Biển Đông

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cùng ASEAN và Trung Quốc nói chuyện Biển Đông

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng ngoại trưởng các nước ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói chuyện Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, theo Tuổi Trẻ.
Sputnik

Philippines là nước chịu trách nhiệm điều phối quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.

Tại sự kiện diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) chiều 31-7, Ngoại trưởng Philippines Theodore Locsin đọc phát biểu chung thay mặt ASEAN, khẳng định Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN và quan hệ ASEAN - Trung Quốc là một trong những quan hệ đối tác thực chất, hiệu quả nhất của ASEAN, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

ASEAN ra tuyên bố chung về tình hình Biển Đông

Các ngoại trưởng ASEAN cũng đánh giá cao tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác toàn diện với Trung Quốc ở tất cả các lĩnh vực.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN. Hai bên nhất trí tiếp tục hơn nữa các nỗ lực hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 nghìn tỉ USD và đầu tư đạt 150 tỉ USD vào 2020, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, trong đó có phát triển kinh tế số, thương mại điện tử… bên cạnh những cam kết khác về hợp tác, đầu tư.

Về tình hình thế giới và khu vực, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi về những diễn biến gần đây tại khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông.

Trong khi tích cực ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Đặc biệt, các ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).

UNCLOS là cơ sở quan trọng để căn cứ và giải quyết các tranh chấp hiện tại ở Biển Đông. Một phán quyết dựa trên UNCLOS năm 2016 đã bác bỏ yêu sách lãnh thổ “đường lưỡi bò” đầy tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, song Bắc Kinh đã ngó lơ phán quyết này dù cũng là thành viên của UNCLOS. Tháng 7 vừa qua, chuyên gia và học giả quốc tế cũng khẳng định Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi đưa tàu khảo sát vi phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chia sẻ đánh giá chung của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN - Trung Quốc.

Ông khẳng định sẽ tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai bên đi vào chiều sâu và thực chất hơn, nhất là trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như kinh tế-thương mại-đầu tư, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân…

ASEAN cần đoàn kết chống lại bất kỳ hành vi đe doạ

Về tình hình Biển Đông, Phó thủ tướng ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Theo ông, các hành động này đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (HD-8) trong những ngày qua có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phù hợp như trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển. Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai quần đảo trên các rạn san hô ở Biển Đông, trong đó quần đảo Hoàng Sa đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei; các quốc gia này tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa.

Thảo luận