Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xin ý kiến nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Nhằm chuẩn bị cho Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hôm nay, 26/8 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế Xã hội chủ trì Hội nghị xin ý kiến các cán bộ nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các dự thảo văn kiện đối với Chiến lược 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm.
Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của văn kiện Đại hội, là kết tinh trí tuệ, tiềm năng, sức mạnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần tiếp thu, chắt lọc những ý kiến tinh hoa, tinh túy nhất của lãnh đạo các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học, đặc biệt là của Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện dự án.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội, đồng chí Tòng Thị Phóng.
Về thành phần Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc Hội, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội, TP.HCM đều đến dự Hội Nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ “mong muốn được nghe trực tiếp ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những người dày dạn kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành công việc của Đảng, Nhà nước trên nhiều cương vị, trọng trách khác nhau”.
“Các đồng chí luôn tâm huyết, trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, trăn trở trước những vấn đề lớn của đất nước, những khó khăn, bức xúc của nhân dân”, VGP dẫn lời cho biết.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn trân trọng đến các cán bộ nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã luôn đồng hành, theo dõi tình hình phát triển của đất nước, hỗ trợ Đảng, Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, giữ gìn anh ninh quốc phòng, đối ngoại đất nước.
“Xây dựng văn kiện là vấn đề hệ trọng, mang tính quyết định đến tương lai phát triển của đất nước trong 5 đến 10 năm tới, đến năm 2030, 100 năm thành lập Đảng, tầm nhìn đến năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Từ kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, từ giải quyết các vấn đề đối nội đến vấn đề đối ngoại trong bối cảnh quốc tế diễn biến khó lường. Chính vì vậy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo hôm nay góp phần quan trọng hoàn thiện những quan điểm, định hướng phát triển, cả tầm chiến lược và sách lược trên các lĩnh vực; đồng thời củng cố sự tin tưởng, sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất, gắn bó, tính kế thừa với tinh thần trách nhiệm cao giữa các thế hệ lãnh đạo trong Đảng, Nhà nước ta, tất cả vì dân, vì nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc”- VOV dẫn lời Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định, văn kiện Đại hội Đảng chính là sự kết tinh trí tuệ, tiềm năng sức mạnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vậy nên, Tiểu ban Kinh tế- Xã hội nhận thức rõ về trách nhiệm to lớn và rất nặng nề.
Với những ý kiến tinh hoa, tinh túy nhất của các cấp ngành, các tầng tớp nhân dân, các nhà khoa học, giới nghiên cứu, đặc biệt là ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, văn kiện sẽ tiếp tục được hoàn thiện tốt hơn.
Thông báo về nội dung lớn của dự thảo Chiến lược 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề này.
Kể từ khi thực thi chính sách “Đổi mới”, suốt hơn 30 năm qua, đất nước Việt Nam đã “thay da đổi thịt”, trải dài mảnh đất hình chữ S, từ thành thị đến nông thông, từ đồng bằng đến biên giới, hải đảo, đều có những thay đổi lớn lao. Nền kinh tế Việt Nam liên tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, đạt nhiều thành tựu đáng khen ngợi cả về phát triển kinh tế, lần ổn định chính trị, chăm lo đời sống nhân dân. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, chúng ta không thể “ngủ quên trên chiến thắng”, không vì những thành quả đã đạt được mà chủ quan, thỏa mãn. Nhiều đánh giá của các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo, giới nghiên cứu trong nước và ngoài nước đều đề cập vấn việc “Việt Nam chưa giàu đã già”, còn tồn tại khoảng cách phát triển về tuyệt đối, vẫn còn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cả về thu nhập, mức sống, trình độ khoa học công nghệ, năng suất lao động, sản xuất và năng lực cạnh tranh.
Động lực thôi thúc cùng những yêu cầu nội tại và cả những tác động từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới để đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững với hiệu quả cao hơn. Điều này thể hiện rất rõ tình thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm cao và ý chí tinh thần trách nhiệm của thế hệ ngày nay với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Việt Nam đã nhiều lần làm việc, trao đổi, cùng suy nghĩ, cùng trăn trở trên các mặt xây dựng dự thảo văn kiện, trong việc đặt ra mục tiêu chiến lược, quan điểm phát triển, đột phá chiến lược và định hướng, giải pháp trọng tâm trong 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045.
Trăn trở về chiến lược phát triển đất nước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho biết:
“Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 6-7%/năm nhưng cần chú trọng hơn các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, khoảng 7-8 %/năm. “Chúng ta đặt ra mục tiêu này để làm gì? Nhìn trên bản đồ thế giới và khu vực chỉ có tăng trưởng cao như vậy, chúng ta mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, mới góp phần tạo nền tảng ổn định vĩ mô, có thêm nhiều nguồn lực, có "chiếc bánh" lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Và chỉ có như vậy chúng ta mới có nhiều việc làm, có thu nhập cho người lao động để nâng cao hơn nữa đời sống người dân”.
