Thu phí vào nội đô có giảm tắc đường ở Hà Nội?

Hà Nội sẽ xây dựng đề án thu phí bằng hình thức tự động để giảm ùn tắc ở nội đô. Nhưng đề xuất khó khả thi nếu không giải quyết tốt “phần gốc” của vấn đề ùn tắc ở Hà Nội, VOV đưa tin.
Sputnik

Ùn tắc giao thông luôn là vấn đề nan giải ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở TP Hà Nội và TP HCM. Đã có rất nhiều giải pháp được đề xuất và thực hiện nhưng đến nay tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nên ứng xử thế nào với xe máy?

Để giảm ùn tắc ở Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND thành phố dự thảo đề cương thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô. Theo đó, việc thu phí này là từ đường vành đai 3 trở vào. Có thể nói, đây là một nỗ lực của Hà Nội trong việc tìm các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.

Nhưng nếu xét trên nhiều góc độ, đây chỉ là giải pháp “phần ngọn” và khó khả thi nếu chúng ta không giải quyết tốt “phần gốc” của nạn ùn tắc ở Hà Nội.

Trước hết, với giải pháp mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra là thu phí từ đường vành đai 3 trở vào, liệu chúng ta đã đánh giá một cách thực sự kỹ càng lượng xe lưu thông từ vành đai 3 trở vào chiếm bao nhiêu phần trăm so với lượng xe lưu thông trong nội đô? Nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông có phải là do lượng xe từ vành đai 3 trở vào?

Ô tô là phương tiện chính gây ùn tắc giao thông hay là do các phương tiện khác?

Theo phòng CSGT Hà Nội, tính đến quý 1/2019, CSGT Hà Nội phải quản lý 6.649.596 phương tiện. Trong đó có 739.731 ôtô, 5.761.436 xe máy và xe máy điện là 148.429 chiếc. Theo số liệu phương tiện được phòng CSGT thống kê, xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông đang tham gia ở Hà Nội.

Vậy phương án thu phí ô tô từ vành đai 3 trở vào liệu có khả thi khi lượng xe máy lưu thông trong TP chiếm tỷ lệ khá lớn, đến 86% lượng phương tiện tham gia giao thông?

Mặt khác, hiện nay chủ phương tiện giao thông đã phải chịu rất nhiều loại phí thuế, như phí trước bạ, thuế nhập khẩu… Vậy việc thu phí phương tiện từ vành đai 3 trở vào được xác định dựa trên cơ sở nào và người dân sẽ phải “cõng” các loại phí đến bao giờ?

Thứ hai, việc ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay có phải nguyên nhân hoàn toàn do các phương tiện giao thông? Chắc chắn không phải vậy khi bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy việc quy hoạch điện, đường, trường, trạm ở Hà Nội hiện nay còn rất nhiều bất cập. Đường thì chật hẹp, suốt ngày trong tình trạng đang thi công, đào lên lấp xuống hết vỉa hè, rồi làm lại đường điện, điện thoại… gây cản trở cho người gia thông.

Việc quy hoạch các khu đô thị, nhà cao tầng san sát trên các tuyến đường chính, đường nội đô tạo ra một lượng rất lớn người tham gia giao thông trên một tuyến đường, khiến việc quá tải, ùn tắc là đương nhiên.

Một nguyên nhân không thể không kể đến là ý thức của người tham gia giao thông hiện nay còn quá kém. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông. Ngay đến cả việc dừng đèn đỏ, nhiều người cũng không đủ kiên nhẫn. Khi mới có tín hiệu đèn vàng, nếu người đứng chờ đèn giao thông phía trước không nổ máy là bị người đứng sau bấm còi, la ó, thậm chí văng tục… để giục đi.

Ở bất cứ đoạn đường đường nào trong thành phố, cũng không hiếm hình ảnh chen lấn nhau, lao lên vỉa hè, đường có một làn xe ô tô nhưng ô tô vẫn ngang nhiên xếp hàng 3, hàng 4 giành hết cả phần đường của người đi xe máy và người đi bộ…

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: “Đủ điều kiện sẽ đẩy nhanh việc cấm xe máy“

Thứ nữa, chúng ta cũng nói rất nhiều và có nhiều quy định, luật lệ được đưa ra để xử lý vi phạm giao thông nhưng trên thực tế, việc thực hiện những chế tài chưa hiệu quả. Việc xử lý vi phạm giao thông vẫn còn nhiều “vùng cấm” khi mà ngoài đường vẫn còn nhan nhản các vi phạm giao thông ngay trước mắt những người thực thi pháp luật, như phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn,... Tình trạng này đang là một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc và mất an toàn giao thông.

Còn nếu trường hợp người tham gia giao thông bị bắt đúng lỗi, họ vẫn có thể “mặc cả” để được ghi lỗi nhẹ hơn, thậm chí “xin xỏ” để được bỏ qua. Việc “qua mặt” người thực thi pháp luật dễ dàng như vậy đã gây ra hiện tượng người dân nhờn luật khi tham gia giao thông.

Vì thế, nếu việc đề ra các giải pháp nhưng ý thức của người tham gia giao thông không “nâng cấp” kịp, cũng như ý thức của những người thực thi pháp luật vẫn còn hạn chế, thì dù có cố gắng đến đâu thì việc ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn sẽ không bao giờ được giải quyết.

Thảo luận