Bộ Công an bắt khẩn cấp CEO Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện

Chiều 18.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với công an TP.HCM đang kiểm tra, khám xét trụ sở Địa ốc Alibaba và tiến hành bắt khẩn cấp CEO Nguyễn Thái Luyện.
Sputnik

Công an khám xét trụ sở Alibaba, bắt khẩn cấp CEO Nguyễn Thái Luyện

Cụ thể, chiều nay, trong khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với công an TP.HCM đã có mặt tại trụ sở Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba trên dường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, CSCĐ cũng đã ngay lập tức tiến hành phong tỏa hiện trường. Sau đó, CO3 đã tiến hành bắt khẩn cấp Giám đốc của Alibaba, Nguyễn Thái Luyện về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công an triệu tập CEO Công ty CP địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện

Theo ghi nhận của báo giới, phía ngoài trụ sở công ty có nhiều CSCĐ, công an, CSGT, bảo vệ dân phố đứng canh gác.

Khoảng tầm 15h theo nguồn tin báo Pháp luật TP.HCM cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với Công an TP.HCM tiến hành các thủ tục bắt giam em trai ông Nguyễn Thái Luyện, ông Nguyễn Thái Lĩnh, đồng thời thực hiện lệnh khám xét toàn bộ doanh nghiệp.

Trước đó, vào trưa ngày 30.8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức đã tiến hành bắt Trần Quang Khải (27 tuổi, nhân viên an ninh Công ty Alibaba) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Alibaba giở trò lập công ty mới sau khi bị phong tỏa tài khoản ngân hàng?

Theo phản ánh, Địa ốc Alibaba đã tiến hành gửi đi một số văn bản thông báo cho khách hàng về việc gia hạn lịch chi tiền và chịu thêm lãi phạt do các tài khoản ngân hàng của công ty này đã bị Bộ Công an phong tỏa.

Điều đáng chú ý chính là các văn bản gửi từ Tập đoàn Địa ốc Alibaba do ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch kiêm CEO của công ty ký. Tuy nhiên, văn bản lại đóng dấu treo của pháp nhân Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Địa ốc Alibaba.

Địa ốc Alibaba đang giở chiêu trò gì?

Theo phản ánh của khách hàng mua sản phẩm thuộc các dự án “ma” mà Ali Venice City (đã bị chính quyền tỉnh Bình Thuận nhiều lần cảnh báo), trên phiếu thu lại hiện rõ, Công ty Cổ phần và thương mại dịch vụ Địa ốc Alibaba là pháp nhân đứng tên thu điền nhưng con dấu khẳng định “đã thu tiền” lại thuộc về Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba.

Qua kiểm tra dữ liệu của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Địa ốc Alibaba mới vừa được thành lập ngày 2.8.2019.

Theo đó, doanh nghiệp này đăng ký 53 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề kinh doanh chủ đạo là “bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.

Công ty này đăng ký ở số 35, đường 27, khu phố 9, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Đại diện pháp luật của doanh nghiệp là bà Đào Thị Thanh Lợi, sinh năm 1994, hiện ở tại 120 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Đây cũng chính là trụ sở của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba. Cũng theo hồ sơ được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bà Đào Thị Thanh Lợi là tổng giám đốc công ty mới thành lập này.

Liên quan đến phản ánh của dư luận và báo chí suốt thời gian qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc, điều tra, xác minh làm rõ những vấn đề liên quan và có nhiều biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm của Địa ốc Alibaba.

Alibaba và những dự án ma

Rất nhiều khách hàng đã lên tiếng nghi ngờ mình “bị lừa” sau hàng loạt dự án ma của Địa ốc Alibaba tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận.

Bộ Công an vào cuộc điều tra khuất tất vụ địa ốc Alibaba gây náo loạn
Rộng khắp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, Tập đoàn địa ốc Alibaba đã rao bán đất của 29 dự án. Trong đó, huyện Long Thành có 27 dự án gồm 21 dự án ở xã Long Phước. Ngoài ra, ở các xã Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước, mỗi xã có 1 dự án.

Điều đáng nói là với 29 dự án trên, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng như UBND các xã không hề ban hành bất cứ quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận các địa điểm, chủ trương đầu tư, giao đất hay cho thuê mặt bằng để Alibaba thuê, triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn.

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định những dự án mà địa ốc Alibaba rao bán trên địa bàn không được cấp phép, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), ông Võ Tấn Đức khẳng định chính quyền đã chỉ đạo cưỡng chế các công trình do Địa ốc Alibaba xây dựng trái phép. Công việc cưỡng chế được tiến hành hôm 10.9, tuy nhiên đại diện Alibaba đã tự động tháo gỡ các công trình sai phạm.

Công an tỉnh Đồng Nai cho hay cơ quan điều tra đã tổng hợp được danh sách 600 khách hàng của tỉnh đã mua sản phẩm đất nền ở những dự án khu dân cư, khu đô thị của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.

“Cơ quan chức năng xác định toàn bộ các diện tích đất trên có phần rất nhỏ là đất ở nông thôn, còn lại đều có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất; hiện trạng các địa điểm trên là đất trống, không có cơ sở hạ tầng. Riêng 3 vị trí ở xã Long Phước được UBND huyện Long Thành chấp thuận việc thi công đấu nối hạ tầng nhưng chưa nghiệm thu và bàn giao cho địa phương quản lý, chưa lập thủ tục thu hồi diện tích làm đường đi và chưa đủ điều kiện tách thửa theo quy định. Toàn bộ các diện tích đất trên đều đứng tên ông Nguyễn Thái Lĩnh và các cá nhân khác, không phải Địa ốc Alibaba”, báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định.

Về hoạt động của Công ty Cổ phần Alibaba ở tỉnh Bình Thuận, ngày 14/8, Công an tỉnh này đã có văn bản liên quan đến trách nhiệm xử lý một số dự án bất động sản ma liên quan đến Địa ốc Alibaba trên địa bàn tỉnh này.

Văn bản của Công an tỉnh Bình Thuận cho biết: “Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận các cơ quan chức năng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến chủ trương chấp thuận đầu tư, xây dựng dự án của Công ty CP Địa ốc Alibaba, trụ sở số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Do đó, việc Công ty CP Địa ốc Alibaba rao trên mạng phân lô, bán nền “dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City” tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận là không đúng thực tế và không đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, nhà ở”.

CEO Alibaba bị phạt 7,5 triệu

Tuy nhiên, ngoài các dự án ma ở xã Thắng Hải, Địa ốc Alibaba còn tiếp tục mở bán loạt dự án với tên gọi Ali Venice City ở xã Tân Phúc, Hàm Tân, Bình Thuận. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã này phủ nhận không hề có tên dự án nào như thế được xã chấp thuận đầu tư, đồng thời gắn bảng cảnh báo.

Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Thái Luyện (góp vốn 80%), hai cổ đông là ông Nguyễn Thái Lĩnh và ông Nguyễn Thái Lực. Cả ba đều là anh em ruột.

Địa ốc Alibaba được thành lập ngày 6-5-2016, ngành nghề kinh doanh chính là môi giới, kinh doanh bất động sản.

Thảo luận