Nghi vấn một số loại thép của Việt Nam né thuế bằng cách sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã quyết định áp hơn 400% mức thuế đối với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
-Ông có đánh giá như thế nào về quyết định này của Mỹ?
Thật ra sự việc này đã được dự báo trước. Bộ Thương mại Mỹ đã từng có cảnh báo về tình trạng gia tăng đáng kể sản phẩm thép từ nhập khẩu từ Việt Nam, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép chống gỉ (corrosion-resistant steel) và thép cán nguội (corrosion-resistant steel) của Hàn Quốc và Đài Loan năm 2015. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế của Việt Nam giữa năm ngoái.
Kết quả điều trả của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy từ 2/2015 – 4/2019, lượng xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng tương ứng 332% và 916% so với cùng kỳ trước đó. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng không gặp mấy khó khăn để phân tích và kết luận các sản phẩm thép “made in Vietnam” được sản xuất bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ Hàn Quốc hoặc Đài Loan đã né tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Mỹ. Có thể nói kết quả điều tra này là không bất ngờ và đã được tiên liệu trước.
-Theo ông, quyết định này sẽ tác động như thế nào tới doanh nghiệp thép Việt, và tới thị trường xuất khẩu nói chung, thưa ông?
Khi các sản phẩm thép bị đánh thuế thực chất không phải là của Việt Nam thì tác động trực tiếp của biện pháp tăng thuế đó không ảnh hưởng quá nhiều tới doanh nghiệp Việt Nam. Hoặc cũng chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan.
Tuy nhiên, chắc chắn điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới các sản phẩm xuất khẩu khác. Khi Bộ Thương mại Mỹ sẽ lưu ý và sẵn sàng mạnh tay với hàng Việt Nam khi bị các doanh nghiệp Mỹ nghi ngờ là có khả năng gian lận thương mại. Tất nhiên, Mỹ vẫn sẽ phải điều tra trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp thương mại nào, nhưng khi bị điều tra các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải dành các chi phí pháp lý.
-Trong diễn biến mới đây, Ấn Độ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn không gỉ cán phẳng nhập khẩu từ Việt Nam? Trong bối cảnh các vụ kiện phòng vệ thương mại đang có diễn biến phức tạp, ông có lời khuyến nghị gì cho doanh nghiệp, thưa ông?
Trong thế giới như hiện tại, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để duy trì quan hệ thương mại tốt với Mỹ. Nhà nước cần phải chủ động loại bỏ, hạn chế điều kiện cho những hành vi lẩn tránh thuế của các đối tác trong khu vực. Gia tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ cũng là một giải pháp cần phải tính tới để đảm bảo cân bằng cán cân thương mại.
Ở đây nhà nước cần phải tuyên truyền pháp luật tốt hơn cho các doanh nghiệp, các văn phòng thương mại ở nước ngoài phải cập nhật thông tin và cảnh báo cho doanh nghiệp về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Còn về phía doanh nghiệp thì phải có chiến lược kinh doanh đúng đắn; chuẩn bị hệ thống sổ sách kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế, có các cố vấn có hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm về luật thương mại quốc tế.
Về phía doanh nghiệp sẽ luôn tiếp cận các công cụ thương mại để bảo vệ quyền lợi của mình. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây cũng thường xuyên tiếp cận cơ chế phòng vệ thương mại để đối phó với hàng nhập khẩu. Vấn đề là làm sao để hạn chế bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ở nước ngoài.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã dần học được cách đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Đơn cử như ngành nuôi bắt thủy sản, chúng ta đều biết là Việt Nam đã bị Mỹ đánh các loại thuế phòng vệ thương mại trong suốt hai thập kỷ qua... nhưng ngành công nghiệp này vẫn phát triển đều. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp còn hiểu biết hạn chế về luật thương mại quốc tế và thiếu chuẩn bị khi ra biển lớn. Thương trường là chiến trường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ luôn phải chuẩn bị đối mặt với các cuộc chiến pháp lý khi thâm nhập hiệu quả tại một thị trường mới.