MXH Gapo “nổ” đáp lời Bộ trưởng TTTT

“MXH trong thời điểm này đang có thiên thời địa lợi. Dù sao Gapo cũng khuấy động suy nghĩ của chúng ta về sản phẩm Việt Nam dành cho người Việt Nam trong lãnh vực này”, - Người sáng lập Viện Công nghệ Kỹ thuật Saigon (Saigon CTT) - ông Vương Mạnh Sơn bình luận với Sputnik về sự ra mắt của MXH Gapo tại Việt Nam.
Sputnik

Ngày 23/7, mạng xã hội 'made in Vietnam' Gapo dành cho giới trẻ chính thức ra mắt. Gapo được G-Capital đầu tư 500 tỷ đồng với mục tiêu có 50 triệu người dùng đến năm 2021. Sự kiện diễn ra chỉ một thời rất ngắn sau lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng về việc Việt Nam cần có mạng xã hội (MXH) và công cụ tìm kiếm riêng biệt, một mạng xã hội mới.

Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Vương Mạnh Sơn, người sáng lập Viện Công nghệ Kỹ thuật Saigon (Saigon CTT), chủ tịch HĐQT công ty CP Công nghệ Truyền thông DTS về sự kiện trên.

Gapo “nổ” đáp lời Bộ trưởng TTTT

Sputnik: Hôm thứ ba 23/7, MXH Gapo tuyên bố đạt 50 triệu người sử dụng và sẽ cạnh tranh với facebook ở Việt Nam. Theo ông thì tuyên bố này có vẻ “đao to búa lớn” không?

Ông Vương Mạnh Sơn:

Tuyên bố của Gapo quả là to tiếng, kiểu như “nổ” đáp lời Bộ trưởng TTTT! Gây bất ngờ lớn, xôn xao trong giới công nghệ thông tin. Một MXH mới bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019 mà đặt ra mục tiêu: “3 triệu người dùng năm 2019 và 50 triệu vào năm 2021”.

Tôi đánh giá mục tiêu này là quá tham vọng so với sự phát triển và chiếm lĩnh thị phần nhiều năm của các MXH hàng đầu trên thị trường Việt Nam. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua tham khảo thống kê số lượng người dùng của các MXH trên thị trường hiện nay như sau: Facebook có 60 triệu người sử dụng, Youtube – 45 triệu, Instragram - 5,9 triệu, Zalo – 40 triệu, Mocha-Viettel - 4,5 triệu.

Cho dù thách thức đối với các MXH Việt Nam không nhỏ, nhưng có thể có cơ hội thành công trong bối cảnh có sự ủng hộ của Bộ Thông tin Truyền thông (Bộ TTTT) về phát triển các MXH của Việt Nam cho người Việt Nam được tuyên bố mới đây.

MXH Gapo “nổ” đáp lời Bộ trưởng TTTT

Sputnik: Dù “nổ” như vậy, nhưng ngay ngày đầu tiên khi ra mắt chính thức MXH Gapo đã gặp nhiều lỗi, phải thông báo tạm nhưng để nâng cấp và sửa lỗi...

Ông Vương Mạnh Sơn:

3 tháng chuẩn bị thì quá gấp. Tôi cho rằng, có khả năng không test cẩn thận. Một hệ thống chạy ít tải có thể trơn tru. Hôm 23/7 tôi có đăng ký vào được ngay, nhưng nhiều bạn tôi đã không đăng ký được. Nhiều tải (hàng chục ngàn user) thì phát sinh lỗi.

Gapo giống Facebook?

Sputnik: Đánh giá của ông về những tính năng và chức năng của MXH Gapo này này? Có ý kiến cho rằng Gapo giống Facebook...

Ông Vương Mạnh Sơn:

Đúng vậy, Gapo rất giống Facebook! Về giao diện và tính năng! 

