‘Ăn’ cả đất nghĩa địa, Nguyễn Thái Luyện và Alibaba coi thường pháp luật thế nào?

Sau khi khám xét trụ sở Địa ốc Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, Bộ Công an đã bắt khẩn cấp và áp giải CEO Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện cùng em trai về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Sputnik

Chân dung trùm lừa đảo – Chủ tịch Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện

Nguyễn Thái Luyện sinh năm 1985, nguyên quán ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, hiện tạm trú tại phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Nguyễn Thái Luyện hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, có trụ sở đăng ký kinh doanh ở 120 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Bộ Công an bắt khẩn cấp CEO Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện

Nguyễn Thái Luyện vốn chỉ là nhân viên môi giới nhà đất, bất động sản trên địa bàn vùng ven Sài Gòn sau khi tốt nghiệp Đại học Mở TP.HCM.

Đến năm 2016, lấy phương châm “Giúp khách hàng giàu lên cùng bất động sản”,  Nguyễn Thái Luyện chính thức bắt tay thành lập Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba.

Theo thông tin từ chính trang chủ của Công ty: “Tập đoàn Địa ốc Alibaba thành lập ngày 5/5/2016 với nhân sự ban đầu là 4 người và vốn điều lệ khoảng 100 triệu đồng. Ban đầu nơi làm việc của Địa ốc Alibaba chỉ là những quán cà phê vỉa hè. Khi nhân sự phát triển lên con số vài chục người mới có văn phòng làm việc chính thức ở số 321 Điện Biên Phủ, Quận Bình Thạnh, TP.HCM”. Về sau lại dời về đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức.

Bắt đầu kinh doanh, Luyện lôi kéo cả người thân cùng tham gia. Nguyễn Thái Lĩnh, em trai của Luyện cũng được bổ nhiệm làm Giám đốc công ty Alibaba. Theo đó, ‘tập đoàn’ này có hẳn 20 công ty con.

Địa ốc Alibaba có 3 cổ đông chính là Nguyễn Thái Luyện chiếm 80% vốn điều lệ, là Chủ tịch HĐQT kiểm CEO Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, Nguyễn Thái Lĩnh- Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, đóng góp 10% vốn điều lệ và bà Võ Thị Thanh Mai góp 10% vốn điều lệ.

Tại thời điểm mới thành lập, Alibaba chỉ có vốn điều lệ khoảng 1 tỷ đồng. Đến tháng 12/2016, tổng vốn điều lệ của Địa ốc Alibaba đã tăng lên 20 tỷ. Chỉ sau đó vài tháng (9/2017) doanh nghiệp này tuyên bố thay đổi vốn điều lệ thành 1.600 tỷ đồng.

Truyền thông Việt Nam nhiều lần phản ánh và các cơ quan điều tra, công an các tỉnh thành cũng xác định hình thức hoạt động, phương thức kinh doanh của Nguyễn Thái Luyện và tập đoàn Địa ốc Alibaba không hề giống các công ty môi giới đất nền bình thường. Theo đó, Nguyễn Thái Luyện đã dùng đủ chiêu thức tinh vi, lập hàng loạt dự án ma, quảng cáo rầm rộ trên nhiều trang mạng xã hội để thu hút và lừa đảo nhiều khách hàng.

Đặc biệt, Chủ tịch Địa ốc Alibaba còn chủ trương phát triển công ty theo hình thức “bán hàng đa cấp”. Theo đó, Luyện kêu gọi chính đội ngũ nhân viên cũng tham gia vào đường dây bằng cách “đóng góp cổ phần”. Điều này lý giải tại sao khi chính quyền tiến hành cưỡng chế tại các dự án ma, bị cơ quan pháp luật điều tra, đội ngũ nhân viên của Alibaba vẫn kiên quyết bảo vệ doanh nghiệp vì chính họ cũng có quyền lợi trong đó.

Cùng điểm lại hàng loạt dự án ma của Địa ốc Alibaba được rao bán rầm rộ ở nhiều tỉnh thành gây bức xúc dư luận và thách thức các cấp chính quyền thời gian qua.

