Pakistan ngừng các liên lạc văn hóa với Ấn Độ

NEW DELHI (Sputnik) - Trong bối cảnh đợt bùng phát căng thẳng kế tiếp với Ấn Độ xung quanh khu vực tranh chấp Kashmir, Chính phủ Pakistan đã quyết định chấm dứt hoàn toàn các liên hệ văn hóa với nước láng giềng, bao gồm hủy bỏ mọi hoạt động chung đã dự kiến trên bình diện này.
Sputnik

«Chúng tôi quyết định ngừng sử dụng mọi thể loại có nội dung giải trí từ Ấn Độ», - bà Firdus Ashik Awan, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về Thông tin và Phát thanh tuyên bố. Phát ngôn của bà do báo Dawn trích dẫn.

Nữ quan chức thông báo với các phóng viên rằng Hội đồng An ninh Quốc gia của Cộng hoà Pakistan thông qua quyết định thành lập một cơ sở đặc biệt để đấu tranh chống lại «ảnh hưởng của ý thức hệ Ấn Độ giáo trên tất cả các mặt trận». Theo quan điểm của bà Awan, các tài liệu của Ấn Độ chứa đựng những «tuyên truyền lừa dối» gây tác hại đầu độc lớp trẻ người Pakistan.

Căng thẳng mới trong quan hệ Ấn Độ-Pakistan

Trước đó, Pakistan tuyên bố ngừng khai thác mọi tác phẩm điện ảnh Ấn Độ trong các rạp chiếu phim trên cả nước. Đồng thời, Islamabad xác nhận sẵn sàng cấm bất kỳ nội dung nào trong nghệ thuật có liên quan đến nền văn hóa của nước láng giềng. 

Pakistan chống lại Ấn Độ vì Kashmir

Hôm thứ Hai, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã ký sắc lệnh bãi bỏ quy chế  đặc biệt của Jammu và Kashmir, được ghi trong điều 370 của bộ luật cơ bản của đất nước. Tương ứng với sáng kiến ​​của Chính phủ Liên bang, tại những nơi này sẽ tạo lập hai lãnh thổ liên minh có ít quyền hơn cấp bang. Sáng kiến ​ đã được Quốc hội phê duyệt hôm thứ Ba.

Vốn có truyền thống ủng hộ dân thiểu số Ấn Độ theo đạo Hồi sống ở Kashmir, nước Pakistan láng giềng đã kịch liệt phản đối động thái đó. Thủ tướng Cộng hòa Hồi giáo Pakistan Imran Khan đã chỉ thị thành lập một Ủy ban đặc biệt để hoạch định phản ứng pháp lý, chính trị và ngoại giao chống lại quyết định của Ấn Độ với Jammu và Kashmir. Hôm thứ Tư, Islamabad tuyên bố hạ thấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ, đình chỉ thương mại song phương và xét lại hàng loạt thỏa thuận với quốc gia láng giềng.

Thảo luận