Chơi với châu Âu, doanh nghiệp Việt sẽ thắng nếu "biết người, biết ta"

Nhiều doanh nghiệp Việt hiện không biết gì về EVFTA, muốn chơi ở thị trường châu Âu, thì phải áp dụng triệt để chiến lược ‘hiểu người, hiểu mình’.
Sputnik

Chính phủ Việt Nam ngày 30/6/2019 tại thủ đô Hà Nội đã chính thức ký kết với Liên minh Châu Âu Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (EVIPA).

Thế nhưng, theo ý kiến của rất nhiều chuyên gia kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện rất mù mờ về những hiệp định này.

Việt Nam có lợi gì khi ký EVFTA?

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam hiểu được ý nghĩa to lớn khi gia nhập EVFTA, doanh thu lợi nhuận có được từ thị trường EU là rất khả thi.

“Việc ký kết EVFTA có tính đột phá mạnh mẽ, có ý nghĩa rất to lớn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong quan hệ kinh tế đối ngoại”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik về sự kiện ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Với EVFTA, Việt Nam sẽ là "thiên đường" cho các nhà đầu tư quốc tế

Đây là hiệp định có lợi ích to lớn cho các bên - Việt Nam và các nước khối EU. Về nguyên tắc, nó giúp định hình quan hệ thương mại giữa Việt Nam với từng nước thuộc EU trong khi nhiều điều khoản của một số hiệp định thương mại song phương mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia Châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia nằm trong EU.

Chuyên gia Nguyễn Minh Tâm chia sẻ:

“Việt Nam cũng được hưởng lợi rất lớn khi các hàng nông sản nhiệt đới của Việt Nam thâm nhập vào thi trường Châu Âu với mức thuế rất thấp. Điều này càng có lợi hơn cho Việt Nam nhằm tháo gỡ hai khó khăn trước mắt cũng như lâu dài: Một là tránh phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu của Trung Quốc hiện đang có dấu hiệu thiết lập hàng rào bảo vệ mậu dịch. Hai là sự bất ổn của tình hình thương mại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do “cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung đang có các diễn biến phức tạp”.

Nếu như Việt Nam có vai trò cầu nối rất quan trọng giữa Nga và ASEAN thì hiện nay, khi EVFTA được ký kết, Việt Nam cũng có vai trò cầu nối quan trọng về kinh tế giữa EU và ASEAN, một thị trường có quy mô tới 642 triệu dân và đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong điều kiện nội bộ EU đang có những khủng hoảng nhất định do Brexit thì việc mở ra một đầu cầu thương mại để thâm nhập vào ASEAN có ý nghĩa rất to lớn đối với EU cũng như các thành viên của nó.

Bạn mong đợi gì từ các Hiệp định mới Việt Nam vừa ký kết với EU?Tăng kim ngạch xuất nhập khẩuTăng đầu tưHoàn thiện môi trường kinh doanhTăng khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệpCải thiện yếu tố pháp lý của quan hệ kinh tếPhát triển các dịch vụ tài chính và logisticKhông quan tâm chủ đề này

Về sức mua, thị trường EU có quy mô dân số 450 triệu người, lớn gần gấp ba lần EAEU (có quy mô 170 triệu người), lớn gấp 1,5 lần thị trường Mỹ (có quy mô 327 triệu người) và chỉ đứng sau các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN. Việc ký kết EVFTA có tính đột phá mạnh mẽ, có ý nghĩa rất to lớn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong quan hệ kinh tế đối ngoại.

Vì vậy, có thể nói rằng cả EU và Việt Nam đều rất cần đến một FTA để mang lại lợi ích to lớn cho các bên.

Là thành viên của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt  Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu đến những thị trường nhiều tiềm năng và nhập khẩu những thiết bị, nguyên liệu đầu vào cho kinh doanh với giá thấp, chất lượng cao không chỉ từ chính châu Âu.

Ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dệt may Hồ Gươm chia sẻ trên VOV, những ưu đãi của EVFTA sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.

EU vốn được đánh giá là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhưng doanh thu hàng năm không phản ánh đúng tiềm năng đó. Tay nghề công nhân của Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn so với các nước láng giềng, song với mức thuế suất bình quân là 9,6%, sản phẩm dệt may của Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Do vậy, các doanh nghiệp rất trông chờ vào Hiệp định này.