Alibaba và loạt dự án ma ở Bình Thuận

Hàng loạt khách hàng đã được Alibaba giới thiệu tham quan khu đất thuộc dự án “Alibaba Newtimes City Thắng Hải” và “Alibaba Venice City” với những hình ảnh tráng lệ về khu đô thị mới tại xã Thắng Hải, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận.

Thông qua các kênh quảng cáo, Alibaba rao bán dự án này với diện tích cực lớn lên đến hàng chục héc-ta, chia thành hàng ngàn khu đất nền có hẳn sổ đỏ (sổ hồng) khẳng định quyền chủ sở hữu.

Địa ốc Alibaba đang giở chiêu trò gì?

Tuy nhiên, phát biểu về những dự án ma này, UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định chưa hề nhận bất cứ văn bản nào chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép Địa ốc Alibaba xây dựng dự án. Toàn bộ những gì công ty tung ra, rao bán phân lô đất nền đều không đúng thực tế.

Lãnh đạo UBND huyện Hàm Tân khẳng định, tất cả những dự án mà công ty này giới thiệu chỉ là khu đất nông nghiệp, chưa hề có thủ tục nào đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng cũng như phê duyệt quy hoạch khác. Theo phản ánh trên báo Tuổi Trẻ, những khu đất mà công ty rao bán, đều là các dự án đất trồng cây keo, không có người ở, chưa tác động gì đến việc san lấp mặt bằng.

Sau khi xuất hiện các quảng cáo rao bán trên mạng, cơ quan chức năng ở địa phương đã tổ chức tuyên truyền cảnh báo đến người dân. Theo công an tỉnh Bình Thuận, các khu đất “vẽ” này đều do ông Nguyễn Thái Lĩnh, giám đốc Alibaba, nhận chuyển nhượng lại của các hộ dân.

Ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, khẳng định những quảng cáo rao bán này là lừa đảo, đồng thời tuyên bố sẽ xử lý theo quy định của Luật xây dựng nếu có việc đổ đất, san nền.

“Qua kiểm tra, chúng tôi được biết hiện họ mới gom đất của dân rồi tự vẽ bản đồ trên giấy, phân lô bán nền ảo”, ông Thắng thông tin.

Trong khi đó, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận Hồ Lâm cũng khẳng định đến nay chưa có bất kỳ hồ sơ pháp lý nào liên quan đến công ty này về các dự án bất động sản, chuyển mục đích sử dụng đất, các lĩnh vực tài nguyên. Hiện địa phương đã treo biển cảnh báo cho người dân cảnh giác, không bị mắc lừa việc mua bán đất nền.

Về hoạt động của Công ty Cổ phần Alibaba ở tỉnh Bình Thuận, ngày 14/8, Công an tỉnh này đã có văn bản liên quan đến trách nhiệm xử lý một số dự án bất động sản ma liên quan đến Địa ốc Alibaba trên địa bàn tỉnh này.

Văn bản của Công an tỉnh Bình Thuận cho biết: “Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận các cơ quan chức năng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến chủ trương chấp thuận đầu tư, xây dựng dự án của Công ty CP Địa ốc Alibaba, trụ sở số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Do đó, việc Công ty CP Địa ốc Alibaba rao trên mạng phân lô, bán nền “dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City” tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận là không đúng thực tế và không đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, nhà ở”.

Đến đất nghĩa địa Alibaba cũng không tha

Đối với loạt dự án ma của Địa ốc Alibaba ở Bà Rịa- Vũng Tàu, ngày 15.9.2017, UBND tỉnh này đã ban hành quyết định số 23 qua đó nêu rõ chi tiết về quy định tách thửa cũng như quy định về đất nông nghiệp tối thiểu để tách thửa là 500m2. Dựa trên quy định này, nhiều người dân đã đua nhau xin tách thửa với gần 16 ngàn hồ sơ tính đến thời điểm tháng 7 năm 2019.

