Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ
Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra Báo cáo kinh tế toàn cầu quý III/2019 với tựa đề “The dovish wave grows” ngày 12/8 trong đó đánh giá:
Dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ tăng ở mức 2 con số trong năm thứ tư liên tiếp và đống vai trò làm động lực tăng trưởng chính.
“Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ, các yếu tố kinh tế vĩ mô được giữ ổn định trong nửa đầu năm và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì đến cuối năm. Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm so với mức 6,7% trong nửa đầu năm”, ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết.
Như vậy, báo cáo kinh tế vĩ mô của ngân hàng này khẳng định, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, với tổng lượng vốn thu hút dự kiến đạt 18 tỷ.
Tăng trưởng xuất khẩu sẽ duy trì ổn định và vượt trội hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Ngân hàng này đánh giá, xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam có thể chịu xu hướng giảm so với những năm gần đây do nhu cầu và giá cả các thiết bị bán dẫn đồng loạt suy giảm, tuy nhiên Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể lạc quan đối với những mặt hàng mũi nhọn như các hàng xuất khẩu truyền thống bao gồm dệt may, da giày và các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao và được thị trường thế giới đón nhận.
ADB cho rằng, “yếu tố quan trọng giúp duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam chính là “lực hút FDI”, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 27% trong suốt 5 tháng đầu năm 2019”
Từ lý do đó, ADB dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay (2019) sẽ vào khoảng 6,8%, và đạt khoảng 6,7% vào năm sau (2020).
Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ giảm vào khoảng 6,5% năm 2019 và duy trì con số này trong năm tiếp theo.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn mức kế hoạch do Quốc hội đề ra (6,6-6,8%). Ngoài ra, lạm phát được dự báo ở mức 3,6% năm 2019 và 3,8% năm 2020.
Đồng Việt Nam có thể tăng nhẹ
Đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND đã giảm xuống dưới tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 23.200 VND đổi 1 USD, đồng thời tiếp tục giảm xa mốc này, chốt tháng ở mức 23.140/23.260, giảm 120 VND/USD đối với tỷ giá giao dịch của Ngân hàng Thương mại (NHTM) và 23.170/23.200, giảm 130/120 VND/USD với tỷ giá tự do. Tỷ giá giảm sâu khiến một phần nguồn ngoại tệ tích lũy từ tháng 6 đã được bán về NHNN, giúp gia tăng dự trữ ngoại hối.
Trong tháng 7, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ- Trung và Bắc Kinh áp dụng hàng loạt chính sách tiền tệ nhằm hạ giá đồng tiền quốc nội của mình nhằm mục đích hưởng lợi trong xuất khẩu, VND cũng đã tăng giá 0,52% so với USD và tính chung cả 2 tháng 6 và 7 đã tăng giá 0,94%, bù lại toàn bộ mức mất giá 0,89% của đợt sóng tháng 5 khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% lên 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc. Tại thời điểm cuối tháng 7, tỷ giá mua vào USD/VND của NHTM đã thấp hơn tại cuối 2018 là 25 VND/USD, tương đương 0,11%.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có nhiều phương án điều chỉnh tỷ giá, đảm bảo ứng phó kịp thời trước nguy cơ bùng nổ “cuộc chiến tiền tệ” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Về lạm phát, Ngân hàng này cũng đánh giá lạc quan khi dự báo mức lạm phát sẽ chỉ tăng khiêm tốn ở nửa cuối năm nay, đạt trung bình 2,8% so với mức 2,6% trong hai quý đầu năm 2019 và lạm phát cơ bản không bao gồm giá cả thực phẩm, năng lượng, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe và giáo dục sẽ tăng lên 2% trong năm nay.