Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại với thành phố Nga “cứu tinh”

Ngày 5 tháng 7 cử hành nghi lễ long trọng khánh thành tượng đài thứ tư tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Nga.
Sputnik

Tượng đài đầu tiên được dựng   năm 1990 trên quảng trường mang tên vị lãnh tụ Việt Nam ở Matxcơva, tượng đài thứ hai - năm 2010, trong khuôn viên ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg, nơi có Viện Hồ Chí Minh đang hoạt động, tượng đài Hồ Chí Minh thứ ba - năm 2017 tại thành phố Ulyanovsk vùng Siberia, quê hương của V.I. Lenin. Bây giờ, nước Nga có tượng đài thứ tư vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựng tại thành phố miền duyên hải Vladivostok.

Khánh thành tượng đài vị Chủ tịch đầu tiên của Việt Nam tại Vladivostok

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới  thành phố này vào năm 1924, trên đường từ Matxcơva đi Quảng Đông với tư cách là đặc phái viên Ban Thư ký Viễn Đông thuộc BCH Quốc tế Cộng sản. Người  dừng chân ở đó rồi đến Matxcơva sau cuộc đảo chính của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc năm 1927. Đến năm 1934, bị cảnh sát Anh, Pháp và Tưởng Giới Thạch truy đuổi sau khi ra tù ở Hồng Kông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Vladivostok lần thứ ba. Và từ đó, Người gọi thành phố này là vị cứu tinh của mình. Chính tại Vladivostok đã bắt đầu thời kỳ tiền cách mạng thứ ba của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh  với gần 5 năm ở Liên Xô, gắn  với công tác trong Quốc tế Cộng sản đồng thời nung nấu hoạch định phát triển chiến lược và chiến thuật cho cuộc đấu tranh cách mạng ở quê hương Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại với thành phố Nga “cứu tinh”

Sau này Vladivostok đã là thành phố cảng đầu tiên của nước Nga, từ đó khai thông tuyến đường biển đến Việt Nam sau cuộc kháng chiến chống Pháp.  Hàng chục con tàu chở đầy hàng hóa quân sự và kinh tế đã rong ruổi hàng tháng trời trên tuyến đường biển này trong những năm ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ để thống nhất đất nước. Kể từ đó, Vladivostok và Hải Phòng trở thành những thành phố kết nghĩa. Và vào năm 2009, thành phố Hồ Chí Minh cũng thành đô thị anh em hữu nghị thân thiết của Vladivostok.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại với thành phố Nga “cứu tinh”

Vàng của người Việt tại Nga dâng tượng đài Hồ Chí Minh

Công trình xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vladivostok là sáng kiến ​​chung. Cả cộng đồng  người Việt hiện sống ở vùng duyên hải này của nước Nga, cả Chi hội hữu nghị Nga-Việt của thành phố gắn kết quy tụ mọi người chân thành quan tâm đến sự phát triển hợp tác giữa hai nước, cả tập thể giảng viên sinh viên ĐHTH Liên bang Viễn Đông. Nhân đây xin nói thêm, ở cơ sở đào tạo đại học này của Nga đã dạy Tiếng Việt, lịch sử, văn hóa và kinh tế Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua. Bởi vậy, cùng với Matxcơva và Saint-Peterburg, Vladivostok là một trong ba trung tâm nghiên cứu đào tạo chuyên gia ngành Việt Nam học lớn nhất của LB Nga.

Như ông Nguyễn Hoàng Việt, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại thành phố này cho biết trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, hiện nay tại Vladivostok có hơn một ngàn người Việt Nam làm việc và học tập. Trước đây có lúc đông hơn thế, nhưng một số đồng bào đã về nước, một số di chuyển đến những khu vực khác ở Nga. Hội đồng hương Việt Nam đã nhận chi một phần đáng kể kinh phí dành cho việc chuẩn bị pho tượng bằng đồng, xây dựng bệ đá cẩm thạch, và cải tạo bố trí lãnh thổ xung quanh. Pho tượng bán thân là công trình nghệ thuật của điêu khắc gia Piotr Chegodaev trẻ tuổi nhưng đã thành danh (ba tượng đài là tác phẩm của Chegodaev tưởng niệm những nhân vật nổi tiếng đã được dựng trong thành phố). Nhận trọng trách tạc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà điêu khắc Nga thấu hiểu và cố gắng thể hiện nguyện vọng tình cảm của những người Việt từ hội đồng hương địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng sau bục giảng, đặt tay trên cuốn sách mở. Dòng chữ khắc trên bệ, bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt ghi rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà  văn hóa kiệt xuất”. Chiều cao tổng cộng của tượng đài là hơn 2 mét. Và toàn bộ địa bàn dưới chân tượng được lát đá hoa cương màu xám, sản phẩm khai thác tại quê nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là khoản cung tiến từ bà Thái Hương, CEO của tập đoàn “TH True Milk” đang thực hiện tại Nga trong đó có ở vùng Viễn Đông hàng loạt dự án đồ sộ trong ngành chăn nuôi bò sữa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại với thành phố Nga “cứu tinh”
Những địa danh ở nước Nga mang tên Hồ Chí Minh

Tham dự nghi lễ long trọng khánh thành tượng đài có đông đảo các nhà lãnh đạo thành phố và chính quyền vùng Primorsky mà thủ phủ là Vladivostok, đại diện của Bộ Ngoại giao LB Nga và CHXHCN Việt Nam. Hiện diện trong sự kiện nổi bật này còn có phần tham gia của đoàn đại biểu từ các thành phố kết nghĩa TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và đông đảo nhất là phái đoàn 29 thành viên của tập đoàn SPT. Một ngày trước, các đại diện tập đoàn này đã thảo luận các nội dung hợp tác với ĐHTH Liên bang Viễn Đông.

Toàn thể những người có mặt tại buổi lễ đều ghi nhận  rằng việc dựng tượng đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vladivostok đúng vào Năm Giao lưu chéo của Nga và Việt Nam là một biểu tượng mới về tình hữu nghị anh em và hợp tác giữa các dân tộc và hai Nhà nước chúng ta.

Thảo luận