Địa ốc Alibaba đang giở chiêu trò gì?

Từng ‘không thèm đếm xỉa’ đến ý kiến của chính quyền địa phương, CEO Nguyễn Thái Luyện còn tỏ thái độ coi thường luật pháp, vì sao nay công ty Địa ốc Alibaba lại tự nguyện tháo dỡ công trình sai phạm?
Sputnik

Địa ốc Alibaba tự động dỡ bỏ

Chủ tịch UBND xã Long Phước Nguyễn Văn Hiệp (huyện Long Thành, tỉnh Đồng nai), ngày 5/9 xác nhận chính quyền địa phương đã tống đạt quyết định cưỡng chế công trình văn phòng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp của công ty địa ốc Alibaba. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã tự động tháo dỡ.

“Địa ốc Alibaba xin bắt đầu tháo dỡ văn phòng giao dịch xây dựng trái phép này từ hôm nay đến ngày 11/9. Ngoài văn phòng giao dịch này, công ty còn tự ý làm 5 con đường đi vào những khu đất quy hoạch đất nông nghiệp nhưng địa phương đã tiến hành xử lý”, vị Chủ tịch xã cho biết.

Địa ốc Alibaba từ CEO "cùi bắp" đến "ván bài lật ngửa" với khách hàng
Theo ông Hiệp cho biết, ngày 26/8 vừa qua, xã đã tống đạt quyết định cưỡng chế đén công ty địa ốc Alibaba, theo đó, sau 15 ngày nếu Alibaba không chủ động tháo dỡ công trình sai phạm, trả lại nguyên hiện trạng mảnh đất nông nghiệp thì chính quyền sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế tiếp theo.

Tuy nhiên, qua tình hình ghi nhận được trong những ngày qua, địa ốc Alibaba đã “tự giác” tháo dỡ công trình vi phạm. Nhiều người cho rằng đây chỉ là chiêu trò nhằm câu giờ của ông Nguyễn Thái Luyện.

“Việc tháo dỡ văn phòng đang được địa ốc Alibaba tiến hành. Họ không đưa ra được phương án cưỡng chế và thời gian hoàn thành. Vì còn trong thời hạn 15 ngày nên chúng tôi chỉ yêu cầu họ đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng tới công cộng trong lúc tháo dỡ. Sau 15 ngày kể từ ngày ra văn bản, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu phía địa ốc Alibaba chưa thực hiện tháo dỡ xong hoặc việc tháo dỡ có biểu hiện chậm trễ thì cơ quan chức năng sẽ tiếp tục cưỡng chế” – Đất Việt dẫn lời vị lãnh đạo UBND xã Long Phước khẳng định.

Alibaba coi thường chính quyền và luật pháp

Rộng khắp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, Tập đoàn địa ốc Alibaba đã rao bán đất của 29 dự án. Trong đó, huyện Long Thành có 27 dự án gồm 21 dự án ở xã Long Phước. Ngoài ra, ở các xã Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước, mỗi xã có 1 dự án.

Vì sao địa ốc Alibaba "sống lâu" và nhờn pháp luật đến thế?
Điều đáng nói là với 29 dự án trên, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng như UBND các xã không hề ban hành bất cứ quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận các địa điểm, chủ trương đầu tư, giao đất hay cho thuê mặt bằng để Alibaba thuê, triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn.

“Cơ quan chức năng xác định toàn bộ các diện tích đất trên có phần rất nhỏ là đất ở nông thôn, còn lại đều có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất; hiện trạng các địa điểm trên là đất trống, không có cơ sở hạ tầng. Riêng 3 vị trí ở xã Long Phước được UBND huyện Long Thành chấp thuận việc thi công đấu nối hạ tầng nhưng chưa nghiệm thu và bàn giao cho địa phương quản lý, chưa lập thủ tục thu hồi diện tích làm đường đi và chưa đủ điều kiện tách thửa theo quy định. Toàn bộ các diện tích đất trên đều đứng tên ông Nguyễn Thái Lĩnh và các cá nhân khác, không phải Địa ốc Alibaba”, báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định.

Theo thông tin điều tra ban đầu, có hơn 600 khách hàng đã “nhẹ dạ cả tin” bỏ tiền mua đất nền tại các dự án của Alibaba. Tuy nhiên, sau đó, chính nhiều người trong số các khách hàng này đã phản ánh, lên tiếng tố cáo Alibaba lừa đảo, không bàn giao đất nền, thanh toán lãi theo các thỏa thuận đã cam kết.

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định những dự án mà địa ốc Alibaba rao bán trên địa bàn không được cấp phép, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Liên quan đến những sai phạm khiến dư luận bức xúc thời gian qua, hiện Công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc điều tra làm rõ hành vi coi thường pháp luật của ông Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Luyện và tập đoàn địa ốc Alibaba.

Thảo luận