Philippines có mắc bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc?

“Việc các bên có tranh chấp chủ quyền biển ở Biển Đông hợp tác, liên doanh khai thác tài nguyên là một yếu tố tích cực. Tuy nhiên, dù là liên doanh, hợp tác song phương gì đi nữa thì cũng phải trên cơ sở công pháp quốc tế và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba”, - сhuyên gia về các vấn đề quân sự và chính trị quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Sputnik

Philippines và Trung Quốc vừa đạt được biên bản ghi nhớ về khai thác dầu khí chung tại vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, với thỏa thuận 60/40.

Trong khi Tổng thống Rodrigo Duterte hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc chia sẻ tài nguyên dầu mỏ ở vùng Biển Tây Philippines, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, miễn là Manila giành được phần lợi hơn, cho rằng đó là “màn khởi đầu tốt” trong việc giải quyết xung đột lâu dài trên ranh giới vùng biển giàu tài nguyên, thì cựu ngoại trưởng Albert del Rosario lại đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là cuộc xâm lược thành công của Trung Quốc mà không cần nổ súng chiếm lấy lãnh thổ của Philippines? Đây có phải là chính sách mà Manila theo đuổi?”

Philippines có mắc bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc?

Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề quân sự và chính trị quốc tế về vấn đề này.

Việc sử dụng ngôn từ “xâm lược” là không đúng

Sputnik: Nói về thỏa thuận ‘ăn chia’ khai thác dầu khí chung trên Biển Đông, một số ý kiến cho rằng, Trung Quốc đã xâm lược thành công, chiếm lấy phần lãnh thổ tranh chấp thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà không cần nổ súng? Ông có thể bình luận như thế nào về quan điểm này?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm (Chuyên gia về những vấn đề quân sự và chính trị quốc tế):

Nói rằng “Trung Quốc xâm lược thành công chiếm lấy phần lãnh thổ tranh chấp thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà không cần nổ súng” là không chính xác. Theo đúng nghĩa của từ “xâm lược” được Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1946 xác định thì xâm lược phải là hoạt động xâm chiếm lãnh thổ bằng bạo lực vũ trang. Còn nếu như đó là hoạt động liên kết, hợp tác kinh tế thì đó không phải là xâm lược. Bởi nếu coi hoạt động hợp tác, liên kết, liên doanh để khai thác tài nguyên và cùng hưởng lợi thì từ khi cuộc cải cách do Đặng Tiểu Bình phát động tại Trung Quốc vào năm 1978 cho đến nay, Trung Quốc đã bị nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ, Anh, Đức, Pháp và cả Nhật Bản “xâm lược”.

Tương tự như vậy, không thể cho rằng việc các công ty dầu khí của Nga, của Mỹ, của Anh, của Pháp, của Nhật Bản của Tây Ban Nha hợp tác Việt Nam để khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là việc các nước đó xâm lược Việt Nam. Do đó, những người cho rằng việc Trung Quốc hợp tác với Philippines khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và cùng chia lợi nhuận là “xâm lược” đã hoàn toàn sai lệch và xuyên tạc nghĩa của từ “xâm lược”. Cho dù đó là sự cường điệu hóa nhưng rốt cuộc việc sử dụng ngôn từ “xâm lược” trong trường hợp này là không đúng. Thật ra thì từ lâu, Trung Quốc đã có chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Chủ trương này được coi như những bước đi đầu tiên trong chiến lược “biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, biến vùng tranh chấp thành vùng chủ quyền của Trung Quốc”. Vì vậy, cho dù có hợp tác, liên kết, liên doanh để khai thác tài nguyên biển thì việc đầu tiên là hai bên phải ký kết được Hiệp định phân định ranh giới EEZ trên biển trước đã. Sau đó mới tính đến chuyện hợp tác, liên doanh, liên kết .v.v… Nếu không làm được việc này mà đã vội hợp tác, liên doanh thì vô hình chung, sẽ mắc vào cái bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc. Nói như vậy mới đầy đủ và đúng đắn.

Đã rõ thỏa thuận ‘ăn chia’ giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông

Ý nghĩa quan trọng của việc MOU quy định thành lập “Ban Chỉ đạo chung”

Sputnik: MOU là biên bản ghi nhớ về khai thác dầu khí chung tại vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Văn bản này chỉ rõ Manila và Bắc Kinh đồng ý thành lập” ban chỉ đạo chung” và các ủy ban phụ trách các dự án kinh doanh hợp tác chung, và để xem xét các phương án hợp tác năng lượng cụ thể. Theo ông thì điều này có thể hiểu như thế nào?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm (Chuyên gia về những vấn đề quân sự và chính trị quốc tế):

Việc văn bản MOU quy định việc thành lập ban chỉ đạo chung Philippines-Trung Quốc cho việc liên doanh khai thác tài nguyên trong EEZ của Philippines cũng không khác mấy so với việc Việt Nam và Liên Xô trước đây ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác về kinh tế. Trong đó, có quy định hai nhà nước có một cơ quan điều hành chung về hợp tác kinh tế, trong đó có hợp tác khai thác tài nguyên dầu khí trên biển mà VietsovPetro là con đẻ của hiệp ước ấy.

Việc MOU quy định thành lập “Ban Chỉ đạo chung” của Philippines và Trung Quốc có hai ý nghĩa quan trọng. Một là việc liên doanh và hợp tác được đặt dưới sự chỉ đạo của cấp cao nhất là cấp nhà nước, không để cho tư nhân điều hành vĩ mô. Như vậy, sẽ tránh được sự “tự tung tự tác” của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, không do nhà nước quản lý. Thứ hai là cơ chế ban chỉ đạo chung ràng buộc trách nhiệm của cả hai chính phủ Trung Quốc và Philippines, trong đó, chính phủ Trung Quốc không thể đổ vấy trách nhiệm cho các công ty mà phải tự mình chịu trách nhiệm nếu để xảy ra “vi phạm thỏa thuận, vi phạm hợp đồng” hoặc cao hơn là những hành vi xâm phạm chủ quyền.

Sputnik: Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết hôm thứ Tư 21/8/2019 rằng, ông hy vọng rằng thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí chung với Trung Quốc có thể giúp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Hợp tác khai thác tài nguyên – yếu tố tích cực, nhưng không được ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba

Đại tá Nguyễn Minh Tâm (Chuyên gia về những vấn đề quân sự và chính trị quốc tế):

Việc các bên có tranh chấp chủ quyền biển ở Biển Đông hợp tác, liên doanh khai thác tài nguyên là một yếu tố tích cực. Nó giúp tháo gỡ những ngòi nổ xung đột quân sự có nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, dù là liên doanh, hợp tác song phương gì đi nữa thì cũng phải trên cơ sở công pháp quốc tế và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba. Ý tôi muốn nói đến các nước ASEAN khác cùng có chủ quyền ở Biển Đông. Việc Philippines liên kết với Trung Quốc là công việc nội bộ và là sự thể hiện chủ quyền quốc gia của Philippines, các nước khác không có quyền can thiệp. Còn ứng xử với sự hợp tác, liên doanh đó như thế nào thì lại là chuyện khác. Nếu sự hợp tác đó xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong khu vực EEZ thuộc chủ quyền của Việt nam thì Việt Nam sẽ tiến hành mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền của mình.

Thảo luận