Theo tờ Korea Times, tên lửa do Triều Tiên thử nghiệm có thể bay theo chiều ngang sau khi giảm độ cao nhanh, và sau đó đột ngột thay đổi quỹ đạo thành phương thẳng đứng để bắn trúng mục tiêu, nghĩa là thực hiện cái gọi là kỹ thuật cơ động “trượt dốc”. Chính tính năng này khiến loại tên lửa trở thành mục tiêu khó đánh chặn đối với các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có ở Hàn Quốc, vì hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt tên lửa trên chặng bay "cuối cùng".
"Quân đội Hàn Quốc có ít thời gian để chống lại tên lửa có khả năng bay theo quỹ đạo phức tạp như vậy ở độ cao thấp. Để tăng khả năng đánh chặn bằng hệ thống PAC-3 được triển khai ở Hàn Quốc, cần phải phóng thêm tên lửa cho mỗi mục tiêu", báo trích dẫn lời của đại diện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Những vụ phóng tên lửa mới ở Triều Tiên
Hôm thứ Năm, hai vụ phóng tên lửa tầm ngắn đã được Triều Tiên thực hiện từ khu vực thành phố cảng Wonsan ở phía đông nam CHDCND Triều Tiên. Tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản, bay qua khoảng cách 600 km và không tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Theo ý kiến của chuyên viên quân sự, đây có thể là loại tên lửa tương tự mà CHDCND Triều Tiên đã phóng vào ngày 9 tháng Năm. Nó có thể được xếp vào loại KN23. Hầu hết các chuyên gia cho rằng đây là tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Khi đó, tên lửa bay qua khoảng cách 420 và 270 km, độ cao tối đa của chuyến bay là 50 km. Đồng thời, tính đến sự khác biệt trong phạm vi bay của KN23 và các tên lửa được phóng vào hôm thứ Năm, Ủy ban hỗn hợp Tham mưu trưởng Hàn Quốc tin rằng đây là những thử nghiệm của một loại tên lửa mới.
Hôm thứ Sáu, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) trong thông báo về các vụ phóng tên lửa, đã lưu ý rằng "vũ khí dẫn đường chiến thuật mới" là "độ cao thấp với quỹ đạo trượt và gián đoạn", khiến cho việc đánh chặn nó trở nên phức tạp.