FTA giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới

“Sau khi Hiệp định có hiệu lực thì ngành dệt may cũng không thể ngay lập tức có được các lợi thế. Cụ thể, ngành dệt may của chúng tôi vải đang nhập từ Đài Loan và Trung Quốc- hai thị trường này hiện chưa ký hiệp định FTA với EU, nên không thể được hưởng ngay ưu đãi về thuế. Trong Hiệp định có nói, cho phép vải nhập từ các nước có Hiệp định thương mại tự do với Châu Âu như Hàn Quốc. Tuy nhiên, thực tế chúng ta lại không nhập vải từ Hàn Quốc mà lại nhập từ Đài Loan và Trung Quốc, Indonesia nên không thể được hưởng lợi thế ngay được”, ông Phí Ngọc Trịnh nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại thì vấn đề đầu tiên là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nội luật hóa được các quy định của EVFTA. Quá trình nội luật hóa các cam kết trong EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải khéo léo tận dụng các khoảng không gian chính sách để sửa đổi hệ thống pháp luật phù hợp.

Bản thân doanh nghiệp phải có tầm nhìn toàn diện hơn, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới. Đồng thời, phải định vị thị trường của mình trong bối cảnh hội nhập, tái cấu trúc việc quản trị và công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, xác lập được một hệ thống phòng ngừa rủi ro.

70% doanh nghiệp dân doanh Việt Nam không hiểu gì về CPTPP và EVFTA?

Mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện hơn 70% doanh nghiệp dân doanh Việt Nam đang rất 'mù thông tin' về CPTPP và EVFTA.

Sự thật buồn: Hơn 70% doanh nghiệp dân doanh Việt Nam "không biết gì" về CPTPP và EVFTA

Kết quả điều tra cho thấy con số đáng quan ngại khi có 63% doanh nghiệp dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về cộng đồng kinh tế ASEAN. Với Hiệp định Đối tác toàn diện Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, con số này lần lượt lên tới 71 và 77%.

“Rõ ràng là rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế, khi mà họ chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đàm phán trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng”, Chủ tịch VCCI nói.

Với EVFTA, phải “biết người biết ta”?

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng vụ Đa biên - Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép triển khai ngay quy trình phê chuẩn EVFTA; chủ trì phối hợp với các bộ ngành đánh tác động làm cơ sở trình Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp tháng 10 tới đây, ngay sau kế hoạch hành động sẽ được ban hành. Bộ phấn đấu, năm 2020 Hiệp định sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu kỹ hiệp định này để tận dụng cơ hội càng nhanh càng tốt, cũng như duy trì lợi thế càng lâu càng tốt.

“Chúng ta biết quy tắc xuất xứ và thấy rằng, quy tắc xuất xứ đáp ứng được không có nghĩa là bán dược ngay với EU. Phải quan tâm đến thực phẩm thì SPS thế nào, liên quan đến hàng về kỹ thuật thì TBT thế nào. Ngoài ra, còn nhiều quy định khác trong khi doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc các bộ thuế thế nào hay cao hơn là quy tắc xuất xứ, mà chưa quan tâm rộng hơn đến xuất khẩu các sản phẩm từ Việt Nam sang EU thì thủ tục như thế nào. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp cần hiểu rõ và chi tiết hơn”, ông Ngô Chung Khanh cho hay.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: ‘EVFTA không xuất phát từ con số 0’

Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, từ nay đến khi Hiệp định được chính thức đi vào thực thi, các cơ quan chức năng, bộ, ngành địa phương cần tăng cường cập nhật thông tin thường xuyên để doanh nghiệp nắm bắt được rõ ràng, cụ thể. Từ đó, tận dụng được các lợi thế từ Hiệp định mang lại cũng như xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Xuân An, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế OJ Việt Nam nêu thực tế:

“Việc tìm hiểu về thông tin khá khó khăn đối với các doanh nghiệp ở tỉnh, nhiều doanh nghiệp không nắm bắt được thông tin từ Hiệp định EVFTA. Do đó, mong muốn cơ quan, Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị thường xuyên hơn. Tại các tỉnh thành Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại mở các lớp tập huấn, các buổi hội thảo để cập nhật thông tin cho doanh nghiệp”.

Thảo luận