Hồi tháng Năm, chúng tôi đã đưa tin về khai mạc triển lãm này và tiếng vang cộng hưởng rộng lớn của sự kiện trong cộng đồng khoa học và văn hóa St. Petersburg. Hai tháng đã trôi qua. Các vị khách Nga và nước ngoài đến tham quan Bảo tàng Hermitage tiếp nhận triển lãm này như thế nào? Triển lãm có giúp ích gì cho họ trong cuộc làm quen với Việt Nam hay chăng? Phóng viên Elena Nikulina của Sputnik mới đây đã đến thăm St. Petersburg để tìm giải đáp cho những câu hỏi đó.
Bốn nền văn hóa cổ xưa của Việt Nam tụ hội trong một bảo tàng thuộc hàng lớn nhất thế giới
Triển lãm đại diện cho bốn nền văn hóa của nước Việt Nam cổ đại bố trí trong một số gian của Hermitage lần đầu tiên mở cửa cho công chúng, gần gian trưng bày nổi tiếng về Ai Cập. Trống đồng, bình đồng và lọ gốm trang trí hình các con vật, vũ khí và đồ nghi lễ, bát đĩa và trang sức của phụ nữ được bày trong các tủ kính có hệ thống chiếu sáng đẹp mắt. Những hiện vật này thuộc các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai và Óc Eo từ thế kỷ thứ VI trước CN đến thế kỷ III sau CN.
Mỗi tủ trưng bày đều kèm theo bản mô tả chi tiết về hiện vật, nguồn gốc và công dụng. Trên các bức tường là câu chuyện về lịch sử cổ đại Việt Nam và lịch sử khảo cổ học Việt Nam. Ngay từ đầu, thiết kế tinh xảo của triển lãm đã tạo ấn tượng mạnh: tất cả thể hiện trong gam màu đỏ-đen, theo phong cách trang trí của trống đồng Đông Sơn lừng danh.
Và khi xem kỹ triển lãm, đọc các mô tả và văn bản giải thích trên tường, bạn sẽ hiểu công việc tuyệt vời mà các nhà tổ chức triển lãm đã thực hiện để ta hình dung chặng đường phát triển thú vị của nền văn hóa Việt Nam cổ đại. Tâm huyết và công phu này là của những người phụ trách triển lãm: chuyên gia khảo cổ học, nhà nghiên cứu bộ phận Phương Đông thuộc Viện Bảo tàng Hermitage Natalia Sutiagina, và chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại bộ phận này, TS Ngôn ngữ học Evgeny Kiy.
Việt Nam cổ đại như một phần của thế giới cổ đại
Bà Natalia Sutyagina cho biết:
“Trong quá trình ba năm chuẩn bị triển lãm, chúng tôi đã đọc và xem xét lượng lớn tài liệu, tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp – các nhà sử học, nhà khảo cổ học, nhà Phương Đông học. Chúng tôi muốn tái hiện Việt Nam cổ đại như một phần không tách rời trong khu vực rộng lớn của thế giới cổ đại phương Đông và Đông Nam Á. Ở nước Nga, tất cả mọi người đều biết và ngưỡng mộ vàng Scythian của khu vực Biển Đen, còn triển lãm này mang đến cho các vị khách tham quan cơ duyên tìm hiểu nền nghệ thuật không kém phần thú vị tồn tại cùng thời trên một bờ biển khác, cách xa bờ biển của chúng tôi - đó là ở Biển Đông, đặc biệt là những hiện vật triển lãm đại diện cho Việt Nam thì trong các gian của Hermitage không từng có.
Chúng tôi không chỉ nghiên cứu lịch sử cổ đại Việt Nam, mà còn làm quen với sự hình thành và phát triển của ngành khảo cổ học Việt Nam, cơ sở hùng hậu nhất bắt nguồn từ công trình của các nhà khoa học Pháp. Đọc các văn bản cũ của các nhà nghiên cứu Pháp, tôi ngạc nhiên về độ chính xác và sâu sắc của những mô tả các vật thể được tìm thấy, chúng tôi đã sử dụng nhiều văn bản này để chuẩn bị cho triển lãm. Tôi muốn tiếp tục hợp tác với các Viện Bảo tàng Việt Nam, để tổ chức những cuộc triển lãm mới, phản ánh lát cắt thời gian rộng hơn hoặc khu vực không gian rộng hơn của dòng chảy văn hóa Việt Nam. Tôi có thể nói: triển lãm này là lời bầy tỏ tình yêu đối với công việc của chúng tôi và tình yêu đối với Việt Nam, nơi tôi đã hiến dâng một phần bản thể của mình. Và khi thấy các vị khách sôi nổi thảo luận về bản đồ các nền văn hóa cổ xưa của Việt Nam rồi nói rằng qua đây họ nhìn đất nước xa xôi này bằng con mắt rất khác, tôi thật sự vui mừng vì công việc của chúng tôi không hề vô ích”.
Cuộc triển lãm thú vị
Kể từ khi khai mạc triển lãm, theo dịch vụ thống kê của Hermitage, khoảng 230.000 người đã đến thăm. Đây chỉ là ¼ tòan bộ số lượng khách tham quan Bảo tàng trong thời gian này. Phần lớn trong số đó tự xem triển lãm, nhưng thứ Tư hàng tuần, các hướng dẫn viên chuyên nghiệp trình độ cao của Hermitage thực hiện "chuyến du hành đặc biệt" trong Bảo tàng. Họ lưu ý rằng triển lãm hiện vật Việt Nam là “bom tấn” và rất được ưa chuộng đối với du khách. Để mở mang thêm kiến thức về Việt Nam, triển lãm giới thiệu một bộ catalog tuyệt vời, do tập thể điều phối viên triển lãm của Nga và nhân viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam biên soạn. Danh mục này không chỉ giới thiệu về tất cả 299 hiện vật triển lãm, mà còn bao gồm những tiểu luận thú vị về lịch sử cổ đại và khảo cổ học Việt Nam với vô số hiện vật cổ xưa hấp dẫn nhất.
Các lưu bút bằng tiếng Nga, tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác nói lên ấn tượng của các vị khách thăm triển lãm:
“Cảm ơn các bạn vì một triển lãm tuyệt vời, thú vị như vậy. Tôi rất mong là những hiện vật độc đáo như thế này sẽ được trưng bày thường xuyên hơn. Có thể thấy rất nhiều công việc đã được thực hiện. Các bạn là những con người tuyệt vời!”
“Tôi biết rằng Việt Nam là một đất nước phi thường, và bây giờ tôi tin chắc về điều này. Những gì tôi thấy thật thú vị”.
"Tôi là người Việt Nam và rất tự hào rằng văn hóa của Việt Nam được triển lãm ở Nga".
“Vẻ đẹp đáng kinh ngạc và sự thực hiện tuyệt vời. Đồ trang sức hiện đại chỉ là thứ hàng nhái xấu xí”.
“Triển lãm rất thú vị, chắc chắn sau đây tôi sẽ đến thăm Việt Nam”.
Bình luận dài nhất trong sổ lưu bút là do Thủ tướng CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ghi khi ông đến thăm triển lãm trong chuyến công du Nga hồi tháng Năm.
“Tôi rất ấn tượng khi thăm triển lãm “Những nền văn hóa cổ Việt Nam” trưng bày hiện vật từ các nền văn hóa như văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai và văn hóa Óc Eo. Thật vinh dự và vui mừng khi gần 300 hiện vật văn hóa cổ Việt Nam lần đầu tiên được trưng bày cùng các tuyệt tác nghệ thuật hàng đầu của nước Nga và thế giới trong Bảo tàng Quốc gia Hermitage, St. Petersburg, Liên bang Nga. Đây là cơ hội để công chúng Nga và bạn bè quốc tế hiểu hơn về di sản văn hóa đa dạng, phong phú của Việt Nam, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nga anh em” – Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc viết.
Lưu bút của Thủ tướng Việt Nam phản ánh rất rõ cảm xúc của nhiều người Việt Nam và người Nga. Trong gần hai tháng còn lại trước khi triển lãm kết thúc, hàng chục ngàn người dân Nga và khách du lịch nước ngoài sẽ đến thăm triển lãm. Họ sẽ được thấy một Việt Nam theo cách mới và hẳn là sẽ muốn đến thăm đất nước tuyệt vời này để hiểu rõ hơn.