đang “ăn chậm” khiến giá giảm theo. Lâu nay, gần 90% mít Thái vẫn được tiêu thụ qua thị trường này.
Nếu như 3 tháng đầu năm 2019, giá mít Thái do thương lái thu mua ở miền Tây và các tỉnh Đông Nam Bộ ở mức cao chót vót từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, thì những tháng gần đây, giá mít Thái “tuột dốc không phanh”, hiện chỉ còn ở mức 5.000 - 18.000 đồng/kg.
Theo đó, giá mít Thái ở Bình Phước - một trong những tỉnh miền Đông Nam Bộ trồng nhiều mít Thái nhất hiện ở mức cực kỳ thấp, thậm chí thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây: Loại 1 chỉ còn 15.000 đồng/kg, loại 2 giá 12.000 đồng/kg, loại 3 chỉ còn 8.000 đồng/kg.
Giá mít Thái tụt dốc không phanh khiến không ít nhà vườn trồng loại trái cây này lo lắng, nhất là các hộ chặt tiêu, điều để trồng mít Thái trong nửa cuối năm 2018 và đầu năm 2019 - thời điểm bùng phát phong trào chuyển đổi sang trồng mít Thái ở Bình Phước. Đây cũng là thời điểm giá giống cây mít Thái tăng cao, có thời điểm 1 cây mít Thái giống có giá từ 150.000 - 180.000 đồng, nhưng các vườn ươm cũng không đủ hàng để bán.
Tương tự, giá mít Thái ở Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang cũng đang giảm thảm hại khiến nhiều chủ vườn hết sức lo lắng. Theo đó, giá mít Thái ở Hậu Giang đang ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg giờ rớt xuống còn 18.000 đồng/kg loại 1: 10.000 đồng/kg, mít loại 2 và mít loại 3 chỉ còn 5.000 đồng/kg. Nhiều chủ vườn ca thán, giá bán 1kg mít Thái giờ không mua nổi 1kg rau bình thường.
Trung Quốc cũng trồng mít, rồi sẽ về đâu?
Một số chủ vựa thu mua mít Thái lớn trong tỉnh Hậu Giang lý giải, sở dĩ mít Thái tiêu thụ chậm, giá lao dốc là do thị trường Trung Quốc "ăn chậm, ăn ít" lại, bởi đây đang là thời điểm thu hoạch, nhiều loại trái cây khác nên nhu cầu về mít Thái giảm.
Việc trồng ồ ạt mít Thái trong 2 năm qua chưa hẳn là nguyên nhân chính, bởi những diện tích trồng mới trong 2 năm qua chưa thể tạo nên số lượng trái nhiều tới mức gây dưa thừa trong năm nay, nếu có dư thừa thì phải sang năm 2020 và các năm sau. Giá giảm chủ yếu do nhu cầu bên thị trường Trung Quốc giảm, bởi trước nay gần 90% mít Thái được tiêu thụ qua thị trường này...
Ông Nguyễn Văn Kiệt - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, mít Thái không nằm trong danh sách các loại cây trồng chủ lực của địa phương và cũng không khuyến khích phát triển vì không đảm bảo đầu ra, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
Nhưng theo ông Kiệt, thời gian qua, do thấy mít Thái có giá cao nên nông dân ồ ạt trồng loại cây này, diện tích tăng hơn 2.000ha, gấp đôi so thời điểm tháng 9/2018 và nhiều nhất tỉnh Hậu Giang, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Tại nhiều địa phương khác ở miền Tây cũng xảy ra tình trạng nông dân ồ ạt bỏ lúa, cây ăn trái đặc sản chuyển sang trồng mít Thái. Cả vùng ĐBSCL hiện có diện tích trồng mít Thái lớn nhất cả nước với hơn 10.000ha, trên tổng số hơn 26.000ha của cả nước. Ở từng thời điểm, giá trị mang lại từ mít Thái đã giúp người nông dân đổi đời chỉ sau một vài vụ thu hoạch. Bởi có lúc, giá mít lên đến hơn 60.000 đồng/kg, mỗi ha thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao trước mắt từ cây mít cho chúng ta thấy điều gì? Nhiều bài học về chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách tự phát trong các năm qua đều đi đến kết cục là người nông dân luôn gánh chịu thiệt hại khi cứ lặp đi lặp lại tình trạng “cung vượt cầu”, “thừa hàng, dội chợ”.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu của mít Thái hiện nay chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Với thị trường này, chúng ta đã có quá nhiều bài học, như trái cam sành thời điểm năm 2015, giá lên hơn 45.000 đồng/kg đã kích thích nông dân ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ... bỏ lúa lên liếp trồng cam.
Khi nguồn cung quá nhiều, thị trường đầu ra không còn, cây cam sành bị bệnh vàng lá gân xanh... đã làm giá rớt thê thảm. Hay trái thanh long trong năm 2018 cũng vậy. Nguồn cung lớn nhưng khi thương lái Trung Quốc không mua hàng, ngay lập tức giá giảm cả chục lần.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, song đã và đang ngày càng trở nên “sành ăn”, “kỹ lưỡng” hơn. Thị trường này đang siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, với yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Theo ghi nhận gần đây của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Trung Quốc cũng đang phát triển diện tích mít lên đến 180.000ha. Thông tin này ngành chức năng cần phổ biến đến các địa phương để chủ động “biết người biết ta”, từ đó có hướng sản xuất cho phù hợp với tín hiệu thị trường.
Vùng ĐBSCL hiện có 10.000ha diện tích trồng mít Thái, trên tổng số hơn 26.000ha của cả nước. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang có tham vọng phát triển diện tích lên 180.000ha.
Trước phong trào đổ xô trồng mít Thái, Bộ NNPTNT cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương có diện tích mít Thái với diện tích lớn cần quan tâm, chấn chỉnh tình trạng này. Nhưng nếu vẫn còn tình trạng sản xuất theo phong trào, chờ đợi xuất khẩu tiểu ngạch thì có thể còn phải chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng.