Mạng xã hội Lotus và chiến lược giúp Việt Nam hóa rồng

Made in Vietnam được xem là chiến lược giúp Việt Nam hóa rồng. Điều gì ẩn sau sự bùng nổ của hàng loạt mạng xã hội như Lotus, Gapo, Hahalolo?
Sputnik

Hahalolo với mục tiêu 2 tỷ người dùng vào năm 2024

Năm 2019 chứng kiến sự bùng nổ không ngừng của các mạng xã hội thuần Việt với những cái tên đình đàm như Lotus, Gapo, Hahalolo…

Vào tháng 6/2019, Việt Nam chào đón mạng xã hội “made in Vietnam” đầu tiên do chính người Việt Nam phát triển dựa trên nền tảng tích hợp mạng xã hội, dịch vụ du lịch trực tuyến và sàn thương mại điện tử được ra mắt tại TP.HCM. Đó chính là Hahalolo.

Người Việt sẽ bỏ Facebook để dùng mạng xã hội made in Vietnam?

Tổng Giám đốc Hahalolo, ông Nguyễn Văn Hạ phát biểu trong ngày ra mắt đã tuyên bố mục tiêu gây sốc với 2 tỷ người tham gia và niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ NASDAQ vào năm 2024.

Nhận xét về giao diện và tính năng của Hahalolo, mạng xã hội này sở hữu đầy đủ các chức năng cơ bản cho phép người dùng có thể dễ dàng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến mà không hề bị giới hạn về không gian, thời gian.

Người dùng Hahalolo có thể dễ dàng tương tác với nhau thông qua những tính năng như đăng post, bình luận, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc. Nhờ đó, người dùng kết nối thêm được nhiều bạn bè, nắm bắt nguồn thông tin, xu hướng mới lạ và bổ ích.

Tuy nhiên, xu hướng thiên về các dịch vụ du lịch nên giao diện của Hahalolo tích hợp mô hình dịch vụ du lịch trực tuyến và E-commerce (thương mại điện tử) chính là điểm khác biệt của mạng xã hội này. Nhiều chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là cầu nối trung gian giữa những người có chung sở thích đam mê du lịch, cũng như giữa những đơn vị lữ hành, du lịch, các nhà bán lẻ với khách hàng.

Nhưng thẳng thắn mà nhận xét thì theo các chuyên gia hàng đầu trong ngành, tính năng của mạng xã hội Hahalolo còn rất sơ sài.

Nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ về “phát biểu nổ” này của ông Hạ chỉ để nhằm mục đích phát triển mạng lưới và huy động vốn theo mô hình đa cấp. Cụ thể là dùng mạng xã hội nhưng Hahalolo lại đi mở nhiều chi nhánh và liên tục tổ chức nhiều buổi hội thảo giới thiệu, huy động vốn, kêu gọi đầu tư…

Lên tiếng về vấn đề này, trong bài phỏng vấn với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Hạ khẳng định: “Việc đạt 2 tỉ người dùng là Halo dựa trên xây dựng chiến lược: Dùng cộng đồng để phát triển cộng đồng. Các mạng khác người dùng mở tài khoản nhưng không có lợi ích, nhưng với Halo nếu giới thiệu được 1 người thì sẽ có điểm thưởng và kiếm được tiền trên Halo và cứ thế thì nhân rộng số người ra”.

Theo đó, Tổng Giám đốc của Hahalolo cho hay: “Chúng tôi không phải là đa cấp, mà là muốn dùng sức mạnh tài chính cộng đồng để phát triển cộng đồng. Hahalolo thuyết phục nhà đầu tư, nếu thấy tiềm năng thì đầu tư cổ phần vào chúng tôi, khi lên sàn thì sẽ được chia lợi nhuận”.

"Việt Nam cần có mạng xã hội riêng “made in Vietnam” thay Facebook"

Trả lời cho câu hỏi vì sao bản thân Hahalolo là 1 mạng xã hội lại đi mở nhiều chi nhánh và liên tục tổ chức hội thảo gọi vốn, ông Hạ đáp: “Hội thảo công ty để quảng bá sự kiện và giới thiệu dịch vụ của nhà cung cấp cho Halo, trong hội thảo, chúng tôi đưa ra các gói cho nhà đầu tư. Nếu ai muốn lấy chiết khấu đầu tư theo bao nhiêu năm với Halo thì chọn gói tương ứng, đó là sự hợp tác đầu tư chứ không phải là kinh doanh đa cấp. Hàng tháng Halo tổ chức các buổi hội thảo để huấn luyện kỹ năng kinh doanh của nhà cung cấp trên hệ thống. Việc mở văn phòng, mở hội thảo là để phục vụ cho nhà cung cấp trên hệ thống”.