Bộ Công an vào cuộc điều tra khuất tất vụ địa ốc Alibaba gây náo loạn

Điều đáng nói là quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng tạo kẽ hở để việc phân lô đất nông nghiệp dễ dàng phục vụ mục đích thương mại hơn. Nhiều cá nhân đã đứng tên tách thửa đất ở thị xã Phú Mỹ và được Alibaba “phân phối” rộng rãi trên các kênh bán hàng thời gian qua.

Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xác minh, Địa ốc Alibaba có phân phối 8 dự án đất nền tại thị xã Phú Mỹ. Theo đó, tất cả những dự án này đều chưa được cơ quan chức năng cấp phép đầu tư, công ty này cũng không cung cấp được đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án.

Cơ quan chức năng tỉnh đã kiểm tra rà soát, đối chiếu giữa thông tin mà bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh cung cấp, thông tin trên website công ty và trên các mạng xã hội cũng như đối chiếu với thông tin do cán bộ địa chính cung cấp đã xác định 8 dự án được Alibaba phân phối.

Đáng chú ý là dự án Alibaba Tân Thành Center City 1 tại xã Châu Pha do ông Nguyễn Ngọc Sự (trú tại Hà Nội đứng tên) với diện tích 134.996m2. Ngoài ra còn có dự án Alibaba Tân Thành Center City 5 (thuộc thửa 93,94,95 tờ bản đồ số 10 khu vực ấp 3, xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) đã hoàn thiện mặt bằng, thi công 50% cơ sở hạ tầng) do ông Nguyễn Thái Lực đứng tên. Những dự án này đều đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế vì hành vi sử dụng đất sai mục đích trong tháng 6 và tháng 7.2019.

Được biết, theo quy hoạch sử dụng đất, trong 8 dự án do Alibaba phân phối, có những dự án được quy hoạch làm đất nghĩa địa, đường cao tốc và khu công nghiệp, trồng cây lâu năm. Những dự án ma có một phần hay cả khu có quy hoạch sử dụng là đất ở, nhưng các cá nhân chủ sở hữu đất đều chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng.

“Tất cả những trường hợp tách thửa, phân lô đất nông nghiệp và làm hạ tầng trên đó, dù khu đất đó có quy hoạch sử dụng đất là "đất ở nông thôn" nhưng chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều là sai mục đích. Điều kiện bắt buộc là cá nhân, tổ chức phải chuyển mục đích sử dụng đất”, một cán bộ Phfong Tài nguyên và Môi trường thị xã Phú Mỹ cho biết.

Ngoài ra, vị cán bộ thị xã Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng cho biết, đối với những dự án ma này, trước nhất, người mua phải chịu thiệt.

“Nếu sang nhượng với giá 3 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp, khi bị Nhà nước thu hồi, đền bù chắc chắn chủ đất sẽ bị thiệt hại vì tiền bồi thường, đền bù thấp hơn nhiều. Chính sách đền bù, giải tỏa hiện nay áp dụng phương pháp "khảo sát giá độc lập theo thị trường". Nhưng giá đất thị trường chắc chắn không bằng giá đất do Alibaba rao bán. Cụ thể, khu đất nông nghiệp thuộc "dự án" do Alibaba rao bán ở xã Tóc Tiên là đất nông nghiệp thuần, không có đường vào nên giá thị trường không đến 1 triệu đồng/m2”, Tuổi trẻ cho hay.

Alibaba khiến chính quyền tỉnh Đồng Nai đau đầu

Rộng khắp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, Tập đoàn địa ốc Alibaba đã rao bán đất của 29 dự án. Trong đó, huyện Long Thành có 27 dự án gồm 21 dự án ở xã Long Phước. Ngoài ra, ở các xã Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước, mỗi xã có 1 dự án.

Điều đáng nói là với 29 dự án trên, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng như UBND các xã không hề ban hành bất cứ quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận các địa điểm, chủ trương đầu tư, giao đất hay cho thuê mặt bằng để Alibaba thuê, triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn.

