Việt Nam khó vượt qua được Trung Quốc

Việt Nam đang trở thành nạn nhân sau sự thành công của chính mình nhờ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, theo Bloomberg nhận định. Vì sao Việt Nam khó thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng số 1 của thế giới?
Sputnik

Thách thức của Việt Nam khi đón làn sóng đầu tư từ Trung Quốc

Việt Nam đang gặp khó khăn trong cuộc chiến thương mại, ngay cả khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư vào thị trường này, qua đó mang chiến thắng cho đất nước hình chữ S.

Động cơ tăng trưởng của Đông Nam Á là tầng lớp trung lưu trẻ và đang phát triển, một loạt các hiệp định thương mại tự do cùng với một ngành công nghiệp sản xuất đang bùng nổ. Các doanh nghiệp từ Alphabet, Google đến Crate & Barrel Holdings đang xếp hàng để đầu tư vào Việt Nam khi các chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc, vốn đã đóng vai trò là công xưởng của thế giới trong suốt hai thập kỷ.

Việt Nam không đi với nước nọ để chống nước kia

Theo Bloomberg, Việt Nam đang bắt đầu nhận thấy kỳ vọng vượt xa thực tế. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp phàn nàn về các bến cảng và đường xá bị tắc nghẽn, chi phí cho đất đai và nguồn lao động tăng vọt, đồng thời các chế tài, quy định không được nới lỏng kịp thời cũng là loạt rào cản mới với giới đầu tư. Tập đoàn Tapestry, chủ sở hữu của các thương hiệu Coach và Kate Spade, đã than phiền về việc đầu tư cơ sở hạ tầng không đủ khiến cho một số container bị mắc kẹt ngoài biển. Công ty Eclat Textile, nhà cung cấp cho Nike, cho biết họ cần đa dạng hóa đầu tư ngoài Việt Nam và xem xét đến cả những địa điểm rẻ hơn nhằm tiết kiệm chi phí.

“Nếu không thể bắt kịp tiến độ trong việc thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng, Việt Nam có nguy cơ sẽ mất đi lợi thế hiện tại, những lợi thế vốn đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư hay khách hàng từ nhà cung cấp đồ chơi Bain & Co kể từ năm 2015”,  ông Gerry Mattios, Phó chủ tịch của Bain chi nhánh tại Singapore nói.

“Khi chi phí bỏ ra lớn hơn lợi ích thu được, các nhà sản xuất có thể sẽ tìm đến Sri Lanka hoặc Campuchia”, ông nói.

Hiện tại, dòng tiền đổ vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân tăng 6,3% lên 12 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu của Chính phủ, với số lượng dự án đăng ký mới tăng 25% lên 2.406 dự án.

Sau đây là những gì đang cản trở Việt Nam trên con đường nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại được Bloomberg phân tích.

Hạ tầng cảng biển yếu kém

Cơ sở hạ tầng là thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là tại các bến cảng. Theo số liệu của Bloomberg Intelligence (BI), Trung Quốc chiếm 6 trong số 10 cảng hàng đầu về lưu lượng container trên thế giới - bao gồm Thượng Hải ở vị trí số 1. Trong khi đó, hai cảng lớn nhất của Việt Nam là cảng Hồ Chí Minh và Cái Mép lần lượt xếp thứ 25 và 50.

Việt Nam chỉ chia sẻ 2,5% lưu lượng container toàn cầu trong năm 2017 so với 40% của Trung Quốc. Năng lực vận chuyển container sẽ cần tăng trưởng gần gấp đôi tốc độ 10% -12% của thập kỷ trước, cũng như tăng gấp đôi trong các hoạt động giao nhận và vận chuyển hàng hóa của bên thứ ba để theo kịp nhu cầu mới, theo nghiên cứu của BI.

Giới phân tích nói gì?

“Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tweet rằng việc Việt Nam trở thành ứng cử viên cho sự chuyển đổi sản xuất từ ​​Trung Quốc, sẽ cần cả một quá trình dài. Việt Nam thiếu cơ sở hạ tầng hàng hải, cảng container lớn và mạng lướivận chuyển cần thiết để tăng trưởng năng lực xuất khẩu nhanh chóng. Việt Nam khó có thể bắt kịp với bộ máy thương mại đã bắt rễ sâu ở Trung Quốc trong vòng vài năm tới”, Lee Klaskow, chuyên gia phân tích cấp cao tại Bloomberg Intelligence nhận định thẳng thắn.

Chính phủ ước tính sẽ tốn khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,44 - 4,31 tỷ USD) để phát triển các bến cảng chủ lực của mình. Tuy nhiên, các giao dịch lớn - xung quanh việc xây dựng cảng mới hoặc cải tạo cảng cũ - vẫn chưa có kết quả.

Mỹ và Trung Quốc tăng thuế trong chiến tranh thương mại
Sự tắc nghẽn tại các cảng thường sẽ khiến chi phí tồn kho tăng và dây chuyền sản xuất ít đa dạng hơn, vốn rất hạn chế với hàng hóa không nhạy cảm với thời gian, theo BI.

Vậy điều gì sẽ giúp ích cho Việt Nam? Theo Bloomberg, Hà Nội cần đầu tư thêm cho kho bãi, cảng biển, nhà ga, đường sắt, và kho container nội địa. BI cũng đề xuất thành lập một công ty vận tải container quốc gia hoặc bán quốc gia để hỗ trợ thương mại xuyên biên giới với quy mô lớn.

Nhu cầu chắc chắn đang tăng lên. Theo trang web của Cục Hàng hải Việt Nam, hơn 530 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua cảng biển Việt Nam, tăng 20% ​​so với một năm trước đó. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu được xử lý tăng 15% lên tới 142,8 triệu tấn. Và 18,1 triệu TEU container đã được vận chuyển vào năm ngoái, tăng 26% so với năm trước.

“Với tình hình hiện tại, Việt Nam chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu của làn sóng di cư, chuyển dịch sản xuất của các công ty”, ông Tsai Wen Jui, Chủ tịch Công ty sản xuất yên xe đạp có trụ sở tại Đài Loan, cho biết trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng ở Bình Dương.

“Ngay cả khi chỉ 5% các công ty Đài Loan tại Trung Quốc chuyển đến Việt Nam, cơ sở hạ tầng sẽ bị quá tải”, ông nói.

DDK Group đã liên doanh với Becamex IDC do Warburg Pincus hậu thuẫn để quản lý một khu vực rộng 200 mẫu của khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, chỉ dành cho các công ty Đài Loan. Trong khi Tsai nói rằng ông ấy hài lòng với chất lượng của những con đường bên trong khu công nghiệp, ông vẫn than phiền về việc thiếu đường cao tốc để đối phó với tình trang giao thông tắc nghẽn.

Giá bất động sản tăng cao

“Giá đất đai cũng là một hạn chế. Chi phí đất đai trong khu công nghiệp Bàu Bàng đã tăng gấp đôi lên 80 USD/ m2 so với 3 năm trước. Giá tại một số khu vực, công viên ở tỉnh Bình Dương cũng tăng lên 150 USD/ m2 từ mức 65 USD năm 2016”, Tsai bổ sung thêm.

Đặc biệt, không chỉ có Bình Dương mới trong cơn sốt đất. Giá cho thuê bất động sản công nghiệp tăng gấp đôi so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2019 đối với một số tỉnh khác của Việt Nam.

Trung Quốc không muốn leo thang chiến tranh thương mại với Mỹ và sẵn sàng đối thoại

Cụ thể, giới chuyên gia ghi nhận, mức tăng là 54,6% ở Bình Dương và 31,1% tại Tây Ninh, phía tây bắc thành phố Hồ Chí Minh. Ở tỉnh Hải Dương, phía đông Hà Nội, giá đất cũng đã tăng 29,4%, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới Savills Plc. Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy tỷ lệ chiếm dụng đất đai tại các khu vực này cũng tăng vọt, dẫn đầu là tỉnh Tây Ninh với mức tăng lên đến 63,6%.

