Google chọn Việt Nam làm nơi sản xuất điện thoại thông minh Pixel

Google quyết định chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam bắt đầu ngay trong năm nay.
Sputnik

Kế hoạch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của Google

Hướng đi này nằm trong kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng chi phí thấp ở Đông Nam Á, báo Nikkei của Nhật cho biết.

Làn sóng chuyển dịch trên đóng vai trò bàn đạp cho tham vọng phát triển mảng kinh doanh phần cứng của gã khổng lồ công nghệ Google.

Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều thách thức để trở thành công xưởng lớn toàn cầu
Động thái của nhà sản xuất là dễ hiểu vì chi phí lao động ở Trung Quốc ngày một tăng cùng với áp lực gia tăng thuế quan do căng thẳng thương mại Mỹ -Trung ngày càng leo thang.

Nikkei cho hay, trong suốt mấy tháng qua, đại diện của Google đã làm việc với các đối tác để chuyển đổi một nhà máy trước đây từng sản xuất phục vụ cho nhãn hàng Nokia cũ tại tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc Việt Nam sang sản xuất dòng điện thoại thông minh Pixel. Tỉnh Bắc Ninh cũng chính là cứ điểm của Samsung nhiều năm qua. Điều này là nhân tố có lợi cho Google có thể tiếp cận nguồn lao động giàu kinh nghiệm tại khu vực này.

“Gã khổng lồ công nghệ của Hoa Kỳ có kế hoạch chuyển hầu hết dây chuyền sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại Pixel và loa thông minh Google Home”, Nikkei thông tin.

Công ty có kế hoạch xuất xưởng khoảng 8 triệu đến 10 triệu điện thoại thông minh trong năm nay, gấp đôi so với một năm trước, khiến Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực phát triển của Google trên thị trường điện thoại thông minh.

Dù không lọt top 10 nhà sản xuất smartphones toàn cầu theo đánh giá của Counterpoint Reseach, tuy nhiên dòng điện thoại mang thương hiệu Pixel vẫn đạt mức tăng trưởng nhanh chóng. Nikkei cho hay, chiếc Pixel 3A mà Google trình làng hồi tháng 4 vừa rồi đã giúp hãng này trở thành thương hiệu smartphone lớn thứ 5 tại Mỹ.

Google chọn Việt Nam làm nơi sản xuất điện thoại thông minh Pixel
Google đã bán ra hơn 4,1 triệu điện thoại Pixel 3A trên toàn cầu chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2019, gần bằng tổng doanh số bán cả năm 2018 (4,7 triệu smartphones).

“Google sẽ chuyển nhà máy sản xuất điện thoại Pixel 3A sang Việt Nam trước cuối năm nay”, Nikkei trích một báo cáo cho biết.

Đối với loa thông minh Google Home của mình, một số sản phẩm có thể sẽ được chuyển sang Thái Lan, tuy nhiên công ty này vẫn duy trì phát triển sản phẩm mới và hoàn thành các khâu sản xuất phần cứng ban đầu ở Trung Quốc, Nikkei khẳng định.

“Một số hoạt động sản xuất của Google vẫn được tiếp tục duy trì tại Trung Quốc. Hãng công nghệ này hiểu rằng nếu muốn tăng doanh thu phần cứng thì Trung Quốc vẫn là thị trường không thể bỏ qua. Tuy nhiên, khi xem xét đến chi phí và kế hoạch đầu tư vĩ mô, Google cần có hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc trong chiến lược dài hạn nhằm hỗ trợ cho triển vọng phát triển ổn định của công ty này”, nguồn tin nói với Nikkei.

Google hiện vẫn chưa bình luận về vấn đề này.

Các ‘ông lớn’ công nghệ thế giới ưu ái Việt Nam?

Việt Nam nổi lên như một xu hướng, cứ điểm thay thế mạnh mẽ, nhờ sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc, có lợi cho công tác hậu cần. Đây cũng là đất nước sở hữu lượng lao động có tay nghề cao với chi phí nhân công tương đối thấp.

Nạn nhân mới của Trump: Apple đang bị đuổi khỏi Trung Quốc
Trước Google cả HP và Dell đều đã di rời nhà máy sản xuất laptop sang Đài Loan hay đến các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Phillipines.

LG của Hàn Quốc cũng vừa đưa ra tuyên bố chuyển sản xuất dòng điện thoại thông minh của minh sang Hải Phòng. Theo chân LG, các doanh nghiệp hàng điện tử, điện lạnh hàng đầu của Nhật Bản như Nintendo và Sharp cũng tiến thẳng vào Việt Nam.

Tháng 7 vừa qua, Apple khẳng định sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe Airpods từ Trung Quốc sang Việt Nam. Kế hoạch đầu tiên sẽ là thử nghiệm trước khi tiến hành dây chuyển sản xuất hàng loạt.

Tập đoàn Goertek của Trung Quốc - một trong những đối tác sản xuất quan trọng của Apple, sẽ bắt đầu thử nghiệm quy trình sản xuất thế hệ AirPods mới nhất trong mùa hè này, tại nhà máy ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, Apple dự định chuyển nguồn cung ứng khoảng 15% -30% sản lượng ra bên ngoài Trung Quốc - nơi lợi thế về chi phí và nhân lực đang có dấu hiệu giảm dần. Nikkei Asian Review đã báo cáo vào tháng trước rằng gã khổng lồ công nghệ California đã yêu cầu các nhà cung cấp tính toán chi phí cho sự đa dạng hóa đó.

Thảo luận