Giọng điệu tối hậu thư
Iran cảnh báo rằng, họ sẽ nối lại hoạt động sản xuất plutonium cấp vũ khí nếu các đối tác châu Âu không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Ngày X là ngày 7/7.
"Kể từ ngày 7 tháng 7, chúng tôi sẽ đưa lò phản ứng Arak về trạng thái cũ, mà theo lời của các bạn (nước ngoài) trại thái này là nguy hiểm bởi vì lò phản ứng có thể sản xuất plutonium", - Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố.
Theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về giải pháp đối với chương trình hạt nhân của Iran, Tehran đã cam kết xây dựng lại lò phản ứng Arak để nghiên cứu hạt nhân cho mục đích hòa bình và sản suất đồng vị phóng xạ cho y học và công nghiệp. Sau khi được nâng cấp theo cách này, lò phản ứng không thể sản xuất plutonium cấp vũ khí.
Iran giải thích rằng, họ đã đưa ra tối hậu thư bởi vì Washington vi phạm thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt, còn Đức, Pháp, Anh, Trung Quốc và Nga không có khả năng giải quyết các vấn đề còn lại trong Kế hoạch JCPOA.
EU được yêu cầu làm gì
Các nước châu Âu từ lâu chờ đợi việc khởi động cơ chế INSTEX để thanh toán trực tiếp với Iran, để giúp Tehran lách các đòn trừng phạt của Washington. Thỏa thuận về INSTEX đã đạt được vào tháng 1, nhưng tiến độ đã bắt đầu gần đây.
Mới gần đây, cụ thể vào ngày 1 tháng 7, EU đã tuyên bố về việc cơ chế thanh toán với Iran được đưa vào hoạt động. Liên minh châu Âu đã nói về ý định kết nối các nhà khai thác từ các nước thứ ba vào cơ chế INSTEX, trong số đó có cả Nga. Nhưng, Matxcơva nghi ngờ tính hiệu quả của cơ chế này.
Bộ Ngoại giao Nga đã nói về điều đó. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã chỉ ra rằng, quá trình tạo ra INSTEX đã kéo dài gần một năm, và cơ chế này chưa thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Ngoài ra, cơ chế này hoàn toàn không dành cho thị trường dầu mỏ, thứ mà Iran muốn hơn cả.
"Cơ chế INSTEX nhằm hỗ trợ hoạt động trao đổi thương mại với Iran chỉ liên quan tới lương thực, dược phẩm và nhân đạo, tức là các thứ hàng không bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt. Cơ chế này không dành cho tất cả các nước muốn giao dịch với Iran, mà chỉ cho các thành viên EU", ông Lavrov nhấn mạnh.
Từ lời nói đến việc làm
Ngoài lời hứa đưa lò phản ứng Arak về trạng thái cũ để sản xuất plutoni cấp vũ khí, Tehran có ý định thực hiện một số biện pháp khác. Vài ngày trước tối hậu thư mới, báo chí cho biết rằng, Tehran đã vượt quá giới hạn uranium làm giàu ở mức độ thấp được quy định trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện JCPOA.
"Tổng thống Iran Rouhani nói rằng họ sẽ làm giàu uranium “với bất kỳ số lượng nào mà họ muốn” nếu không có thỏa thuận hạt nhân nào mới", Donald Trump phẫn nộ trên Twitter. –"Hãy cẩn thận với những lời đe dọa, Iran!"
Các thanh sát viên IAEA đã ghi nhận việc Tehran vi phạm giới hạn về khối lượng nguyên liệu hạt nhân được phép sở hữu. Đồng thời, các thanh sát viên quốc tế vẫn có thể tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran và đây là một trong những điểm trong thỏa thuận hạt nhân mà Iran vẫn tuân thủ.
Nhưng, hồi tháng Năm, Tehran đã tuyên bố đình chỉ một số cam kết theo thỏa thuận hạt nhân và lưu ý rằng, nếu trong vòng hai tháng các đối tác không cố gắng gây áp lực với Washington, Iran sẽ tiếp tục làm giàu uranium đến cấp độ 19,75%. Ngoài ra, họ sẽ dừng lại quá trình hiện đại hóa lò phản ứng hạt nhân Arak.
Iran muốn gì?
Tehran đã nhiều lần tuyên bố rằng, mục tiêu của họ là duy trì thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, bà Yulia Sveshnikova, nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế Cao cấp (Nga), đã lưu ý rằng, phản ứng của Iran là khá tự nhiên. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, mọi thứ đã dừng lại. Tehran đang gây áp lực lên châu Âu để họ tìm cách nào đó đạt thỏa thuận với Mỹ”, - chuyên gia Nga nhận xét.
Nhưng, cả Matxcơva và Bắc Kinh đều không có đòn bẩy nào đối với Washington. Ngoài ra, Iran không phải là một thị trường mang lại lợi nhuận cao, do đó, không có ai muốn tranh cãi với Washington để bảo vệ lợi ích của Tehran.
Đồng thời, các chuyên gia trong khu vực đều cho rằng, bây giờ Iran khó có thể có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân. Vào năm 2005, Ayatollah Ali Khamenei đã ban hành một giáo lệnh (fatwa) cấm sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hạt nhân. Mục tiêu chính của chương trình hạt nhân Iran là phát triển tiềm năng khoa học và kỹ thuật chính thức hòa bình, tuy nhiên, nếu cần thiết, tiềm năng này sẽ giúp Iran chế tạo đầu đạn hạt nhân. Điều này là một yếu tố của chiến lược răn đe.
Đối phó với áp lực của Washington
Các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới mà Mỹ áp đặt với Iran sẽ ảnh hưởng đến giới lãnh đạo. Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và các cộng sự của ông sẽ mất quyền truy cập vào các công cụ tài chính.
"Các biện pháp này của chúng tôi là phản ứng trước hành động của chế độ Iran trong những tuần gần đây", ông Trump nói.
Đây cũng là một phản ứng với việc chiếc máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ vào ngày 20 tháng 6 trên không phận quốc tế thuộc eo biển Hormuz. Theo dữ liệu của Mỹ, chiếc UAV bị tên lửa phòng không Iran bắn trúng. Sau đó, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho quân đội tấn công Iran. Chiến dịch tấn công đã đi vào giai đoạn đầu tiên trước khi bị hủy bỏ.
Một tháng trước, tại eo biển Hormuz, mà 40% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua con đường này, hai tàu chở dầu của Ả Rập Saudi cũng như một tàu treo cờ Na Uy và một tàu treo cờ Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất đã bị tấn công. Mỹ cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu và gửi đến Vịnh Ba Tư tàu sân bay Abraham Lincoln và bốn máy bay ném bom B-52. Điều đó làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến mới ở Vịnh Ba Tư.
Hồi tháng 4, Mỹ liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách khủng bố. Iran trả đũa bằng cách tuyên bố Bộ tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ và các lực lượng liên quan, kể cả ở Trung Đông, đều là các nhóm khủng bố.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Andrei Baklitski, thuộc Trung tâm nghiên cứu tư vấn độc lập PIR có trụ sở tại Matxcơva nhận xét rằng, chiến lược gây áp lực tối đa lên Iran có thể được giải thích bởi tham vọng chính trị của Trump. Theo logic của ông, nên phá hủy mọi thứ mà Tổng thống Barack Obama đã xây dựng trước đây và tạo ra những thứ mới. Chính quyền Obama đã có thể ký kết một thỏa thuận với Tehran, có nghĩa là bây giờ cần phải phá hủy thỏa thuận này và đạt được những thỏa thuận mới, - chuyên gia nói.