Trump sẽ phạm sai lầm lớn nếu trừng phạt Việt Nam

Sẽ là sai lầm nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Việt Nam là mục tiêu để áp các lệnh trừng phạt liên quan đến hành vi gian lận thương mại khi xung đột Mỹ- Trung ngày càng gay gắt.
Sputnik

Trump nhắm đến Việt Nam để trừng phạt

“Giới chuyên gia đánh giá các mục tiêu của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm vào Việt Nam khi quyết định đưa ra những lệnh trừng phạt vì lo ngại hành vi gian lận thương mại là một “chiến lược sai lầm”. Chính quy mô nền kinh tế sẽ giúp Hà Nội tránh được những đòn thuế quan khốc liệt của Mỹ”, tạp chí Financial Times bình luận.

Việt Nam trong nỗi lo sợ bị Trump trừng phạt

Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ- Trung leo thang, Việt Nam đang ngày càng bị cuốn vào loạt chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Donald Trump.

Vấn đề nằm ở thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ - trên đà cán mốc 50 tỷ USD trong năm nay. Vào tháng 6, Tổng thống Trump lên tiếng phàn nàn vì nghi ngờ Việt Nam có hành vi gian lận thương mại, “lặp lại vết xe đổ” của Trung Quốc và theo đó, chính quyền Hoa Kỳ muốn gây áp lực cho Hà Nội khi quyết áp đặt thuế quan đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu.

Việt Nam đã lên tiếng phản hồi về vấn đề này cũng giống như Trung Quốc và EU trước đó, bằng cách đưa ra cam kết tăng cường mua hàng hóa của Mỹ. Động thái thân thiện của Việt Nam cùng cam kết này một lần nữa được củng cố khi gần đây Hà Nội đã quyết định không sử dụng hạ tầng công nghệ viễn thông 5G của Huawei.

Vì sao Trump không nên trừng phạt Việt Nam?

Tuy nhiên, không giống như những nền kinh tế khổng lồ trị giá 13 - 14 nghìn tỷ USD, Việt Nam hiện vẫn chỉ là một nền kinh tế trị giá 240 tỷ USD với thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 2/5 so với Trung Quốc. Hành xử với Việt Nam theo đường lối, chính sách thương mại độc đoán mà Hoa Kỳ vẫn áp dụng với các nền kinh tế lớn, giàu tiềm lực khác là điều mà chính quyền Tổng thống Trump nên tránh.

Trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam đi theo hướng nào?

Tăng trưởng xuất khẩu trên toàn châu Á sụt giảm nghiêm năm nay trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra ngày một khốc liệt và tăng trưởng toàn cầu cũng giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một ngoại lệ.

Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, dù chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng chủ chốt như điện thoại, máy tính và thiết bị điện tử, đều ghi nhận đà tăng trưởng và xuất khẩu mạnh mẽ sang Mỹ-  đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, dù đạt được sự gia tăng ổn định về năng lực xuất khẩu trong thập kỷ qua, quốc gia này hiện vẫn chỉ chiếm chưa đến 3% hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, thấp hơn nhiều so với mức 17,5% của Trung Quốc.

Lo lắng về việc hàng hóa Trung Quốc tìm đường tuồn sang Việt Nam để tránh thuế quan là mối quan tâm chính đáng của Mỹ. Chính quyền Việt Nam cũng luôn cam kết giải quyết triệt để vấn đề này. Đây cũng là lý do khiến Hoa Kỳ quyết định áp mức thuế đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam lên tới 456% được công bố vào tháng 7 vừa qua. Washington tin rằng các mặt hàng thép đang được “chuyển qua” Việt Nam để tránh các biện pháp chống bán phá giá đối với thép của Đài Loan và Hàn Quốc. Campuchia cũng bị vạ lây khi Mỹ ra quyết định phạt một số công ty có dấu hiệu gian lận xuất xứ để tránh thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc.

FT đánh giá, quyết định trừng phạt Việt Nam vì hành vi gian lận thương mại là sai lầm. Ngoài ra, Mỹ cũng không nên quá lo lắng về thâm hụt thương mại với Việt Nam.

Thứ nhất, khả năng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc tránh được thuế quan của Mỹ thông qua Việt Nam là rất hạn chế, bởi sự khác biệt lớn về quy mô xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Mỹ giảm khoảng 12% trong năm nay, nhưng vẫn cao gấp 7 lần so với Việt Nam..

Bên cạnh đó, việc tăng xuất khẩu của Việt Nam chưa hẳn đã liên quan đến Trung Quốc, bằng chứng là cũng có sự không đồng nhất về thời điểm hàng hóa nhập khẩu phải chịu thuế và việc tăng xuất khẩu của Việt Nam. Phía Mỹ quan ngại rất nhiều về sự gia tăng mạnh trong xuất khẩu điện thoại di động của Việt Nam sang Mỹ. Song, điện thoại di động đến tận ngày 15/12 mới chịu thuế quan của Hoa Kỳ.

Chính quyền Việt Nam "chạy đua" để tránh bị Mỹ trừng phạt

Thứ hai, sự tăng vọt gần đây trong xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam cũng gặp phải vấn đề quy mô. Trung Quốc đang ngày càng tăng cường xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử sang Việt Nam, nhưng con số này vẫn lớn hơn rất nhiều so với lượng xuất khẩu tăng lên của hàng Việt Nam xuất sang Mỹ

Một điều quan trọng nữa, theo FT chính là cần phải xét đến bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển liên tục. Đất nước này là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á trong thập kỷ qua. Kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện và nguồn lao động dồi dào. Việt Nam cũng đã ký một số thỏa thuận thương mại để thúc đẩy mô hình tăng trưởng với việc kim ngạch xuất khẩu vẫn đóng vai trò chủ lực.

Việc hàng loạt nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc một phần vì chính bản thân động lực tăng trưởng nội bộ ở nước này cũng có vấn đề. Tiền lương tăng đã làm xói mòn khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc và các công ty đa quốc gia đang ngày càng xem xét bổ sung năng lực ở các nơi khác nhằm đa dạng hóa, đa phương hóa quá trình sản xuất.

Không chỉ riêng Việt Nam lo sợ đòn trừng phạt của Trump

Theo FT, Việt Nam dường như không phải là quốc gia cuối cùng Mỹ nhắm đến. Màn thuế quan mà Hoa Kỳ áp dụng với Nhật Bản trong những năm 1980 và việc sử dụng hơn 2.000 biện pháp thương mại để chống lại các hành vi gian lận thương mại trong 45 năm qua đã chỉ ra xu hướng bảo hộ mà Washington đang áp dụng.

Tổng thống Trump dường như đang tìm hướng giải quyết đối với danh sách thâm hụt thương mại song phương lớn nhất của Mỹ. Trong đó,Việt Nam hiện đang đứng vị trí thứ năm. Ấn Độ, chiếm vị trí thứ 8, mất quyền nhận hàng loạt ưu đãi đưa hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ vào tháng 6 vừa qua. Đồng thời, theo nhiều chuyên gia, Malaysia có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Thảo luận