Liệu có còn chăng Đà Nẵng và Hải Phòng sau trăm năm?

Thiên nhiên khiến chúng ta bất ngờ và giật mình trong mùa hè này: ở một số nước là cảnh nóng nực chưa từng thấy - ở Paris và Florence hơn 40 °C, tại Nhật Bản vào đầu tháng 8 có 23 người tử vong vì quá nóng.
Sputnik

Còn ở các quốc gia khác thì hứng lượng mưa lớn chưa từng thấy, ví dụ, ở vùng Nam Á có hơn 1.000 người chết vì lũ lụt. Mưa ngập đường ở TP Hồ Chí Minh và khu chợ lớn nổi tiếng nhất ở Istanbul… Chuyên gia phân tích Piotr Tsvetov của Sputnik Vietnam có bài viết về chủ đề quan hệ của thiên nhiên-con người thời nay.

Nhiều nhà khoa học đổ lỗi cho hiện tượng này như là sự nóng lên toàn cầu. Cụ thể, do Trái đất nóng lên, băng ở Bắc Cực và Nam Cực đang tan chảy. Điều đó  làm dâng cao mực nước trong các đại dương. Quá trình này đã mang tính không thể đảo ngược. Theo quan điểm của một số chuyên gia khí tượng học, đến cuối thế kỷ tới, mực nước biển sẽ tăng 1,6 mét so với mức đo năm 1990, và sau nhiều thế kỷ thì mực nước sẽ tăng thêm từ 4 đến 6 mét! Kết quả là nhiều thành phố hiện nằm bên bờ biển và đại dương sẽ bị nhấn chìm: khá hãi hùng viễn cảnh tương lai sẽ không còn Thượng Hải và Sochi, không còn Marseille và Yokohama, không còn Istanbul mà cũng sẽ không hiện hữu Hải Phòng hay Đà Nẵng. Tất cả sẽ nằm dưới nước.

Singapore và Jakarta đã dự liệu và hành động

Trong bối cảnh quá trình toàn cầu này, tin thời sự từ thủ đô của hai nước Đông Nam Á - Indonesia và Singapore - vang lên đầy ý nghĩa.

Tổng thống Indonesia Joko Vidodo thông báo về dự định của Chính phủ - chuyển thủ đô của đất nước từ Jakarta đến một trong những thành phố trên đảo Kalimantan. Một trong những lý do là nỗi lo sợ về hiện trạng nóng lên toàn cầu, e ngại rằng Jakarta sẽ bị nhấn chìm trong tương lai gần. Theo tính toán của các chuyên gia khoa học địa phương, đến năm 2050 thủ đô hiện tại sẽ bị “ngâm trong  nước” đến 1/3. Việc “dời đô” dự kiến bắt đầu vào năm 2021.

Lũ có đe dọa loài người hay không: Bắc Cực tan chảy như thế nào

Cư dân thành phố-quốc đảo Singapore không có cơ may di chuyển toàn bộ đến nơi nào khác. Do đó, Chính phủ đang nghiên cứu những dự án công nghệ tiên tiến hơn. Phát biểu mới đây tại sự kiện kỷ niệm ngày Quốc khánh, Thủ tướng Lý Hiển Long thừa nhận rằng Singapore có chỗ yếu dễ bị ảnh hưởng tiêu cực khi mực nước đại dương dâng cao. Ông kêu gọi cư dân quốc đảo tham gia giải quyết vấn đề bảo vệ sự an sinh chung. Như lời phát biểu của ông cho thấy, Chính phủ Singapore đang tính toán về chương trình dài hạn (kéo dài 50 hoặc 100 năm!) và sẵn sàng chi 100 tỷ USD vào đây. Trong số các hoạt động tiềm năng của kế hoạch này, truyền thông Singapore nhắc đến việc xây dựng những bức tường bao trên bờ biển, như ở Hà Lan. Còn có quyết định khác là kiến thiết những công trình với “chân dài” – các tòa nhà dựng trên nền móng cao ít nhất 4 mét.

Cần những nỗ lực chung của nhân loại

Sự nóng lên toàn cầu không chỉ là tai họa tự nhiên, mà còn là lỗi sai của cả nhân loại. Địa cầu nóng lên do hoạt động sống của con người, trong đà tăng trưởng kinh tế như vũ bão, các doanh nghiệp thải đủ chất có hại vào khí quyển… Một phần lớn nhân loại đã hiểu ra điều này, và có những nỗ lực được xúc tiến để khắc phục. Liên Hợp Quốc thông qua Công ước khung về biến đổi khí hậu, và phát triểm thêm là Nghị định thư Kyoto, cũng như Thỏa thuận Paris năm 2015, bắt buộc các nước phải thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Thế nhưng không phải ai cũng kết nối vào sự nghiệp cứu vãn khí hậu Trái đất. Tỷ phú Donald Trump khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đã từ chối thực hiện các khuyến nghị theo Thỏa thuận Paris.

Các nước có thể làm rất nhiều điều ở cấp quốc gia. Chẳng hạn, nhiều nước ASEAN đã đi tới “chiến lược tăng trưởng xanh”, làm cho hoạt động bảo vệ môi trường xung quanh trở thành bộ phận thiết yếu trong chính sách kinh tế của đất nước.

Liệu rằng sự thông tuệ và ý chí của nhân loại có thể chặn được bước lấn tới của đại dương, đó là câu hỏi “nóng” của hôm nay. Mà hiện thời vẫn chưa có giải đáp rõ ràng.

Thảo luận