‘Án tử’ vụ VN Pharma: Quan lớn ngành Dược, Bộ Y tế liên quan thế nào?

Ngày mai TAND TP. HCM sẽ xét xử sơ thẩm lần hai vụ án VN Pharma buôn bán thuốc chống ung thư giả. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Nhiều cán bộ, lãnh đạo của Bộ Y tế cũng liên quan.
Sputnik

VN Pharma: Xử sơ thẩm lần hai, Nguyễn Minh Hùng có thể bị tử hình?

Dự kiến, sáng mai, 24.9, Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm lần hai vụ án mua bán thuốc chống ung thư giả diễn ra tại Công ty cổ phần VN Pharma (gọi tắt là VN Pharm). Các bị cáo liên quan vụ án bao gồm: Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1978, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Võ Mạnh Cường (sinh năm 1978, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C) cùng 10 đồng phạm khác bị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” quy định tại Điều 157- Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 20 năm tù hoặc tù chung thân, thậm chí là mức án cao nhất - tử hình.

Được biết, HĐXX đã triệu tập gần 200 người gồm có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, thành viên Hội đồng Giám định Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế…

Bộ trưởng Bộ Y tế lên tiếng vụ VN Pharma
Đáng chú ý, trong những người bị triệu tập có ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược), bà Tăng Thị Diệu Linh (cán bộ Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 - Công Pharbaco) và ông Trương Quốc Cường (hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế và thời điểm xảy xa vụ án ông Cường là Cục trưởng Cục Quản lý Dược).

Cơ quan điều tra xác định, sau khi lô thuốc chống ung thư giả (đặc trị các loại bệnh như ung thư vú, ung thư đại trực tràng…) được nhập khẩu trót lọt vào Việt Nam, VN Pharma cùng các bị cáo chưa kịp đem đi tiêu thụ thì đã bị phát hiện, các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn. Hội đồng xét xử xác định, hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh).

VN Pharma được thành lập vào cuối năm 2011. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng khai, năm 2012, ông nhận thấy thị trường Việt Nam có nhu cầu rất lớn về thuốc chữa bệnh ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường lên phương án nhập khẩu thuốc ung thư là H-Capita 500 mg về Việt Nam. Do phía công ty ở Canada không cung cấp đủ một số giấy tờ về tiêu chuẩn nên Hùng chỉ đạo cấp dưới giả mạo những tài liệu này. Theo đó, VN Pharma đã tiến hành làm giả giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC), giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada, làm giả con dấu hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, đóng dấu công ty Helix Canada giả vào hồ sơ để đề phụ lục hợp đồng mua bán với Công ty Austin Hong Kong. Mục đích là để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi mới nhập thuốc về Việt Nam, Cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nên chưa tiêu thụ được. Việc bị phát hiện, ngăn chặn là ngoài ý muốn chủ quan của các bị cáo. Sau khi vụ án bị khởi tố, các bị cáo đã tìm cách đối phó, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra. Vì vậy, theo Cơ quan điều tra, cần phải xử lý nghiêm các bị cáo theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 12 bị can trong vụ án này về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo quy định tại Điều 157, khoản 2 - Bộ luật Hình sự.

Bộ Y tế khẳng định H-Capita không phải thuốc chữa bệnh cho người

Theo kết quả điều tra, giai đoạn từ giữa năm 2013 đến 19.9.2014, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường đặt mua thuốc H-Capita 500mg Caplet chưa hoạt chất Capecitabine chuyên đặc trị ung thư vú, ung thư đại tràng dán nhãn do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc. Canada sản xuất để đưa về thị trường Việt Nam và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện với giá 0,9 USD một viên.

Theo điều 2 Luật Dược năm 2005, Nghị định số 08 cấp ngày 10.1.2013 của Chính phủ Việt Nam quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, Nghị định số 185 ngày 15.11.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tài liệu điều tra, các cơ quan tố tụng có đủ căn cứ kết luận toàn bộ 9.300 hộp thuốc H-Capita giả về nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất, giả về chất lượng (không sử dụng để chữa bệnh cho người).

Kết luận Giám định số 31 ngày 22.4.2015 của Hội đồng Giám định Bộ Y tế khẳng định:

“Lô thuốc có nhãn mác thuốc H-Capita 500mg Caplet có chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, TTXVN trích thẩm định của Bộ Y tế.

Nóng: Sẽ có lãnh đạo Bộ Y tế bị kỷ luật vụ VN Pharma?

Các cơ quan chức năng xác định, “đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng , phức tạp, xảy ra trên lĩnh vực dược phẩm, y tế, liên quan trực tiếp đến tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”.

