ASEAN kỷ niệm 52 năm Ngày Thành lập
Tham dự buổi lễ có sự góp mặt của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Trướng Phái đoàn Đại diện thường trực các nước Đông Nam Á và nhiều đối tác quan trọng cùng tham dự.
Đại diện Việt Nam có sự hiện diện của Phó Thủ tương, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, người đứng đầu nhà nước Indonesia, Tổng thống Joko Widodo khẳng định ý nghĩa quan trọng, biểu tượng của trụ sở mới Ban Thư ký ASEAN, thể hiện sức sống, tinh thần tự cường của Cộng đồng các quốc gia.
Điểm lại những thành công trong hoạt động của ASEAN từ thời điểm thành lập đến nay, Tổng thống đề cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, linh hoạt của các nước thành viên Hiệp hội. Khối cam kết thúc đẩy mọi hoạt động đối thoại và hợp tác vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, rộng mở, minh bạch và hoạt động với tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế.
Tham dự buổi lễ còn có Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi với phát biểu nhấn mạnh đây chính là thời điểm các nước thành viên Hiệp hội nhìn lại những thành tựu đã đạt được và hướng về tầm nhìn chiến lược trong tương lai, vì mái nhà chung “hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”.
Tổng Thư ký cũng khẳng định, ASEAN đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là về “chất”, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng và hợp tác khu vực cũng như thế giới.
Về phần mình, thay mặt Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng đại diện ngoại giao các nước ASEAN đặt Hộp thông điệp tương lai tại trụ sử mới của Ban Thư ký.
Đó chính là nơi lưu giữ thông điệp gửi gắm cho thế hệ sau, tương lai lãnh đạo ASEAN, thể hiện khát khao kỳ vọng và mong muốn về triển vọng phát triển tươi sáng hơn cho khu vực ASEAN. Theo đó, thông điệp này sẽ được công bố năm 2042, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Khối ASEAN.
Mang đến món quà đặc biệt từ Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tặng Trụ sở mới của Ban Thư Ký bức tranh sơn mài đặc biệt “Tre vàng Việt nam: của họa sĩ Bùi Hữu Hùng với mong muốn đóng góp nét văn hóa Việt hòa chung với cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á, “thống nhất trong đa dạng”.
Theo Ban Thư ký ASEAN, trụ sở mới được chính phủ Indonesia tài trợ sẽ sớm được đưa vào sử dụng ngay trong năm 2019. Đây là công trình lớn vừa phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu và khối lượng công việc khổng lồ trong cộng đồng ASEAN nói chung và Ban Thư ký nói riêng vừa phải thân thiện với môi trường, đảm bảo giá trị thẩm mỹ chung, mang phong cách kết hợp của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cũng như nước chủ nhà Indonesia.
Việt Nam cần chuẩn bị gì cho năm Chủ tịch ASEAN 2020?
Nhân dịp này, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng tổ chức lễ thượng cờ. Nghi thức này cũng được cử hành tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm nay.
Việt Nam gia nhập ASEAN từ ngày 28/7/1995. Suốt thời gian 24 năm, Việt Nam với tinh thần trách nhiệm cao đã cùng các nước thành viên của khối luôn luôn đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, cùng chung tay xây dựng khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Năm 2020 tới, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1. Mọi công tác chuẩn bị đều đã được chính phủ chuẩn bị chu đáo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia đặc trách về vấn đề này từ thời điểm tháng 12/2018.
Ủy ban do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch, với nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều phối và hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về các công tác có liên quan đến quá trình chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch Khối ASEAN của Việt Nam năm 2020.
Người đứng đầu Chính phủ Việt đã xác định rõ, Ủy ban đi vào hoạt động chính là thể hiện trách nhiệm và sự chủ động của Việt Nam trong cương vị và vai trò mới. Tất cả đều hướng đến mục tiêu tổ chức thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển cộng đồng ASEAN thịnh vượng năm 2025. Bên cạnh đó, phải luôn đề cao yếu tố an ninh, an toàn đồng thời phát huy bản sắc, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, yêu hòa bình.
Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Việt Nam đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Ngoài tham khảo chỉ đạo của Thủ tướng, ý kiến các ban, bộ, liên ngành và địa phương, Việt Nam còn tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nước.
Về việc chọn chủ đề, Việt Nam ưu tiên phần nội dung phải đáp ứng nhiều tiêu chí, vừa thừa kế, phát triển các chủ đề được các nước như Philippines, Singapore và Thái Lan đã đề cập, vừa phải đảm bảo yếu tố hài hòa với các nước thành viên, đối tác khác của ASEAN cũng như phù hợp lợi ích, đặc thù của Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới biến động, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hiện đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, trong đó có sự can thiệp của các cường quốc vào khu vực, những vấn đề riêng của từng nước thành viên, giữa các nước đôi khi vẫn còn khác biệt, chưa đạt được sự đồng thuận cao nhất.
Phát biểu về vấn đề này, Nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhận định: “Để giữ vai trò trung tâm và là một cơ chế phù hợp không chỉ cho khu vực mà còn trên toàn cầu, ASEAN cần phát triển sâu hơn nữa mối quan hệ hợp tác về an ninh, chính trị bằng cách xây dựng hệ thống các nguyên tắc chỉ dẫn cho những phản ứng chung của ASEAN trước những diễn biến trên thế giới. Ngoài ra, cần tiếp tục cập nhật Hiến chương ASEAN để cơ chế ra quyết định của ASEAN trở nên linh hoạt hơn, thích hợp hơn và đạt được sự đồng thuận cao trong khối”.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam vừa có trách nhiệm và cơ hội.
Hà Nội phải làm sao duy trì được đà phát triển của ASEAN, thúc đẩy phát triển cộng đồng vững mạnh hơn. Đồng thời, Việt Nam phải đảm nhận tốt vai trò trung gian, điều phối để hướng ASEAN đến sự đồng nhất trong nội bộ, tang cường uy tín, vai trò trong khu vực và thế giới.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thử thách với vai trò chủ nhà, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có để dẫn dắt cộng đồng ASEAN hướng tới sự thịnh vượng và phát triển, đồng thời quảng bá đất nước, con người.
Sự tin tưởng và kỳ vọng đối với Việt Nam trong năm Chủ tịch 2020 vì thế sẽ là rất lớn.
Về ASEAN
Tính đến năm 1999, ASEAN gồm có 10 quốc gia thành viên (trừ Đông Timor và Papua New Guinea chưa kết nạp, hiện đang giữ vai trò quan sát viên).
ASEAN đã ký kết các thoả thuận tự do thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand và gần đây nhất là Ấn Độ. Ngoài ra, hiện nay tổ chức này đang đàm phán thoả thuận tự do thương mại với Liên minh châu Âu.