Ngoài ra, ông còn bổ sung thêm về vấn đề đăng ký tài khoản, mua cổ phần, phát hành thẻ Vip: “Halo không theo mô hình đa cấp, mà học hỏi theo mô hình bảo hiểm. Chỉ có điều, Halo có những người trước đây từng làm đa cấp, nay đầu quân cho Halo nên nhiều người cho rằng Halo hoạt động đa cấp”.

Gapo với mục tiêu 50 triệu người sau 2 năm ra mắt

Ngày 23.7 vừa qua, việc mạng xã hội Gapo (của Công ty Cổ phần công nghệ Gapo) cũng thu hút sự chú ý của người dùng.

Tại buổi họp báo ra mắt Gapo, công ty này đã nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng của G-Capital. Phía công ty cho hay, khoản đầu tư đầu tiên này dự kiến sẽ được dự kiến sử dụng trong giai đoạn 1 của dự án và đặt mục tiêu đạt 50 triệu người dùng sau hai năm ra mắt.

Trong sự kiện “mạng xã hội Gapo cán mốc 2 triệu người dùng” diễn ra ngày 15/9, ông Hà Trung Kiên, Tổng Giám đốc, đồng sáng lập mxh Gapo cho biết, con số 2 triệu người dùng đối với Gapo là bước tiến, cũng là thành quả cho những nỗ lực không ngừng của đội ngũ phát triển Gapo thời gian qua. Đặc biệt, hơn 1 triệu trong số đó thuộc nhóm tuổi sinh viên và học sinh trung học phổ thông.

MXH Gapo “nổ” đáp lời Bộ trưởng TTTT

Khác với Hahalolo, Gapo “thuần tính” là một mạng xã hội với mô hình và chức năng tương đồng với Facebook. Ứng dụng này có các chức năng cơ bản như cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến. Người dùng Gapo có thể tương tác với nhau thông qua những tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ, bộc lộ cảm xúc.

Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên ra mắt nhiều người dùng Gapo đồng loạt phản ánh tình trạng lỗi truy cập rất khó khăn. Dù có thể truy cập, nhưng người dùng lại không thể tạo tài khoản hay đăng bài, share bài. Gapo đã phải lên tiếng, chính thức ra thông báo tạm ngưng hoàn toàn hệ thống để nâng cấp và sửa lỗi.

Gapo cũng thực hiện thử nghiệm chương trình chia sẻ lợi nhuận với người dùng thông qua chiến dịch “500 Face Plus đồng hành cùng mạng xã hội Gapo tham gia thử thách 21 ngày. Nhiệm vụ của mỗi Face Plus là đăng tải nội dung tích cực trên Gapo đồng thời kêu gọi bạn bè cùng tham gia sử dụng trong 21 ngày. Sau 21 ngày, những người dùng chinh phục thành công thử thách sẽ nhận được phần thưởng tối thiểu là 50 USD.

Mạng xã hội Gapo cam kết tăng cường khả năng bảo mật và an toàn tài khoản cho người dùng.

Mạng xã hội Lotus có gì đặc biệt?

Mạng xã hội Lotus do Công ty Cổ phần VCCorp phát triển đang thu hút sự quan tâm từ chuyên gia và dư luận.

Lotus có định hướng và tư duy phát triển khác hoàn toàn so với các mạng xã hội khác. Theo đó, Lotus đang có mục tiêu từ 4 triệu, 20 triệu và tiến tới 60 triệu người dùng thường xuyên với mạng lưới nội dung phong phú, phù hợp với tất cả các đối tượng.

“Mỗi mốc đánh dấu những thành quả của Lotus như công nghệ đủ tốt để chịu được sự phát triển quy mô, sản phẩm đủ hay để hấp dẫn người dùng. Từ các mốc này, đơn vị phát triển Lotus cũng sẽ thấy được những nhược điểm, hạn chế để khắc phục. Cái nào hay cần làm hay hơn nữa. Cái nào không phù hợp, dở thì bỏ đi”, VOV trích lời của ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Tập đoàn VCCorp khẳng định.

Thêm vào đó, Lotus đang phát triển mô hình kiếm tiền dựa vào các tương tác, thử thách, hoạt động với những đối tượng tham gia vào mạng xã hội này.