Đáng chú ý, táng tận lương tâm hơn, những bị cáo trong vụ án phần lớn là những người làm việc, hành nghề trên lĩnh vực buôn bán nhập khẩu thuốc chữa bệnh có nhận thức, hiểu biết trên lĩnh vực này nhưng đã lợi dụng pháp nhân là công ty kinh doanh dược phẩm, thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi để buôn bán, nhập khẩu thuốc chữa bệnh giả nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng về Việt Nam với mục đích tiêu thụ để kiếm lời.

Kết luận điều tra xác định:“Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trên cả lĩnh vực kinh tế và y tế, đe dọa sức khỏe, tính mạng người bệnh khi sử dụng thuốc giả nguồn gốc, kém chất lượng”.

Cục Quản lý dược sơ hở hay có sự ưu ái cho VN Pharma?

Ngày 16.9, Thanh tra Chính phủ cho biết đã ban hành kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma.

Theo Kết luận, thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, nhưng trong thời gian qua, ngành Y tế đã để xảy ra thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc, cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân.

Nên miễn tội cho người đưa hối lộ vụ VN Pharma

Kết luận thanh tra nêu rõ, có 7 loại thuốc thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký chậm từ 100 đến 150 ngày so với quy định; Biên bản thẩm định chỉ ghi tuần thẩm định, không ghi ngày thẩm định lần đầu. Những thiếu sót, vi phạm này thuộc trách nhiệm các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời. Đặc biệt, trách nhiệm này, theo Thanh tra Chính phủ thuộc Lãnh đạo Bộ Y Tế, Cục Quản lý Dược thời điểm năm 2009 tham mưu, xây dựng và ban hành thông tin.

Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 3 thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500 mg).

“Từ việc ban hành Thông tư số 47 không đúng nội dung với Quyết định số 151 của Thủ tướng dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam, vi phạm Điều 5 Quyết định số 151. Trách nhiệm thuộc Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược”, kết luận cho biết.

Như vậy, theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm liên quan đến những sai phạm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý Dược thời điểm năm 2009 và giai đoạn 2011-2014. Tức, người chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn để xảy ra vi phạm chính là ông Trương Quốc Cường, hiện đang đảm trách vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế, giai đoạn đó là Cục trưởng Cục Quản lý Dược. Ông Cường là người trực tiếp ký công văn 22113/QLD-KD ngày 30.12.2013 cho Công ty Cổ phần VN Pharma được nhập 200.000 hộp thuốc ung thư H-Capita 500mg do công ty Helix Canada sản xuất, thông qua Công ty Austin Hong Kong phân phối và đã có 9.300 hộp thuốc H-Capita được tuồn về Việt Nam.

Ngoài ra, những người cùng chịu trách nhiệm là các lãnh đạo Bộ Y tế qua các thời kỳ, gồm ông Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, cựu Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Vấn đề ở đây chính là, vì sao suốt nhiều năm liền, những thiếu sót, bất cập của các thông tư đều liên quan trực tiếp đến Cục Quản lý Dược? Dư luận băn khoăn liệu điều này có phản ánh trình độ, năng lực thực sự của Cục? Không phải không có lý do để người dân đặt câu hỏi, vì sao lẽ ra các văn bản pháp quy của cơ quan quản lý Nhà nước phải “đi trước, đón đường”, mang tính hướng dẫn, chỉ đạo thì đăng này, nhiều thông tư quan trọng lại chỉ xuất hiện sau khi “sự đã rồi”?.

“Liệu có phải công tác nhân sự ở Cục có vấn đề, hay là năng lực trình độ, trình độ yếu kém, hoặc là cố tình để các qui định lỏng lẻo, sơ hở, nhằm phục vụ mục đích riêng? Bởi trong quá trình thực thi nhiều năm, chẳng lẽ hệ thống từ chuyên viên, đến lãnh đạo phòng, ban và Cục Quản lý Dược lại đều “đồng loạt” không phát hiện ra những bất cập của các Thông tư, khi họ là những người hàng ngày, hàng giờ “cọ xát” với các doanh nghiệp?”, Viettimes đặt vấn đề.

Bộ Y tế có vô can vụ VN Pharma?

Bộ Y tế cho rằng, thuốc giả lọt vào Việt Nam là do Tổ Thẩm định đã không thể phát hiện bằng mắt thường, vì hồ sơ được làm giả quá tinh vi” dẫn đến việc cho phép lô thuốc H-Capita giả nhập vào Việt Nam.

