Chuyến đi Abkhazia của Chủ tịch Hồ Chí Minh

60 năm trước, trong một chuyến thăm Liên Xô, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Hồ Chí Minh đã đến thăm khu nghỉ mát Abkhazia và làng Durkhsh nằm trên bờ Biển Đen, khu vực Kavkaz. Phóng viên Sputnik Badri Yessiava đã nói chuyện với một trong những nhân chứng của sự kiện đó.
Sputnik

"Đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đang trong kỳ nghỉ ở Liên Xô", bài báo trên tờ "Abkhazia Liên Xô" ngày 19 tháng 7 năm 1959 cho biết.

Bài báo mô tả chi tiết về hành trình của ông Hồ Chí Minh ở Abkhazia, vị khách quý được chào đón nồng nhiệt tại khu nghỉ mát Gagra, đi thuyền trên hồ Ritsa và tò mò làm quen với thiên nhiên xung quanh.

Trong ngày thứ hai của chuyến đi Abkhazia, nhà lãnh đạo Việt Nam đã đến thăm những người nông dân tập thể làng Duripsh ở quận Gudauta. Từ trang báo ố vàng, chúng ta được biết thông tin rằng Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các đồì chè ở Duripsh. Buổi tối cùng ngày, nhà lãnh đạo Việt Nam được mời đến thăm nhà của ông Miktat Tarkil. Ở đó, Hồ Chí Minh gặp cô cháu gái nhỏ của chủ nhà, khi đó đang tập đi. Cô bé tên là Zalita Tarkil.

Chuyến đi Abkhazia của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài thơ và tấm ảnh kỷ niệm

Zalita Tarkil khi đó chỉ mới bảy tháng, nhưng cô thường được cha mẹ và đặc biệt là ông nội kể lại các chi tiết sự kiện của ngày hôm đó.

"Ông nội thường nói với tôi rằng khi Hồ Chí Minh bước vào sân và nhìn thấy tôi, ông lập tức lại gần. Hồ Chí Minh bế tôi đi dạo quanh vườn cây, vườn nho của chúng tôi, còn ông tôi thì kể cho ông ấy nghe về cuộc sống của Abkhazia" - Zalita Tarkil chia sẻ.

Cuộc gặp gỡ giữa người nông dân Abkhazia và Chủ tịch Việt Nam đã truyền cảm hứng cho nhà thơ Boris Bendik-Verov để viết bài thơ Vị khách quý, vẫn còn được lưu giữ trong gia đình Tarkil. Đây là một đoạn trích từ bài thơ ấy:

"Tôi luôn nhớ lại năm đó, Miktat kể chuyện,

Đang xén cây trong vườn, đột nhiên tôi nghe tiếng gõ cửa.

Vội vàng ra cổng, thấy vợ chạy về phía tôi:

“Ai đó đến nhà chúng ta, tướng mạo dễ mến lạ thường”

Thật vậy, tôi thấy một ông già bận đồ trắng, đồng tuổi với tôi,

Tôi suýt chết vì vui sướng: cả thế giới biết chân dung Người".

Zalita nói thêm rằng trong khi Hồ Chí Minh bế cô, một trong những phóng viên đi cùng đã chụp bức ảnh Zalita đang cầm đồ chơi trên tay, còn Hồ Chí Minh thì nhìn cô với một nụ cười trìu mến. Bức ảnh với dòng chữ "Vị khách quý" vẫn được lưu giữ trong album gia đình Tarkil.        

Khách Việt Nam trở lại Abkhazia

Nhiều năm sau, khi Hồ Chí Minh đã qua đời, một phái đoàn khác từ Việt Nam đến Abkhazia và tìm thấy Zalita từ bức ảnh chụp với nhà lãnh đạo của họ. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt người Nga

“Khi đó, tôi là đội viên tiền phong và đang học lớp sáu. Tôi được biết rằng các vị khách Việt Nam đang đợi tôi tại hội đồng làng. Họ tặng tôi một chiếc nhẫn làm từ mảnh máy bay Mỹ bị người Việt Nam bắn hạ” - Zalita Tarkil nhớ lại. Bà trân trọng nâng niu chiếc nhẫn đó rất nhiều. Thật không may, chiếc nhẫn đã bị mất trong cuộc xung đột giữa lực lượng vũ trang Abkhazia và Gruzia năm 1992-1993. Ngoài chiếc nhẫn, các vị khách còn trao cho bà một tờ tạp chí có chữ ký của Chủ tịch Việt Nam lúc đó là ông Tôn Đức Thắng.

Tất cả đều được viết bằng tiếng Việt, Zalita nói, nhưng bà nhớ rất rõ những minh họa sống động: cánh đồng lúa, thiên nhiên đầy màu sắc, con người đội chiếc mũ khác thường và cảnh tượng đời sống của họ.

Biểu tượng của tình hữu nghị

Bài viết trên tờ "Liên Xô Abkhazia" ngày 19 tháng 7 năm 1959 cho biết rằng Hồ Chí Minh đã đến thăm thủ đô Abkhazia là Sukhum, nơi ông đã trồng một cây cọ trên Quảng trường Lenin để kỉ niệm. Sau đó, ông đến thăm Viện nghiên cứu bệnh học và trị liệu thực nghiệm của Viện hàn lâm khoa học y tế trên núi Sukhumskaya, trong công viên ven biển. Ở khắp mọi nơi mà Hồ Chí Minh xuất hiện, mọi người chào đón ông bằng những tràng pháo tay và lời chào thân ái.

Thảo luận