Tội phạm đặc biệt nguy hiểm của Việt Nam bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ

Bộ Công an Việt Nam cho hay, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam có trên 1200 đối tượng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 kẻ bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ đối với loại đối tượng đặc biệt nguy hiểm.
Sputnik

Tội phạm nguy hiểm của Việt Nam trốn ra nước ngoài

Vừa hoàn thành dự thảo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ, Bộ Công an công bố nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến công tác dẫn độ và tình hình tội phạm bỏ trốn ra ngoài ngoài.

Thông tin từ cơ quan an ninh Việt Nam xác định có 317 người mang lệnh truy nã đỏ lẩn trốn trên mảnh đất hình chữ S.

Bộ này thông tin, phần lớn tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài hay chạy vào Việt Nam đều chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Các cơ quan chức năng vô cùng khó nắm bắt để lập yêu cầu dẫn độ gửi ra nước ngoài hoặc truy bắt khi có yêu cầu của nước bạn.

Bắt tội phạm nguy hiểm Nguyễn Văn Nưng, kẻ cưa song sắt vượt ngục cùng Huy 'nấm độc'

Đáng chú ý, thời gian gần đây, nhiều đối tượng tội phạm của Việt Nam đã lựa chọn các quốc gia châu Âu làm nơi trú ẩn an toàn. Chúng hiểu rất rõ luật pháp của các nước này vì nếu bị yêu cầu dẫn độ, Việt Nam cũng phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình.

Nhiều đối tượng phạm tội hình sự thông thường cũng sử dụng thủ đoạn gian dối để xin chế độ tị nạn tại nước ngoài hay tại cơ quan có thẩm quyền của LHQ, gây khó khăn cho việc dẫn độ.
Cụ thể, Bộ Công an cho hay, cơ quan chức năng đã thành lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong đó có 7 đối tượng đã được dẫn độ về Việt Nam gồm: Phạm Thế Vinh, Nguyễn Hà Lan, Phạm Thúy Ngân và Nguyễn Xuân Đại từ LB Nga, Lê Quang Nhật từ Ukraina, Phùng Hữu Sơn từ CH Séc, Phạm Minh Đức từ Belarus. Cùng với đó, đối tượng Nguyễn Tất Kiên bị bắt giữ tại Úc khi bỏ trốn về Việt Nam.

Đặc biệt, có 4 trường hợp Việt Nam yêu cầu dẫn độ nhưng bị phía nước ngoài từ chối như Nguyễn Trần Hường bị phía Nhật Bản từ chối do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật pháp nước này. Nguyễn Hải An được CH Séc cấp quy chế tị nạn tại đây. Phạm Minh Hùng bị Thái Lan từ chối do đối tượng này được Cao ủy LHQ về người tị nạn cấp quy chế tị nạn và đã được Canada tiếp nhận. Đào Thanh Tùng bị Liên Bang Nga từ chối do đang chấp hành án về tội khác gây nên trên chính lãnh thổ Nga.

Đặc biệt, phải kể đến đối tượng Nguyễn Văn Trung từ Campuchia trở về Việt Nam, đã tự nguyện ra trình diện cơ quan chức năng về việc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chấp hành hình phạt về tội phạm bị yêu cầu dẫn độ tại nước ngoài.

Việt Nam khó dẫn độ tội phạm?

Bộ Công an chỉ ra những rảo cản, vướng mắc về quy định dẫn độ. Cụ thể, 11 hiệp định tương trợ tư pháp có quy định dẫn độ mà Việt Nam ký với nước ngoài, VKSND Tối cao là cơ quan đầu mối về dẫn độ của Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Tương trợ tư pháp, Bộ luật Tổ tụng hình sự 2015 và Luật CAND năm 2018 đều nêu Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước CHXHCN Việt Nam trong hoạt động dẫn độ. Việc không thống nhất quy định này gây khó khăn cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an trong quá trình dẫn độ.

Bộ trưởng Công an: "Giảm 5.000 tội phạm sẽ giảm được 2 nhà tù"

Bên cạnh đó, Bộ Công an đề nghị Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ trên cơ sở tách quy định về dẫn độ trong Luật tương trợ Tư pháp năm 2017.

“Trong thế giới hội nhập và cuộc cách mạng 4.0 tác động trên toàn thế giới, tình hình tội phạm có yếu tố ngước ngoài, yếu tố quốc tế ngày càng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tội phạm ngày càng hiểu biết, có kiến thức pháp luật, có tiền, sẵn sàng tìm đến các quốc gia có quy định pháp luật khác biệt với Việt Nam để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật”, Bộ Công an nhận định.

Đạo luật chuyên biệt về dẫn độ cần đảm bảo yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật, nội luật hóa các quy định của Công ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên.

Bộ Công an cũng cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung quy định cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong một số trường hợp cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm và yêu cầu về yếu tố chính trị, ngoại giao.

Luật truy nã đỏ- Thông báo đỏ (Red Notice): Là yêu cầu truy bắt nhằm mục đích dẫn độ tội phạm. Thông báo đỏ còn gọi là lệnh truy nã đỏ, thường được ban hành trên mạng của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế - Interpol. Đây là công cụ đấu tranh với bọn tội phạm hoạt động xuyên quốc gia hữu hiệu nhất hiện nay.

Thảo luận