Chi phí nhà ở và sinh hoạt đang tăng chóng mặt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại thủ đô Hà Nội ghi nhận mức tăng 20%  chi phí mua nhà chung cư trong quý II so với cùng kỳ năm trước. Còn ở TP.HCM cũng báo động mức tăng 4% trên thị trường sơ cấp so với cùng kỳ.

Thủ tục quy định rườm rà, quan liêu

Theo Bloomberg, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong bảng xếp hạng mức độ điều kiện kinh doanh thuận lợi của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới.

Việt Nam vốn nổi tiếng là đất nước thân thiện, Chính phủ tạo điều kiện ưu tiên nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ các thủ tục hành chính, cải cách đầu tư, quá trình tư nhân hóa các công ty nhà nước cũng như đảm bảo chính sách thương mại tự do cho giới đầu tư.

Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp phản ánh rằng vẫn còn hiện tượng làm khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp hay tồn tại các vấn đề liên quan đến tham nhũng, đồng thời thể thức làm việc quan lieu cũng gây khó khăn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam đạt 33 điểm theo thang điểm từ 0 đến 100 (với 0 điểm biểu thị mức tham nhũng rất cao, còn 100 là hoàn toàn trong sạch theo thang chỉ số tham nhũng hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2018).

Lực lượng lao động

Theo Bloomberg, so với nhiều quốc gia, lực lượng lao động là một thế mạnh tích cực của Việt Nam. Theo số liệu từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15 đến 64 tuổi) ở đây luôn duy trì ở mức cao hơn so với tỷ lệ trung bình trên toàn châu Á cũng như toàn thế giới đến năm 2025.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động của mình với những chính sách chú trọng đầu tư từ ngay trong trường học đến các sàn nhà máy sản xuất.

Tác động cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với kinh tế toàn cầu ngày càng sâu sắc

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Huang Yung Cheng, Chủ tịch Hội đồng Phòng Thương mại Đài Loan tại tỉnh Bắc Ninh phát biểu cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, một vấn đề khó khăn hiện hữu với Việt Nam chính là làm sao để cung cấp nguồn lao động có trình độ cao cho các công ty công nghệ. Thêm vào đó, tham nhũng vẫn là nỗi e ngại đối với các doanh nghiệp tại đây”.

Các công ty Đài Loan cho biết họ cần thêm 20% đến 30% công nhân để đáp ứng mục tiêu sản xuất theo biên bản cuộc họp ngày 21/8 giữa đại diện công ty này và lãnh đạo tỉnh Bình Dương được đăng lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Cuộc chiến giành lấy tài năng, nguồn lao động có chất lượng cao đồng nghĩa với chi phí nhân công cũng sẽ bị kéo cao hơn. Thêm vào đó, tiền lương cho các ứng cử viên có trình độ tiếng Trung cũng tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước tại Bình Dương.

“Khái quát mà nói, mức lương tối thiểu của Việt Nam năm 2018 ở mức 180 USD/tháng rẻ hơn nhiều so với ở Thái Lan (274 USD) và mức chi phí nhân công này hiện đang tạo thế cạnh tranh với Campuchia (170 USD)”, theo Suan Teck Kin và Manop Udomkerdmongkol, chuyên viên phân tích tại United Overseas Bank. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu Campuchia đã tăng lên 182 USD vào đầu năm 2019 đồng thời theo nhiều dự đoán, chi phí nhân công ở đây sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

“Việt Nam gần như không thể vượt qua Trung Quốc  về lực lượng nhân công, người tiêu dùng hoặc cơ sở hạ tầng”, Sean King, Phó chủ tịch cấp cao của Park Strategies LLC tuyên bố với Bloomberg trong email.

“Hơn nữa, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 25% -30% so với tỷ lệ PRC đưa ra. Nói tóm lại, hiện vẫn chỉ có Trung Quốc hội tụ đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu là công xưởng số 1 của thế giới”, vị Phó Chủ tịch tuyên bố.

Thảo luận