Nối gót bà Mỹ Thanh, ông Hồ Văn Năm cũng bị cho thôi làm ĐBQH

Sau trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Hồ Văn Năm cũng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội. Ông Bùi Xuân Thống sẽ phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Sputnik

UBTVQH cho ông Hồ Văn Năm thôi chức Đại biểu

Tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề trong đó chú trọng công tác nhân sự.

Ban Bí thư kỷ luật Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh và ông Hồ Văn Năm

Căn cứ vào tờ trình của Ban Công tác đại biểu và kết quả biểu quyết của Thường vụ Quốc hội, sáng 18.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất và quyết định cho ông Hồ Văn Năm (nguyên là Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) thôi đảm trách nhiệm vụ của một ĐBQH.

Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội khẳng định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội Cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội Khóa XIV đối với ông Hồ Văn Năm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, do đã bị thi hành kỷ luật về Đảng và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ Đại biểu vì lý do sức khỏe, kể từ ngày 18/9/2019”.

Sai phạm nghiêm trọng của ông Hồ Văn Năm

Trước đó ngày 10/9, sau khi xem xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật ông Hồ Văn Năm bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020 và Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai.

Sau khi xem xét Tờ trình của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kết luận ông Hồ Văn Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thực hiện không đúng nhiệm vụ can thiệp trái quy định vào việc xử lý một số vụ án, vụ việc, vi phạm quy chế, vi phạm Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị.

Ông Hồ Văn Năm và 'vết xe đổ' của người tiền nhiệm

Cụ thể, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Đồng Nai, ông chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của VKSND tỉnh Đồng Nai trong chỉ đạo, xử lý nhiều vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật, UBKTTW xác định.

Ngoài ra, theo Tờ trình của Ủy ban Kiểm tra Trung Ương, ông Hồ Văn Năm, trên cương vị Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản không đúng quy định của pháp luật, Ban Bí Thư xác định đây là biểu hiện can thiệp vào hoạt động của cơ quan chức năng giải quyết các vụ án hình sự.

Ban Bí Thư đánh giá, vi phạm, khuyết điểm của ông Hồ Văn Năm là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của các cơ quan tiến hành tố tụng, của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và cá nhân ông, cần phải thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng.

Được biết, cuối tháng 8 sau thời điểm bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về các vi phạm và đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật, ông Hồ Văn Năm đã chủ động có đơn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội Khóa XIV do sức khỏe không đảm bảo.

Phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai là ông Bùi Xuân Thống

Cũng trong phiên họp thứ 37, căn cứ vào Công văn số 7488 ngày 12/9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất giao ông Bùi Xuân Thống, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho đến khi kiện toàn nhân sự Trưởng đoàn mới.

Công an Đồng Nai lên tiếng về sai phạm của cảnh sát vụ ‘Giang 36’

Trước đó, ngày 11.9 phát biểu về việc ông Hồ Văn Năm có khả năng bị miễn nhiệm chức Trưởng đoàn và cho thôi nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban công tác Đại biểu Trần Văn Túy khẳng định Thường vụ Quốc hội sẽ không xem xét đơn xin thôi làm Đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe của ông Hồ Văn Năm mà sẽ làm theo quy trình đối với đại biểu đã bị kỷ luật:

“Sau khi làm quy trình miễn nhiệm chức vụ và cho thôi nhiệm vụ đại biểu, Thường vụ phải xin ý kiến của Ban Bí thư, cơ quan này ra thông báo đồng ý thì Thường vụ mới ra nghị quyết”, VnExpress dẫn lời ông Túy nói.

Những ai đã bị cho thôi tư cách ĐBQH?

Đáng chú ý, đây là Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thứ hai bị miễn nhiệm chức vụ. Trước đó, vụ việc của người tiền nhiệm, bà Phan Thị Mỹ Thanh, cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, bà Thanh bị cho thôi làm đại biểu sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bí thư xác định có “vi phạm nghiêm trọng” và có đơn xin nghỉ.

Tính từ đầu nhiệm kỳ năm 2016, Quốc hội Việt Nam khóa 14 có tất cả 496 đại biểu. Sau 3 năm đến thời điểm tháng 9.2019 đã có 12 người bị bãi nhiệm hoặc cho thôi nhiệm vụ ĐBQH. Những cái tên nổi bật đã bị kỷ luật là ông Đinh La Thăng, ông Võ Kim Cự, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Lê Đình Nhường, ông Hồ Văn Năm, ông Nguyễn Quốc Khánh…

Thảo luận