Thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung: Hoa Kỳ nhượng bộ hay thực dụng

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thỏa thuận đình chiến thương mại. Hoa Kỳ hứa sẽ không áp đặt mức thuế mới, sẽ nối lại cuộc đàm phán thương mại và sẽ cho phép Huawei mua linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ.
Sputnik

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa sẽ không hạn chế việc cấp thị thực cho du học sinh Trung Quốc. Về phần mình Trung Quốc hứa sẽ mua thêm hàng nông nghiệp Mỹ.

Thoạt nhìn, có vẻ là Hoa Kỳ đã thực hiện những nhượng bộ lớn hơn so với Trung Quốc. Không ai dự đoán kết quả như vậy sau những tuyên bố gay gắt của Washington trước thềm Hội nghị thượng đỉnh. Chỉ vài ngày trước cuộc gặp của lãnh đạo hai nước tại Osaka, Trump đe dọa áp đặt thuế quan đối với tất cả hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ nếu cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không mang lại kết quả mà ông muốn. Hoa Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, đối với Bắc Kinh việc ký kết thỏa thuận thương mại là quan trọng hơn nhiều so với Washington, bởi vì Mỹ vẫn không bị thiệt hại nếu nhận thêm hàng tỷ đô la thuế hải quan. 

Thoạt nhìn thì có vẻ tại cuộc đàm phán ở Osaka Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều nhượng bộ hơn so với Trung Quốc: ba chống một. Nhưng, liệu những bước đi này có thể được coi là sự nhượng bộ? Thỏa thuận nối lại đàm phán thương mại là một bước tích cực đối với cả hai bên, nhưng, cho đến nay các cuộc đàm phán vẫn chưa mang lại kết quả. Trước đây 11 vòng đàm phán khó khăn đã thất bại. Và chưa rõ liệu các vòng đàm phán mới có thể thành công.

Nhiều khả năng, quyết định của Hoa Kỳ không áp đặt mức thuế mới không phải là sự nhượng bộ, mà là điều kiện tối thiểu có thể để bắt đầu đàm phán. Đồng thời, Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Mỹ xóa bỏ tất cả các hạn chế thuế quan. Trên thực tế, đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất đã dẫn đến sự thất bại của các vòng đàm phán trước đó. Hiện tại, Hoa Kỳ không có ý định dỡ bỏ toàn bộ thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc.

Nói về các du học sinh Trung Quốc ở Hoa Kỳ, thì tuyên bố của Trump không thể được coi như một sự thay đổi chính trị cơ bản. Sau khi bắt đầu tranh chấp thương mại giữa hai nước, những du học sinh Trung Quốc đang theo học tại Mỹ phàn nàn về những khó khăn trong việc xin thị thực. Một số sinh viên thậm chí không thể hoàn thành một chương trình cụ thể vì thị thực không được gia hạn. Trước đây ông Trump đã đưa ra những nhận xét gay gắt và tweet rằng, cần phải làm phức tạp các thủ tục cấp visa cho sinh viên Trung Quốc nghiên cứu các chuyên ngành kỹ thuật, đặc biệt là những ngành có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ, như trí tuệ nhân tạo, robot, v.v. Theo kết quả cuộc đàm phán tại Osaka, Tổng thống Mỹ lưu ý rằng, ông chào đón du học sinh Trung Quốc muốn theo học ở Hoa Kỳ. Ông bày tỏ hy vọng rằng, nhiều người trong số đó sẽ tiếp tục làm việc tại Mỹ. Và đối với những du học sinh giỏi nhất, Mỹ có thể đơn giản hóa thủ tục nhận giấy phép cư trú tại Hoa Kỳ. Có lẽ đây thực sự là một bằng chứng của sự tan băng. Nhưng, tại thời điểm này, đây chỉ là những tuyên bố của Tổng thống. 

Tại sao Việt Nam sẽ không trở thành một Trung Quốc mới?

Một sự nhượng bộ duy nhất cho thấy sự thay đổi trong lập trường của Donald Trump là vấn đề Huawei. Vào tháng Năm năm nay, Tổng thống Mỹ đã ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi những công ty đặt ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ. Và Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Huawei vào danh sách đen. Trên thực tế, những biện pháp này đã cấm các công ty Mỹ cung cấp cho Huawei bất kỳ linh kiện hay phần mềm nào. Sau cuộc đàm phán tại Osaka, Trump cho biết rằng, ông sẽ cho phép các doanh nghiệp trong nước bán những linh kiện cho công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, đó chỉ là những linh kiện mà theo quan điểm của chính quyền Mỹ không thể được sử dụng trong các công nghệ đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia.

