Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 8/8, bà Lê Thị Thu Hằng đã bình luận việc Trung Quốc đưa vào SGK thông tin sai lệch về Biển Đông.
Theo thông tin mà giới truyền thông nước láng giềng tỷ dân đăng tải, Trung Quốc sắp lưu hành sách giáo khoa lịch sử mới dành cho bậc THPT. Nội dung gây tranh cãi trong bộ sách này chính là quan điểm cho rằng quần đảo Điếu Ngư, biển Hoa Nam (trên thực tế là Biển Đông) đều thuộc một phần lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại.
Phản ứng trước vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố:
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Nhấn mạnh về hệ quả mà bộ SGK có thể gây nên cũng như triển vọng phát triển quan hệ song phương sau những diễn biến căng thẳng thời gian vừa qua trên khu vực Biển Đông, bà Hằng bày tỏ quan điểm:
“Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục thế hệ tương lai bằng những thông tin trái với lịch sử và luật pháp quốc tế không có lợi cho quan hệ hai nước”.
Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển. Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai quần đảo trên các rạn san hô ở Biển Đông, trong đó quần đảo Hoàng Sa đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei; các quốc gia này tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa.