Các nhà khoa học tại Viện Paul Scherrer ở Thụy Sĩ đã phát hiện ra phương cách mới để đấu tranh chống lại di căn – ngăn chặn sự xuất hiện các khối u thứ phát của ung thư trong giai đoạn cuối của căn bệnh nan y này. Tin này đăng trong thông cáo báo chí trên MedicalXpress.
Qua nghiên cứu các chuyên gia đã giải mã cấu trúc của thụ thể đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển tế bào ung thư vào các mô và cơ quan lành. Con đường quan trọng trong sự phát tán của chúng là hệ bạch huyết, đi qua toàn bộ cơ thể. Các tế bào bạch cầu cũng đi qua đó, bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh và được sự trợ giúp từ protein màng gọi là thụ thể chemokine 7 (CCR7). Nó nhận biết các tín hiệu bên ngoài và truyền vào bên trong tế bào.
Đã rõ là trong các tế bào động vật có xương sống hiện hữu 20 loại thụ thể chemokine có khả năng tương tác với hơn 40 chemokin - phân tử tín hiệu tác động đến hành vi của tế bào. CCR7 liên kết với chúng, kiểm soát sự di chuyển của tế bào trong cơ thể, buộc chúng phải di chuyển theo hướng tập trung nồng độ cao các chemokine tương ứng.
CCR7 cũng nằm trên bề mặt tế bào ung thư, tạo điều kiện cho chúng xâm nhập từ khối u vào hệ thống bạch huyết. Tuy nhiên, để tìm ra chất ức chế thụ thể, cần phải biết cấu trúc của hệ bạch huyết. Nhận được thông tin về cấu trúc của protein màng, các nhà khoa học đã chọn được năm phân tử ứng viên phù hợp, liên kết với thụ thể và ngăn chặn không cho tế bào nhận tín hiệu hóa chất.