CEO Alibaba bị phạt 7,5 triệu

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định những dự án mà địa ốc Alibaba rao bán trên địa bàn không được cấp phép, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Phát biểu về vấn đề này, ông Đặng Minh Đức- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Toàn bộ các khu đất mà Alibaba rao bán đều là dự án "ma" bởi do các hộ gia đình, cá nhân đứng tên sử dụng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, trong đó chỉ có một số thửa có một phần nhỏ diện tích là đất ở”.

Ông Nguyễn Thái Lĩnh- Giám đốc đại diện theo pháp luật của Alibaba đứng tên khu đất dự án Alibaba Long Phước 6 với diện tích là 6,9ha được rao bán rộng rãi trên mạng với cam kết cung cấp sổ đỏ thổ cư từng nền.

Trước khi đồng ý chuyển nhượng đất cho ông Lĩnh, một chủ đất dựa vào chính sách xin hiến đất làm đường để tách thửa. Khi chủ đất vẫn chưa thi công xong hạ tầng, chưa nghiệm thu thì đã chuyển nhượng đất cho ông Lĩnh. Khu đất này sau đó được Alibaba rao bán trên mạng, mở bản đồ phân lô trên giấy, đưa khách đến tham quan, ký kết hợp đồng mua bán, nhận đặt cọc.

Trong khi đó ở xã Long Phước, Alibaba cũng rao bán nhiều dự án như Long Phước 5, 11, 7 với hàng trăm khu đất nền và cam kết sổ đỏ thổ cư từng nền, hầu hết do ông Nguyễn Thái Lĩnh đứng tên.

Tuy nhiên, ông Dương Bình, một cán bộ địa chính của xã Long Phước khẳng định, không có dự án nào ở xã như Alibaba rao bán trên mạng, các vị trí đất rao bán là của cá nhân.

“Đây là những dự án tự vẽ ra trên giấy, không có cơ quan nào cấp phép”, ông Bình phát biểu đồng thời khẳng định mỗi lần Alibaba tổ chức cho khách hàng tham quan khu đất, chính quyền địa phương đều phải cử người theo, phát loa cảnh báo để người dân biết các khu đất rao bán là không đúng sự thật.

Lãnh đạo địa phương đồng thời cũng cho cắm biển cảnh báo các khu đất phân lô bán nền không đúng quy định để người dân tăng cường cảnh giá đồng thời cũng lên phương án cưỡng chế một điểm xây dựng không phéo gắn biển địa ốc Alibaba.

Bộ Công an vào cuộc điều tra khuất tất vụ địa ốc Alibaba gây náo loạn

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), ông Võ Tấn Đức khẳng định chính quyền đã chỉ đạo cưỡng chế các công trình do Địa ốc Alibaba xây dựng trái phép. Công việc cưỡng chế được tiến hành hôm 10.9, tuy nhiên đại diện Alibaba đã tự động tháo gỡ các công trình sai phạm.

Công an tỉnh Đồng Nai cho hay cơ quan điều tra đã tổng hợp được danh sách 600 khách hàng của tỉnh đã mua sản phẩm đất nền ở những dự án khu dân cư, khu đô thị của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.

“Cơ quan chức năng xác định toàn bộ các diện tích đất trên có phần rất nhỏ là đất ở nông thôn, còn lại đều có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất; hiện trạng các địa điểm trên là đất trống, không có cơ sở hạ tầng. Riêng 3 vị trí ở xã Long Phước được UBND huyện Long Thành chấp thuận việc thi công đấu nối hạ tầng nhưng chưa nghiệm thu và bàn giao cho địa phương quản lý, chưa lập thủ tục thu hồi diện tích làm đường đi và chưa đủ điều kiện tách thửa theo quy định. Toàn bộ các diện tích đất trên đều đứng tên ông Nguyễn Thái Lĩnh và các cá nhân khác, không phải Địa ốc Alibaba”, báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định.

Thảo luận