Qua công bố ban đầu và trải nghiệm sơ bộ, có thể nói MXH này là một mô phỏng trực tiếp từ FB: giao diện người dùng, các tính năng cơ bản...Có những nâng cao nhất định về chất lượng hình ảnh và video... Ưu điểm của mô phỏng này là làm cho các user dễ tiếp cận, dễ hiểu cấu trúc tương tác, nhanh chóng sử dụng được các tính năng một cách quen thuộc... Tôi không rõ FB có được bảo hộ bản quyền về cấu trúc và giao diện tương tác hay không? Nếu có, đây cũng là một vấn đề.

Gapo cũng sẽ có nội dung âm nhạc thông qua sự hợp tác với Sony Music Entertainment. Tính năng này (nếu sự hợp tác thành công) có thể là một thu hút đối với người dùng trẻ. Còn tính năng chia sẻ doanh thu (mới là ý tưởng?) cũng là một chiêu hấp dẫn người dùng.

500 tỷ VND có đủ để thành công?

Sputnik: Với 500 tỷ VND đầu tư - con số này có đủ để đạt được mục tiêu 50 triệu không? Nếu chưa đủ, thì cần rót bao nhiêu thì đủ?

Ông Vương Mạnh Sơn:

Đây là vấn đề khó trả lời. Có thể ít hơn hay nhiều hơn phụ thuộc vào chiến lược phát triển và tính hiệu quả trong điều hành. Dù sao đầu tư 500 tỷ VND trong 18 tháng cũng là một con số lớn! 

Facebook sau 2-3 năm được đầu tư 500 triệu đô la Mỹ mới bắt đầu cân đối thu chi. 

Sputnik: Ngoài tiền ra thì để MXH thành công cần có những yếu tố gì?

Ông Vương Mạnh Sơn:

Tiền là quan trọng nhưng không phải tất cả như người ta thường nói. Như tôi đã từng phát biểu với Sputnik, việc cạnh tranh theo kịp các trào lưu hiện đại về nội dung và kỹ thuật vận hành của các MXH hàng đầu trên thế giới để thu hút người dùng là một thách thức to lớn đối với MXH Việt Nam. Cụ thể là, việc vận hành trôi chảy cũng là vấn đề, liên quan rất rộng, tới các pháp lý, ngân hàng, thuế... Như Ý tưởng kinh doanh cũng là một vấn đề. Rồi đầu tư lâu dài cũng là vấn đề. MXH không có lời ngay được. Phải cần thời gian 5-10 năm. Ngay cả FB cũng gần đây mới cân bằng thu chi. 

Việt Nam hoàn toàn toàn có thể xây dựng được các hệ sinh thái mạng riêng

Muốn thành công còn cần may mắn nữa. MXH trong thời điểm này đang có thiên thời địa lợi. Dù sao Gapo cũng khuấy động suy nghĩ của chúng ta về sản phẩm Việt Nam dành cho người Việt Nam trong lãnh vực này. Chúc cho họ thành công.

Sputnik: Xin chân thành cảm ơn ông Vương Mạnh Sơn. Và chúc cho MXH “Made in Viet Nam” Gapo thành công!

P.S. Ai đứng đằng sau MXH Gapo

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần công nghệ Gapo được thành lập ngày 17/6/2019 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Các cổ đông góp vốn bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn G (G-Group) chiếm 35%; Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ cao Việt SIFO 35% và ông Hà Trung Kiên – Tổng giám đốc Gapo chiếm 30%.

Cơ cấu cổ đông, CEO và cả quỹ cam kết đầu tư 500 tỷ đồng của mạng xã hội Gapo đều có liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn G (G-Group) do ông Phùng Anh Tuấn làm chủ tịch.

G-Group được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, trong đó ông Phùng Anh Tuấn góp 87% vốn. Ông Phùng Anh Tuấn còn được biết đến với vai trò chủ tịch và CEO chuỗi cầm đồ F88 - một công ty thành viên của G-Group. Hiện nay, G-Group có hơn 1.000 nhân sự và 8 công ty thành viên, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ, tài chính. G-Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết đầu tư 500 tỷ đồng vào Gapo cũng thuộc tập đoàn này.

Thảo luận