Các nhà khoa học hy vọng rằng, nền khoa học sẽ giải quyết vấn đề thiếu nguồn mô, tạng để ghép. Sputnik yêu cầu các nhà khoa học Nga nói lên ý kiến về những thí nghiệm này và những khó khăn mà các đồng nghiệp Nhật Bản có thể gặp phải.
Theo tờ báo Asahi, các nhà khoa học Nhật Bản đang tiến hành thí nghiệm trên loài gặm nhấm, và nếu thành công, họ có kế hoạch bắt đầu tạo ra loài lai giữa người và lợn. Như dự định, một gen người nhất định, ví dụ, gen chịu trách nhiệm tạo ra tuyến tụy, sẽ được đưa vào phôi của động vật, và gen chịu trách nhiệm tạo ra nội tạng này trong cơ thể động vật sẽ bị "tắt".
GS. TS. Dmitry Goldstein, trưởng phòng thí nghiệm di truyền tế bào gốc tại Trung tâm nghiên cứu y học và di truyền mang tên Viện sĩ Bochkov, nhận xét về phương pháp của nhà sinh vật học Nhật Bản Hiromitsu Nakauchi:
“Các tác giả của phương pháp muốn tiêm tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC) của con người vào phôi động vật. Điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được từ quan điểm đạo đức và đồng thời có thể giải quyết vấn đề cấy ghép không tương thích, vì bệnh nhân sẽ được cấy ghép một nội tạng bao gồm các tế bào của chính mình. Tuy nhiên, một nhiệm vụ không dễ dàng là đảm bảo cho nội tạng được phát triển từ tế bào của động vật và con người được hình thành đúng cách và hoạt động đúng cách. Nếu trong nội tạng mới sẽ được cấy ghép cho bệnh nhân có khối lượng lớn các tế bào động vật thì điều đó có thể gây ra viêm mãn tính".
Viện sĩ Sergei Gotye, nhà cấy ghép chính của Bộ Y tế Nga, Giám đốc Viện Cấy ghép và các bộ phận cơ thể nhân tạo mang tên Shumakov, chia sẻ quan ngại của giáo sư Dmitry Goldstein:
“Các nhà khoa học Nhật Bản đang cố gắng cấy ghép nội tạng từ loài này sang cho loài khác, phương pháp này được gọi là xenotransplantation. Trở ngại chính khi sử dụng phương pháp này là mối nguy hiểm truyền nhiễm: có khả năng các loài virus động vật xâm nhập vào cơ thể con người. Trong phương pháp tự cấy ghép là ghép mô trên cùng một người không có mối đe dọa như vậy, vì một người là người hiến tặng cho chính mình hoặc cho người khác”.
Trước khi cấp giấy phép cho nhà sinh vật học Hiromitsu Nakauchi, chính phủ Nhật Bản đã xem xét các khía cạnh xã hội và đạo đức của các thí nghiệm đó. Lãnh đạo đất nước đi đến kết luận rằng, các nghiên cứu như vậy có thể được thực hiện với điều kiện các nhà khoa học áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự ra đời của một sinh vật kỳ lạ về mặt di truyền có thể là một phần của con người. Thật vậy, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại nghiêm trọng rằng, các tế bào của con người có khả năng không chỉ hình thành nội tạng mong muốn mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của động vật thí nghiệm. Nói cách khác, có những nỗi lo ngại rằng, sẽ sinh ra những sinh vật là tập hợp nhiều phần của các cá thể khác nhau có khả năng suy nghĩ, trải nghiệm cảm xúc, v.v.
Về phần mình nhà khoa học Nakauchi nhấn mạnh rằng, nếu tỷ lệ tế bào người trong não bộ của phôi được thử nghiệm vượt quá 30%, thì ông ta sẽ làm gián đoạn thí nghiệm.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn lo lắng về hậu quả không lường trước được của những thí nghiệm như vậy.
“Không ai có thể dự đoán chính xác kết quả cuối cùng của những thí nghiệm này, - Viện sĩ Sergei Gotye ghi chú. - Điều gì sẽ xảy ra với một người mang trong mình cả gen động vật và gen người? Con vật sẽ có kỹ năng của con người? Tôi nhớ lại tiểu thuyết nổi tiếng của Herbert Wales “Hòn đảo của tiến sĩ Moreau”, trên hòn đảo này bác sĩ đã tạo ra những sinh vật kì dị có hình người. Tất nhiên, đây là tác phẩm khoa học viễn tưởng, nhưng, rõ ràng là các công nghệ di truyền sẽ tiếp tục phát triển và chúng ta không biết chúng có thể dẫn đến đâu. Vì lý do này, các nghiên cứu như vậy đang được giám sát, và ở một số quốc gia bị cấm hoàn toàn. Các cuộc nghiên cứu sẽ không dừng lại, nhưng, về mặt đạo đức chúng ta cần phải xác định đường đỏ không được vượt quá”.
Sử dụng nội tạng động vật chứ không phải nội tạng của người hiến tạng không phải là ý tưởng mới. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là trường hợp của trẻ sơ sinh Stephanie Beauclair. Vào năm 1984 một trái tim của khỉ đầu chó đã được cấy ghép cho Stephanie. 21 ngày sau ca phẫu thuật, trẻ sơ sinh đã chết vì thải ghép.
Hiện có những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này, các nhà khoa học làm việc với lợn và linh trưởng. Nhà di truyền học George Church đã thành lập công ty khởi nghiệp eGenesis vào năm 2015 để tạo ra các nội tạng, mô và tế bào tương thích an toàn và hiệu quả với con người.
Giáo sư Dmitry Goldstein lưu ý rằng, nếu phương pháp tạo ra nội tạng người bằng tế bào động vật đạt thành công, thì nó khó có thể được đưa vào thực tiễn y học vì chi phí quá cao:
“Khi làm việc với phôi động vật, phải có nhiều chuyên gia trình độ cao lao động bằng tay , và các động vật phải được giữ trong điều kiện GMP (Thực hành sản xuất tốt) trong một thời gian dài. Tất nhiên, tất cả điều này ảnh hưởng đến chi phí điều trị. Trong tương lai việc cấy ghép nội tạng như vậy có thể được thực hiện không chỉ cho mục đích điều trị, mà còn cho mục đích kéo dài tuổi thọ. Do chi phí cao, phương pháp này sẽ chỉ dành cho đại diện của tầng lớp xã hội giàu có nhất”.
Cho đến gần đây, cộng đồng khoa học đã bị cấm lai tạo con người bằng cách nhân bản. Tuy nhiên, trong một thời gian dài người ta cũng có thái độ nghi ngờ với phương pháp thụ tinh nhân tạo. Và chỉ sau khi em bé đầu tiên chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, công nghệ mới đã được công nhận.