Nhưng phía VKSND Tối cao lại chỉ ra những vấn đề mà chỉ cần quan sát trực quan, bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được: “Trong hồ sơ nộp cho Cục quản lý Dược có một số nội dung không thống nhất giữa FSC (Chứng nhận lưu hành sản phẩm tại nước sở tại), Tiêu chuẩn chất lượng và Hướng dẫn sử dụng về thành phần tá dược, hạn dùng, nhiệt độ bảo quản”.

Bán thuốc chống ung thư giả, cựu tổng giám đốc VN Pharma đối diện án tử hình

Ngoài ra, hồ sơ gửi cho Cục Quản lý Dược có một số nội dung không đồng nhất khi có tài liệu trong Hồ sơ Kỹ thuật viết theo FSC mới và có một số tài liệu viết theo FSC cũ, được lý giải, là do VN Pharma cung cấp sai cho người viết thuê hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita.

Bên cạnh đó, cáo trạng của VKSND Tối cao nêu rõ, giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hồng Kông do chính Bộ Y tế cấp, đã hết hạn từ ngày 6/10/2013, nhưng Cục quản lý Dược vẫn cấp giấy phép nhập khẩu cho thuốc H-Capita vào ngày 30/12/2013, tức là sau khi giấy phép đã hết hạn 2 tháng.

Tất cả những điều trên cho thấy, hồ sơ không hề tinh vi, thậm chí sai phạm có thể được phát hiện bằng mắt thường, nhưng Tổ Thẩm định của Bộ Y tế gồm 10 chuyên gia “lão làng, dày dạn kinh nghiệm” lại dễ dàng bị “qua mặt” đến vậy? 10 chuyên gia này là Thanh tra Bộ Y tế, Vụ Pháp chế Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Cục Quản lý Dược. Đến mức, Thanh tra Chính phủ phải chỉ rõ:

“Các thành viên tổ chuyên gia không ghi ngày, tháng, năm thẩm định, Trưởng tiểu ban theo dõi việc thực hiện quy chế và Trưởng tiểu ban thẩm định về tài chính không ghi ngày, tháng, năm kết luận hoặc đề nghị; Biên bản thẩm định cũng không ghi ngày, tháng lập và lỗi chính tả ghi địa chỉ của Công ty Helix”.

Ngoài ra, chi tiết cấp trùng sổ đăng ký cũng chỉ ra dấu hiệu bất thường trong việc Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký cho hai nhà sản xuất cùng một tên thuốc là H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin.

Theo đó, năm 2010, Cục Quản lý Dược đã cấp visa 2 thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin này, do Công ty Health 2000 Canada sản xuất, cho Công ty TNHH MTV Dược phẩm Vimedimex với số đăng ký là VN 11532 và VN 11531.

Theo quy định, mỗi thuốc có thời hạn visa 5 năm, nhưng mới 4 năm sau, Cục Quản lý Dược lại cấp chính 2 thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin, nhưng do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất, cho VN Pharma. Tức là Cục đã vi phạm Điều 10 về Đặt tên thuốc của Thông tư số 44/2014/TT-BYT Quy định việc đăng ký thuốc là “không trùng hoặc tương tự với tên thuốc đã được cấp số đăng ký của cơ sở khác”.

VN Pharma đưa thuốc chữa ung thư giả vào Việt Nam như thế nào?

Liệu đây có phải là sự ưu ái dành cho VN Pharma hay còn điều gì ẩn giấu đằng sau việc cấp cùng tên thuốc cho 2 công ty khác nhau?

“Việc cấp số visa mới cho VN Pharma của nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals trùng với 2 số đăng ký đã được cấp phép trước đó cho Công ty Health 2000 Canada, sẽ giúp VN Pharma giành lợi thế trong đấu thầu, do 2 thuốc này đã được sử dụng và trúng thầu trước đó. Có điều, thuốc của VN Pharma chính là loại mà cơ quan điều tra đã thu được con dấu giả và hợp đồng giả”, một số chuyên gia phân tích.

Theo Danh mục thuốc nhập khẩu kê khai giá thuốc của Cục Quản lý Dược thì VN Pharma đã nhập 2 thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada sản xuất về Việt Nam trót lọt. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, số thuốc giả mà VN Pharma nhập về đã không còn. Các lô thuốc đã bị tẩu tán đi đâu? Tất cả đều liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người dân, nên các cơ quan chức năng, Cục Quản lý Dược cũng như Bộ Y tế cần làm rõ: Trong 3 năm, từ 2012 đến 2014, VN Pharma đã nhập về bao nhiêu lô thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin giả? Sau khi đã nhập về Việt Nam thì số thuốc này được đưa về đâu và có bao nhiêu người đã sử dụng?

Thảo luận