Chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc tại Ấn Độ không thể mang lại kết quả mong muốn

Chiến dịch đang được triển khai ở Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc vì một lý do rất xa vời không thể mang lại kết quả.
Sputnik

Bắc Kinh sẽ phản ứng mạnh mẽ với việc áp dụng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, và Ấn Độ sẽ chịu tổn thất rất lớn. Chuyên gia Nga nói lên ý kiến này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

Các phương tiện truyền thông Ấn Độ lan truyền lời kêu gọi của Liên minh các thương nhân Ấn Độ (CAIT) tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, cũng như đánh thuế hải quan từ 300 đến 500% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Liên đoàn CAIT lưu ý rằng, họ đưa ra lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc để khiến Trung Quốc hiểu được hậu quả của việc ủng hộ Pakistan và thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thảo luận không chính thức về vấn đề Kashmir. Liên đoàn CAIT cho rằng, “bằng cách này Trung Quốc đã tự đưa mình vào “danh sách những kẻ thù đối với an ninh quốc gia của Ấn Độ”.

Chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc tại Ấn Độ không thể mang lại kết quả mong muốn

Theo các phương tiện truyền thông Ấn Độ, vào ngày 29 tháng 8, CAIT sẽ triệu tập Hội nghị thương nhân toàn quốc từ tất cả các bang để thảo luận về việc tẩy chay hàng Trung Quốc.

Liệu Ấn Độ có tẩy chay hàng hóa Trung Quốc hay không?
Nhận xét về bước đi này của CAIT, chuyên gia Nga Alexei Kupriyanov từ Viện Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) lưu ý rằng, mỗi năm một lần, những công ty lớn của Ấn Độ đưa ra lời kêu gọi này. Các công ty nhỏ hơn kêu gọi làm như vậy thậm chí thường xuyên hơn. Chủ đề này phục vụ cho các mục đích chính trị và kinh tế. Chuyên gia Nga nói:

“Đồng thời, với xác suất 99% tôi có thể nói rằng, lần này sẽ không có gì được thực hiện, giống như chưa có gì được thực hiện trước đó. Ở đây thậm chí không nói đến việc áp thuế. Tất nhiên, Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ, và Ấn Độ sẽ chịu tổn thất nặng nề, kể cả trong lĩnh vực đầu tư và thương mại. Trong điều kiện cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc đã tăng đáng kể. Vì thế, việc Ấn Độ tham gia vào cuộc chiến thương mại ở bất kỳ bên nào bằng bất kỳ cách nào không phục vụ lợi ích của nước này. Và đòn áp thuế với hàng Trung Quốc đồng nghĩa với việc tự động tham gia vào cuộc chiến thương mại về phe Hoa Kỳ".

Deccan Chronicle, tờ báo tiếng Anh lớn nhất lưu hành ở Nam Ấn Độ, lưu ý rằng,  không được để Ấn Độ hủy hoại mối quan hệ với Trung Quốc do tâm trạng "tình cảm" của CAIT. Trong khi đất nước đang chuẩn bị cho lễ hội chính của Ấn Độ giáo - Lễ hội Diwali - năm nay sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10, những lời kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc chỉ tạo ra nhiều tiếng ồn, nhưng không hoạt động tại các địa phương. Rốt cuộc, người tiêu dùng chú ý đến mức giá chứ không phải đến nơi sản xuất, tờ báo nhận xét.

Chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc tại Ấn Độ không thể mang lại kết quả mong muốn

Chuyên gia: Trung Quốc có thể đáp trả tương ứng đối với leo thang trong cuộc chiến thương mại
Nói về hậu quả của lời kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, chuyên gia Alexei Kupriyanov nhận xét rằng, các chính trị gia Ấn Độ là những người có trách nhiệm. Theo ông, ngay cả những người theo chủ nghĩa dân túy điên cuồng nhất, sau khi lên nắm quyền cũng biến thành những người thực tế. Họ hiểu rằng, việc tăng thuế lên 500% với hàng hóa Trung Quốc sẽ không mang lại lợi nhuận mà chỉ gây thiệt hại cả về mặt kinh tế và chính trị.

Lời kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc và áp thuế quan cao đang vang lên trong bối cảnh Ấn Độ phải vật lộn với bất ổn kinh tế và trải qua cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng thấy. Đồng thời, ngay cả cánh hữu của đảng Bharatiya Janata cầm quyền cũng tham gia chiến dịch này. Cụ thể, họ phản đối sự tham gia của Huawei Trung Quốc trong kế hoạch của chính phủ Ấn Độ triển khai mạng 5G. Rõ ràng, tất cả những điều này hoàn toàn trái ngược với động lực tích cực trong quá trình phát triển quan hệ Trung-Ấn, với tinh thần của các cuộc đàm phán gần đây giữa các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và Ấn Độ tại Bangkok và Bắc Kinh, cũng như với những nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Ấn Độ vào mùa thu năm nay.

Thảo luận