Mạng xã hội Việt Nam Lotus rất khác biệt

Đại diện của công ty cho hay, Lotus sử dụng những thuật toán tập trung vào việc cung cấp những nội dung phù hợp với cá nhân và những người liên quan. Tất cả người dùng sẽ được kết nối với nhau xung quanh các nội dung, chủ đề họ quan tâm, với 3 cơ chế đưa thông tin đến users đó là: Dòng tin, bảng tin và thư mục hoặc kênh.

Đáng chú ý, Lotus sử dụng AI để chọn lọc và tự động thải loại các nội dung vi phạm như bán hàng giả, đa cấp, lừa đảo, tin giả hoặc khi người dùng post lên một bản đồ sai, mạng xã hội này cũng cam kết dùng thuật toán để phát hiện và xử lý kịp thời.

Phải đến tối ngày 16.9 Lotus mới chính thức phát hành bản open beta dùng thử nhưng nhiều người đã háo hức tải app và trải nghiệm thử mạng xã hội này.

Tổng Giám đốc VCCorp kỳ vọng sự phát triển về nội dung là số 1, mạng xã hội Lotus sẽ sớm tìm được chỗ đứng trong thị trường và cạnh tranh được với Facebook.

Ông Nguyễn Thế Tân phát biểu khẳng định nội dung chính là Vua: “Chúng tôi xây dựng mạng xã hội Lotus dưới góc độ nền tảng phân phối nội dung của người sử dụng tạo ra tới tay các độc giả. Lotus thu hút người dùng bằng nội dung tốt hơn, chất lượng hơn và đa dạng hơn”.

Theo nhận định của một số chuyên gia về nội dung số, VCCorp có lợi thế khá tốt trong mảng này khi là đơn vị chủ quản của nhiều trang thông tin điện tử cũng như kết nối được những nguồn thông tin chính thống với nội dung phong phú, đa lĩnh vực như báo điện tử VOV, báo điện tử VTV, Tuổi Trẻ, Lao Động, Thanh Niên, Trung ương Đoàn.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng Giám đốc của VCCCorp Nguyễn Thế Tân cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, dự án công nghệ này huy động được hơn 700 tỷ đồng từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước. Nguồn vốn dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong giai đoạn đầu khi VCCorp cam kết sẽ tiếp tục kêu gọi 500 tỷ đồng sẵn sàng mọi lực lượng, tiến bước trên con đường phát triển lâu dài.

Mạng xã hội Lotus made in Vietnam có gì đặc biệt?

Phát biểu trước buổi ra mắt của Lotus ngày 16.9, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software nhận xét: “Theo tôi, khác biệt phải dựa trên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Chúng ta là ai, thế mạnh vốn có là ở đâu, sản phẩm chúng ta đặt trong mối tương quan với đối thủ có gì vượt trội? Trước nhất, hãy hiểu bản thân doanh nghiệp của mình, sau đó tự khắc bài toán khác biệt sẽ có câu trả lời”, Nhịp sống kinh tế dẫn lời ông Tiến cho biết.

Made in Vietnam vốn được xem là chiến lược mới giúp Việt Nam hóa rồng. Những người làm công nghệ ở Việt Nam hiểu rất rõ, đây không chỉ là mục tiêu kinh doanh mà còn là để vượt qua và thay đổi định kiến tiêu dùng của người Việt. Lotus được đánh giá là một sản phẩm công nghệ made in Vietnam có đột phá về ý tưởng và hướng tiếp cận gần gũi.

Nhận xét về Lotus, Chủ tịch FPT Software khẳng định số lượng người dùng sẽ quyết định phần lớn sự thành bại đặc biệt là trong năm đầu tiên:

“Tôi hy vọng Lotus sẽ vượt qua được năm khó khăn đầu tiên với 10 triệu users”, ông nói.

Cũng chia sẻ về sản phẩm mới từ VCCorp, doanh nhân Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Bros khẳng định, Lotuss sẽ tạo ra một sân chơi mới về content, ở nơi đó content sẽ có giá trị hơn, không phải vì nó được sản xuất theo ý muốn của một nhóm bạn đọc, có thể câu view, mà vì nó là những thông tin, nội dung có ích cho xã hội.

“Mạng xã hội của người Việt, giúp nội dung do người Việt sáng tạo, được trở về đúng giá trị đích thực của nó”, Chủ tịch Le Bros chia sẻ.

Thảo luận