Đánh giá về việc, những mục tiêu phát triển của đất nước có khả thi không, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:
“Chúng ta có thực hiện được không? Các đồng chí trong Tiểu ban và cá nhân tôi rất trăn trở về điều này”, Thủ tướng nói. Nhìn từ bên trong, theo đánh giá từ bên ngoài, tiềm năng đất nước con người Việt Nam là rất lớn, thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh, nhiều lĩnh vực chúng ta còn dư địa rất lớn. Chúng ta có nguồn lực dồi dào, chất lượng, có vị trí địa chính trị kinh tế quan trọng, có tài nguyên phong phú, tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch đều rất lớn”.
Lãnh đạo chính phủ chỉ rõ những thế mạnh của Việt Nam như chế độ chính trị xã hội ổn định, hội nhập ngày càng sâu rộng vào môi trường quốc tế, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng đất nước sẽ hoàn thành mục tiêu này. Trước đây, chính kinh nghiệm và thực tiễn từ các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đều giúp Việt Nam thêm phần chắc chắn về tính khả thi của kế hoạch phát triển đất nước. Các nước trên đều có thời kỳ đjat mức tăng trưởng kỷ lục 10%/ năm trong bối cảnh quốc tế cũng gặp vô vàn khó khăn, thách thức.
“Để làm được điều đó, chúng ta cần có chiến lược, định hướng giải pháp mạnh mẽ, đột phá, có cách làm, có lộ trình bước đi phù hợp, đặc biệt bao trùm lên tất cả là sự đồng thuận, trên dưới một lòng, là tinh thần ý chí khát vọng vươn lên của tất cả các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Thực tế cho thấy giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị có điều kiện hoàn cảnh tương đồng, nơi nào làm quyết liệt, nỗ lực đổi mới vươn lên thì nơi đó là kết quả tốt.Nếu chúng ta không có khát vọng vươn lên, không tự tạo ra sức ép đổi mới với chính mình, thực sự thay đổi tư duy cách làm, không nỗ lực phấn đấu quyết liệt, chúng ta không thể nào đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, ngay cả tăng trưởng khoảng 6%/năm, cũng khó đạt được”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cương quyết.
Việt Nam có thể theo kịp các nước trong khu vực?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, trong quá trình xây dựng lấy ý kiến về dự thảo văn kiện, còn rất nhiều luồng ý kiến, qua điểm khác nhau khi đánh giá, nhận định tình hình, xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, định hướng giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực. Thủ tướng đánh giá mỗi ý kiến đều có lý, có căn cứ phù hợp. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có ý chí, quyết tâm cao, tinh thần phấn đầu vươn lên mạnh mẽ. Chúng ta phải nhận định đúng tình hình quốc tế cũng như hiện trạng trong nước, phải đúng, phải trúng, không bỏ lỡ các cơ hội, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, của cuộc cách mạng lần thứ 4, đặc biệt là một số ngành lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế.
“Chúng ta có nhiều ví dụ để minh chứng Việt Nam hoàn toàn có thể theo kịp và đạt trình độ bình quân của khu vực, tiếp cận trình độ quốc tế hiện đại. Những vấn đề trọng yếu nêu trên thể hiện quan điểm, tầm nhìn, phụ thuộc rất lớn vào ý chí phấn đấu, tinh thần quyết tâm vươn lên. “Vì vậy xin các đồng chí cho ý kiến để hỗ trợ, tiếp thêm sức mạnh, động lực cho Tiểu ban trong việc xây dựng hoàn thiện các dự thảo văn kiện”, Thủ tướng bày tỏ.
Người đứng đầu chính phủ cũng đề nghị các đồng chí nguyên lãnh đạo cho ý kiến thêm về nguyên nhân, bài học kinh nghiệm khi xây dựng văn kiện để Tiểu ban tiếp tục hoàn thiện.
Đồng thời, góp ý của các đồng chí về quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Chiến lược, các đột phá chiến lược, phương hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội trọng 5 năm và 10 năm nữa.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng cho rằng:
“đây còn là khâu yếu, cần tập trung vào quán triệt, làm tốt công tác truyền thông để đưa tinh thần, tư tưởng của các văn kiện sau khi được Đại hội Đảng XIII thông qua đi vào thực tiễn cuộc sống, đến từng tổ chức Đảng, Đảng viên và quần chúng, thể hiện rõ nhiệm vụ tổ chức triển khai của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, làm sao người dân, doanh nghiệp, cán bộ, Đảng viên có một niềm tin, bắt tay vào hành động về kinh tế - xã hội”.
Theo người đứng đầu chính phủ Việt Nam, đến nay, Tiểu ban Kinh tế- Xã hội gồm 51 thành viên đã tổ chức được 5 phiên họp toàn thể, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiên cứu 42 chuyên đề về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Ngoài ra, Tiểu ban còn tổ chức 6 Hội nghị lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các địa phương cụ thể, tham vấn chueyen gia, các nhà khoa học và tổ chức quốc tế. Đến nay, Tiểu ban đã hoàn thành dự thảo văn kiện lần thứ 5.
Từ khát vọng về mộ Việt Nam hùng cường của nhân dân, yêu cầu phát triển của đất nước, đảm bảo tinh thần nhất quán “Đảng chấp nhận, nhân dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần xây dựng văn kiện chính từ thực tiễn cuộc sống chứ không phải chỉ ngồi bàn giấy, máy lạnh mà viết ra.