Song, nhiều khả năng bước đi này của Mỹ chỉ được giải thích bởi tư duy thực dụng, chuyên gia Chen Fengying, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

“Theo tôi, Trump không thực hiện những nhượng bộ đáng kể, và chúng tôi không nhận được một cái gì đó từ ông này. Cuộc gặp tại Osaka của hai nhà lãnh đạo chỉ là cuộc đối thoại ngoại giao. Phía trước là các cuộc đàm phán phức tạp, và hiện nay vẫn còn sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về việc liệu ông Trump thực hiện những nhượng bộ hay không.

Trước hết phải nói rằng, Hoa Kỳ chưa xóa Huawei khỏi danh sách đen. Nếu họ xóa Huawei khỏi danh sách đen, thì đó sẽ là một sự nhượng bộ lớn. Hoa Kỳ không ngừng gọi Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, như họ nói – nên hoãn vấn đề lại cho đến ngày mai. Vì vậy, động thái này của Mỹ là nhằm giải quyết các vấn đề của chính các công ty Mỹ, vì họ cung cấp rất nhiều sản phẩm cho Huawei, công ty Trung Quốc  là một khách hàng lớn của họ, và nếu họ không thể giao sản phẩm của mình cho Huawei thì ai sẽ mua một khối lượng sản phẩm của họ. Tình hình tương tự với Qualcomm và Intel: các công ty từ quốc gia nào có thể thay thế Huawei - người tiêu dùng lớn đối với các sản phẩm của họ? Vì vậy, quyết định này của Trump phục vụ lợi ích của các công ty Mỹ chứ không phải là một sự nhượng bộ vơi Trung Quốc.

Ngoài ra, Hoa Kỳ hứa sẽ không áp đặt thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ dỡ bỏ toàn bộ thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Bắc Kinh đã yêu cầu Mỹ bãi bỏ quyết định áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ đã không đồng ý. 

Huawei của Trung Quốc đấu tranh để giành độc lập khỏi Hoa Kỳ

Kết quả chính của cuộc gặp này là Hoa Kỳ đã đồng ý nối lại đàm phán và duy trì sự tương tác ổn định. Bởi vì nếu có những vấn đề, thì các bên nên giải quyết chúng thông qua tham vấn, chứ không phải bằng sự đối đầu. Cơ sở cho cuộc tham vấn tương lai đã được đặt ra. Lập trường của Hoa Kỳ tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này là tích cực hơn trước. Nhưng, chúng tôi hiểu rằng, các công việc phức tạp hơn nhiều đang ở phía trước”.

Các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ đã lên tiếng phản đối lệnh cấm bán linh kiện cho Huawei. Bởi vì trong số 70 tỷ USD mà Huawei chi để mua các linh kiện vào năm 2018, khoảng 11 tỷ USD đổ về các doanh nghiệp Mỹ trong đó có Qualcomm, Intel và Micron Technology. Theo ước tính của Broadcom Inc - tập đoàn sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ, công ty hụt 2 tỷ USD vì lệnh cấm vận Huawei. Có lẽ, Trump đã thông qua quyết định này dưới áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Như Reuters đưa tin, Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) đã cố gắng thuyết phục các quan chức Hoa Kỳ rằng, không phải tất cả các hoạt động kinh doanh của Huawei đều có thể đe dọa đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ, và việc cấm cung cấp bất kỳ linh kiện nào cho tập đoàn Trung Quốc sẽ gây hại cho chính các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, rất có thể quyết định của Trump gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Huawei sẽ vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ phía “trường phái diều hâu” trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Đánh giá kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G20, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đã tweet rằng, nếu Trump muốn biến Huawei thành đối tượng để mặc cả trong cuộc đàm phán với Trung Quốc, thì Hoa Kỳ sẽ tái áp đặt các hạn chế đối với tập đoàn Trung Quốc và sẽ thông qua dự luật về chủ đề này.

Thảo luận