Mấy ngày nay, dư luận được dịp xôn xao với cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Ngay sau khi xuất hiện, nội dung quảng cáo của sản phẩm Coca-Cola Việt Nam đã bị Cục Văn hoá cơ sở thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch “tuýt còi” vì cho rằng “có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam…”
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, việc “bắt lỗi” ở câu này phải xem có đúng hay không, chứ không phải là dùng trong quảng cáo này đã hay chưa? Liệu câu này có bị làm mất thuần phong mỹ tục cũng như liên quan đến nghĩa xấu hay không?
PGS Phạm Văn Tình: Dùng trong quảng cáo là chấp nhận được
Theo PGS Tình, trong từ điển tiếng Việt, từ “lon” (danh từ) mang những 5 nghĩa gồm hai nghĩa thuần Việt và ba nghĩa ngoại lai.
Cụ th, từ này có nghĩa như sau: 1. Chỉ một con thú rừng cùng họ với cầy móc cua, nhưng nhỏ hơn; 2. vật hình trụ đựng sữa hoặc nước giải khát, thường bằng kim loại; 3. Phương ngữ: bơ (bơ gạo/ lon gạo); 4. vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành; 5. phù hiệu quân hàm (lon đại úy, quân hàm).
Cũng theo PGS Tình, đây là những từ quá thông dụng tiếng Việt rồi. Lon mà sử dụng trong giao tiếp bây giờ đến mức quá quen như khi hỏi nhau" Uống mấy lon? Dùng mấy lon nước ngọt"?
PGS Tình cho rằng, từ “lon” kết hợp với từ Việt Nam người ta "ngại" là có hai lí do: Đối với Việt Nam, từ “lon” tầm thường quá. Thứ hai, từ lon dễ liên tưởng khi “thêm dấu thêm má”. Nếu suy luận thế thì có bao nhiêu cái có thể suy luận được sang nghĩa khác như Chợ Lớn, Bưởi năm roi.
Vì thế, trong trường hợp này, PGS Tình cho rằng dùng câu đó không có gì sai và việc Cục văn hóa cơ sở- Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch kết luận như thế là hơi vội. Cơ quan nhà nước có quyền lên tiếng nhưng trước đó nên tham khảo ý kiến các nhà khoa học.
“Liệu Bộ này có thể đi theo dõi hết các quảng cảo, thương hiệu ở khắp đất nước này mà có thể sẽ gây liên tưởng hay không? Ví dụ: tôi đã không dưới 3 lần nhìn thầy nhà hàng gắn biển là“Chim to dần”. Xét thế thì biển quảng cáo này có thể gây hiểu lầm thì có thể bắt lỗi người ta. Tuy nhiên, anh lấy gì, dựa vào đâu để phạt những biển này “- PGS Tình chia sẻ.
Cũng theo vị Tổng Thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam, quảng cáo là một tổ hợp thông điệp mà có ít lời.
“Ở đây, trên phông quảng cáo của họ có hình ảnh các lon, màu sắc,…Anh không thể tách câu đó với bối cảnh của thông điệp quảng cáo. Câu “Mở lon Việt Nam” tôi cho rằng rõ nghĩa và dùng trong quảng cáo là chấp nhận được”- PGS Tình khẳng định.
Mở lon Việt Nam với lí giải của 'Nhà cải cách tiếng Việt' PGS.TS Bùi Hiền
PGS Bùi Hiền- nguyên là Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội:
Sự lập lờ như thế gây phản cảm là đúng thôi.
PGS Bùi Hiền- nguyên là Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng, hiện tại câu "Mở lon Việt Nam" là một câu không có nghĩa. Chính sự vô nghĩa của nó khi cho vào quảng cáo lại định hướng cho người ta liên tưởng đến cái khác.
“Về mặt ngôn ngữ có phần liên tưởng, mà ở câu này dễ liên tưởng đến ý nghĩa xấu. Sự lập lờ như thế gây phản cảm là đúng thôi. Chả nhẽ, cả một hãng lớn đưa lên một câu hoàn toàn vô nghĩa lên đây, để làm gì?”- PGS Bùi Hiền nói.
Theo các giảng viên về ngôn ngữ, việc xác định lỗi sử dụng slogan “Mở lon Việt Nam” - “là hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam” hoàn toàn không có cơ sở xét cả về câu chữ và nghĩa của từ.
Trước đó, giải thích lý do chấn chỉnh quảng cáo của Coca – Cola Việt Nam, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở cho rằng, giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào từ “lon” thì cụm từ “lon Việt Nam” sẽ có rất nhiều vấn đề. Ý kiến này của vị Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở vấp phải nhiều ý kiến tranh luận.