Bộ Công an khởi tố tội nhận hối lộ vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung tội “Đưa hối lộ và Nhận hối lộ” cũng như “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến gian lận thi cử ở tỉnh Hòa Bình.
Sputnik

Khởi tố Phó Hiệu trưởng tội nhận hối lộ

Ngày 12.9.2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án về tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ liên quan đến vụ gian lận điểm thi tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là địa phương đầu tiên (bên cạnh Sơn La và Hà Giang) để xảy ra hiện tượng gian lận thi cử được cơ quan điều tra xác định có hành vi đưa và nhận hối lộ.

Bí thư Triệu Tài Vinh: “Làm gì có chuyện vùng cấm trong xử lý cán bộ gian lận điểm thi!”

Đồng thời, cơ quan tố tụng cũng ban hành Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với những bị can có liên quan.

Cụ thể, đối với nhóm tội đưa và nhận hối lộ, Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bổ sung đối với bị can Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979), Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình về tội “Nhận hối lộ”. Đây là tội danh được quy định tại Điều 354 Bộ Luật Hình sự.

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, ông Đỗ Mạnh Tuấn được xác định là đã nhận tiền hối lộ để can thiệp sửa điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 của tỉnh Hòa Bình.

Đồng thời, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với đối tượng Hồ Chúc, Giáo viên trường Trung học Phổ thông Thanh Hà, tỉnh Hòa Bình về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 364 Bộ Luật Hình sự. Bị can Hồ Chúc trú tại xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Loạt cán bộ bị khởi tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn

Trong thông báo khởi tố bổ sung ngày 12.9, Bộ Công còn ra quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 6 bị can cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ Luật Hình sự.

Bộ Công an lên tiếng về gian lận thi cử: Chưa đủ căn cứ kết luận việc đưa, nhận tiền mua điểm

Theo cơ quan điều tra, những đối tượng này chính là: “Đào Ngọc Thuật, sinh năm 1980, Giáo viên Trường Trung học phổ thông Mường Bi, tỉnh Hòa Bình; Lê Thị Hồng, sinh năm 1969, Hiệu  trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình; Nguyễn Đức Hoàng, sinh năm 1979, Thanh tra viên Phòng Thanh tra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Tân Hưng, sinh năm 1979, Cán bộ Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; Phùng Văn Thụ, sinh năm 1966, Trường Phòng Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; Quách Thanh Phúc, sinh năm 1969, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông 19/5, Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình”, Quyết định của Bộ Công an cho biết.

Đáng chú ý, Bộ Công an ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với đối tượng Đào Ngọc Thuật, đồng thời áp dụng biện pháp nghiệp vụ cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 5 bị can còn lại.

“Ngày 13/9/2019, sau khi có Quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Hồ Chúc và Đào Ngọc Thuật; khám xét chỗ ở, nơi làm việc và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Hồng, Nguyễn Đức Hoàng, Nguyễn Tân Hưng, Phùng Văn Thụ, Quách Thanh Phúc”, thông báo trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an Việt Nam khẳng định.

Hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án theo quy định của pháp luật.

Gian lận thi cử ở Hòa Bình

Ngày 11 tháng 7 năm 2018, kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 chính thức được công bố, tỉnh Hòa Bình có hơn 8900 thí sinh dự môn toán nhưng có đến tận 27 thí sinh có điểm 9 trở lên, chiếm 0.03% cả nước, con số này còn cao hơn tỉ lệ chung của cả nước và số lượng đạt điểm này bằng Thành phố Hồ Chí Minh dù số lượng thi môn này rất chênh lệnh nhau. Không chỉ môn Toán, mà các môn Vật lý và Hóa học cũng tương tự.

Bộ GD&ĐT thành lập ba tổ chấm thẩm định tại các Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình vào ngày 21 tháng 7 năm 2018 trước sự bất thường này.

Ngày 24.7.2018, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn đến Bộ Công an yêu cầu điều tra làm rõ những bất thường về điểm thi ở Hòa Bình. Bước đầu cơ quan điều tra xác định có sự can thiệp vào phiếu trả lời tắc nghiệm của thí sinh làm tăng điểm thi. Ngoài ra, Bộ Công an còn xác định có nhiều bất thường về thời gian chấm thi.

Gian lận thi cử ở Sơn La: Giá nâng điểm mỗi trường hợp trung bình 1 tỉ đồng

Ngày 14/9/2018, Cơ quan An ninh Bộ Công an đã quyết định khởi tố, bắt giam bị can đối với Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng KT&QLCL, Sở GD&ĐT Hòa Bình. Tất cả đều bị truy tố về Tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Nguyễn Đức Lương- Phó GĐ Sở GD&ĐT, bà Đinh Thị Hường- Phó GĐ Sở GD&T, ông Nguyễn Thành- Phó GĐ Công an tỉnh Hòa Bình, Phó trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Ủy Ban Kiểm tra tỉnh cũng đã chỉ ra 5 cán bộ “mua điểm” cho con, gồm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Sở khoa học và công nghệ, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh, Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Xác định phụ huynh thí sinh và các lãnh đạo trên đã vi phạm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Ủy ban Kiểm tra tỉnh đã yêu cầu Ban Thường vụ Đảng Ủy khối các cơ quan tỉnh, các đảng ủy liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy trifnhm xem xét, thi hành kỷ luật Đảng các cá nhân theo thẩm quyền, báo cáo kết quả trước ngày 10/8/2019.

Thảo luận