Cả Mỹ và Trung Quốc đều khiến Việt Nam gặp bất lợi

Có rất nhiều dấu hiệu chứng tỏ Việt Nam không phải bên chiến thắng trong chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
Sputnik

Việt Nam không được hưởng lợi từ xung đột thương mại

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, TS. Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định đã có nhiều đánh giá và suy đoán không chính xác về xu hướng chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Suốt thời gian diễn ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đã có nhiều chuyên gia tin rằng Việt Nam “là bên chiến thắng” khi thu hút dòng vốn khổng lồ cũng như nhận xu hướng chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới khi quyết định rời bỏ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam tìm cơ hội đầu tư và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu khẳng định, Việt Nam không được hưởng lợi từ xung đột thương mại khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Việt Nam trở thành miền đất hứa
Dấu hiệu ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên mà Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI chỉ ra đó chính là tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Bộ Công thương trước đó cũng đưa ra đánh giá rằng, Hoa Kỳ chính là quốc gia mà Việt Nam có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất trong hai quý đầu năm nay.

“Bình thường tăng xuất khẩu là tin đáng mừng, nhưng điều không vui là chúng ta nằm trong nhóm 10 đối tác có thâm hụt thương mại với Mỹ. Đây không phải tin mới vì nhiều năm nay hiện tượng này đã xảy ra. Tuy nhiên, nhìn vào tăng trưởng nhập khẩu vào Mỹ của 9 nước còn lại đều giảm so với năm 2018, duy nhất Việt Nam tăng”, Trí thức trẻ dẫn lời TS. Nguyễn Thị Thu Trang phân tích.

Điều mà vị chuyên gia kinh tế này lo ngại chính là trong số 10 đối tác có thâm hụt thương mại, Hoa Kỳ đã áp dụng các đòn trừng phạt với những quốc gia khiến Washington phải “đặt chế độ giám sát đặc biệt”.

Theo đó, chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế trừng phạt hoặc các biện pháp đối phó với những quốc gia có vi phạm, tác động lớn hơn nhiều những biện pháp kiểu chống bán phá giá hay trợ cấp.

“Duy nhất có Việt Nam và Malaysia chưa dính đòn. Tuy nhiên, trong khi Malaysia đã giảm tốc tăng trưởng nhập khẩu thì điều ngược lại diễn ra với chúng ta. Đấy là nguy cơ”, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI quan ngại.

Việt Nam nỗ lực chứng minh mình là đối tác thương mại tin cậy của Mỹ
Vấn đề thứ hai liên quan trực tiếp đến Trung Quốc. Theo báo cáo tình hình xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2019 của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng quá thấp. Đây là dấu hiệu rất đáng lo ngại. Cụ thể, Bộ cho biết, xuất khẩu sang Trung Quốc trong 6 tháng năm 2019 chỉ đạit 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD).

Lý giải nguyên nhân vì sao xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng quá thấp, Bộ này cho hay, một phần đến từ nhu cầu nhập khẩu của chính quốc gia này giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 không hề khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ-Trung làm nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, sản xuất cầm chừng, cắt giảm nhân công lao động. Nhiều yếu tố tác động mạnh đến thu nhập và sức mua của dân Trung Quốc. Một yếu tố quan trọng khác cần phải nhắc đến chính là giá trị đồng nhân dân tệ yếu đi. Điều này làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối.

Đáng chú ý, nếu so sánh với mốc 21,8% cùng kỳ năm ngoái thì mức tăng xuất khẩu chỉ 0,3% là quá thấp. Việc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mà Việt Nam vốn có thế mạnh khi xuất sang Trung Quốc giảm tốc quá lớn, khiến cán cân thương mại giữa hai bên cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hà Nội không còn duy trì được thế thượng phong khi xuất khẩu hàng nông sản, thủy hải sản sang thị trường tỷ dân được nữa.

“Trung Quốc đang có chính sách thắt chặt các điều kiện về xuất nhập khẩu, nhưng liệu chúng ta có biết được lý do đằng sau những điều này không? Vì các quy định này vốn được áp dụng nhiều năm nay. Liệu nó có liên quan đến việc nước này bị hạn chế hàng xuất khẩu sang Mỹ nên phải tìm cách khắc phục?”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang đặt câu hỏi.

Cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung khiến Việt Nam phải lo lắng?
Ở khía cạnh nhập khẩu, rất đáng ngại là Việt Nam đang có xu hướng nhập siêu từ Trung Quốc, khi dấu hiệu liên tục tăng, đặc biệt là các mặt hàng mà Bắc Kinh đều chú trọng xuất khẩu mạnh mẽ sang thị trường Hoa Kỳ như máy tính, linh kiện điện tử…

Bà Trang cho biết phân khúc này, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng gần 70%, và mặt hàng này từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 89%”.

Thêm vào đó, theo báo cáo của Bộ Công thưởng chỉ rõ thực tế là hầu hết các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều sụt giảm so với cùng kỳ 2018 trừ hai nước Canada và Mehico.

Trung Quốc có gây áp lực lên kinh tế Việt Nam?

Theo dữ liệu Bộ Công thương cung cấp, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Bên cạnh đó là sự gia tăng các yếu tố rủi ro, thách thức lớn từ cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc khiến tình hình kinh doanh toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là xung đột thương mại Mỹ-Trung, Brexit của Anh, căng thẳng mới đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hay rủi ro từ cuộc chiến tiền tệ có nguy cơ bùng nổ. Với chiến lược mới của Bắc Kinh, đồng nhân dân tệ liên tục mất giá cùng với tuyên bố áp thuế nhập khẩu bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9/2019.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI không loại trừ khả năng hàng hóa Trung Quốc bị tồn kho, không xuất khẩu được sang Mỹ nên phải ồ ạt đổi hướng chuyển sang các thị trường khác. Điều này có thể sẽ khiến hàng hóa nội địa của Việt Nam chật vật hơn khi phải cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị Việt Nam nên tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết với các bên, đặc biệt là với Bắc Kinh:

“Trung Quốc hiện cũng đang tận dụng nội nhu – tăng nhu cầu sử dụng nội địa – khiến nhập khẩu vào thị trường này khó khăn hơn”.

Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều thách thức để trở thành công xưởng lớn toàn cầu
Quan trọng, vị chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những suy đoán không đúng về xu hướng dịch chuyển dòng vốn trong thời kỳ căng thẳng thương mại gia tăng.

“Nhiều suy đoán cho rằng dòng đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Trung Quốc vì chiến tranh thương mại. Đúng là họ có rút thật nhưng họ đang quay trở lại với chiến lược sản xuất ở Trung Quốc cho thị trường Trung Quốc. Những doanh nghiệp rút đi là những đơn vị xuất khẩu sang Mỹ”, TS Trang nói.

“Số liệu của các nhà đầu tư Nhật Bản không cho thấy Việt Nam là điểm thu hút. Khi vốn giảm ở Trung Quốc thì tăng ở các thị trường khác nhưng không có Việt Nam. Đến lúc tăng ở Trung Quốc, các thị trường khác giảm thì ở Việt Nam lại giảm sâu hơn”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang chỉ rõ.

Với tình hình hiện tại, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI tin rằng CPTPP và FTA sẽ là “cứu cánh”, một giải pháp hữu hiệu để giảm các ảnh hưởng tiêu cục đến nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tiêu chuẩn cao về thể chế, đòi hỏi cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư sẽ khiến doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Việt Nam thay vì chỉ tìm cách né tránh hàng rào thuế quan vì thương chiến. Ngoài ra, hiệp định này cùng các thỏa thuận mà chính phủ Việt Nam đã ký kết cũng sẽ tạo cơ hội lớn thúc đẩy tăng trưởng GDP, xuất khẩu theo đó cũng sẽ tăng tích cực.

“Tôi nhìn nhận những hiệp định này như một trong những cứu cánh quan trọng cho Việt Nam trong việc giải quyết các khó khăn về đầu tư”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang đúc kết.

Có những lo ngại về việc Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây áp lực lên Việt Nam vì Bắc Kinh vốn luôn là một trong hai đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề này phức tạp hơn nhiều. Khi Trung Quốc đang trong thương chiến với Mỹ, áp lực từ các đòn trừng phạt kinh tế sẽ làm tổn hại cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, sẽ khó cho Trung Quốc gây áp lực lên kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, chuyện Bắc Kinh có thể làm là dùng sức nặng kinh tế để hạn chế các hoạt động thương mại của Việt Nam như vừa qua đã tiến hành can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Đây rõ ràng là âm mưu gây rắc rối vì Hà Nội đang cố gắng thúc đẩy kinh tế giao thương qua đường hàng hải, một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công của nền kinh tế Việt Nam những năm qua.

Thảo luận