Tại sao Apple không chọn Việt Nam?

Vào ngày 1 tháng 9, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện lời hứa áp thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các sản phẩm chịu mức thuế bổ sung gồm quần áo, một số loại giày, đồ chơi trẻ em và nhiều loại đồ điện tử.
Sputnik

Lần này, các công ty công nghệ Mỹ sản xuất thiết bị điện tử ở Trung Quốc cũng phải trả giá từ đòn leo thang thuế quan của Trump. Việc tăng giá ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử nhỏ, và kể từ ngày 15 tháng 12 sẽ ảnh hưởng đến máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng. Đối với những chiếc iPhone với giá cao ngất trời, mức thuế mới có thể trở nên không thể chịu đựng được, bởi vì theo kết quả kinh doanh mấy quý liền, Apple bị mất doanh số bán các thứ hàng đắt hơn 1.000 USD. Do đó, công ty đã lên kế hoạch chuyển 15- 30% hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang thị trường khác trong vài năm tới, tiếp tục xu hướng của các công ty lớn, nhân tiện, đã bắt đầu trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Việt Nam giữa dòng xoáy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Mặc dù Tổng thống Trump muốn Apple xây dựng các nhà máy của mình tại Hoa Kỳ, tập đoàn này dự định chuyển sản xuất từ ​​Trung Quốc sang các nước châu Á khác. Theo Nikkei, các quốc gia đang được xem xét trong kế hoạch đa dạng hóa của Apple có Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Rõ ràng là, Việt Nam và Ấn Độ trở thành hai ứng viên chính. Người Việt Nam đã nghĩ rằng đất nước của họ sẽ trở thành bàn đạp cho hai nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới.

Cuối cùng Apple đã lên tiếng xác nhận kế hoạch của mình: iPhone 11 sẽ ra mắt tại Ấn Độ. Theo The Times of India, Apple sẽ đầu tư 1 tỷ USD để đẩy mạnh sản xuất tại Ấn Độ, và nhà máy tại Chennai sẽ sản xuất iPhone cho thị trường Apple toàn cầu. Ngoài ra, một số nhà cung cấp các thành phần cho Apple sẽ đầu tư vào khu vực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay tổng số mẫu iPhone 6 và iPhone 7 được xuất khẩu từ Ấn Độ là chưa đến 100.000 chiếc mỗi tháng. Các nhà kinh tế dự đoán rằng, tổng số mẫu iPhone 11 được sản xuất tại Ấn Độ có thể đạt con số gấp 2,5 lần, với khoảng 75% khối lượng này được xuất khẩu sang các thị trường khác.

Mức độ phát triển công nghệ và lực lượng kỹ sư

“Tôi nghĩ rằng, Apple đã chọn Ấn Độ, vì mức độ phát triển công nghệ ở nước này là cao hơn ở Việt Nam, - ông Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhận xét. - Cần lưu ý rằng, theo “Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu” năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Ấn Độ xếp thứ 58 và Việt Nam ở vị trí thứ 77. Các trụ cột đánh giá trong xếp hạng bao gồm: cơ sở hạ tầng, hiệu quả thị trường lao động, quy mô thị trường nội địa, mức phát triển hệ thống tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, và một số thông số khác. Ngoài ra, nhiều nhà cung cấp và đối tác của Apple đang làm việc tại Ấn Độ: từ nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất thế giới Foxconn của Đài Loan, đến nhà cung cấp pin Flex có trụ sở tại Hoa Kỳ và công ty Phần Lan Salcomp sản xuất bộ sạc cho iPhone.

Không thể loại trừ ảnh hưởng của yếu tố chính trị tới quyết định này, Giáo sư Mazyrin nói tiếp. Ấn Độ là một phần quan trọng trong dự án mới “Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương Mở và Tự do” mà Hoa Kỳ đang thúc đẩy, trong khi Việt Nam vẫn thận trọng trong việc hỗ trợ và tham gia vào chiến lược này.

Thị trường rộng lớn và nguồn nhân lực khổng lồ

Có cả những lý do rất quan trọng khác cho quyết định này của Apple, bà Elena Bragina, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Ấn Độ, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết.

Người Việt Nam có thể dùng chương trình ‘đổi cũ lấy mới’ của Apple cho iPhone 11 và 11 Pro?

“Thị trường điện thoại thông minh của Ấn Độ thật là khổng lồ. Đây là quốc gia thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc với dân số hơn 1 tỷ người, trong khi thị trường của nó còn lâu mới bão hòa. Ấn Độ rất quan tâm đến việc thu hút các cơ sở công nghiệp hiện đại, đặc biệt là điện thoại thông minh, các sản phẩm này rất phổ biến trong giới trẻ chiếm phần lớn dân số của đất nước. Từ năm 2000 đến 2017, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP Ấn Độ bình quân hàng năm là 7,1% và thu nhập hộ gia đình đang tăng nhanh. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, và áp thuế bổ sung đối với hàng điện tử nhập khẩu, cố gắng kích thích sản xuất trong nước. Đối với Apple, việc sản xuất tại Ấn Độ sẽ rẻ hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Và đối với Ấn Độ, điều đó có nghĩa là tạo việc làm mới, đào tạo nhân viên, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Ấn Độ có nguồn nhân lực khổng lồ sánh được với Trung Quốc, tạo việc làm là điều rất quan trọng đối với nước này. Apple bắt đầu sản xuất tại Ấn Độ vào năm 2017. Trong hai năm qua khối lượng xuất khẩu đã tăng từ 0 lên 0,5 tỷ USD. Như dự kiến, năm nay khối lượng sản xuất ​​sẽ đạt 1 tỷ USD. Đây là một tốc độ rất nhanh, điều này cho thấy rằng, tập đoàn Apple có ý định triển khai sản xuất tại Ấn Độ và tăng doanh thu bằng cách bán hàng trong nước, tăng xuất khẩu và mở rộng thị trường. Đây là một giải pháp cùng có lợi cho cả tập đoàn và Ấn Độ". 

Tại Việt Nam - tai nghe không dây

Mặc dù Apple sẽ sản xuất iPhone tại Ấn Độ, nhưng, theo Nikkei Asian Review, tập đoàn đã chọn Việt Nam để sản xuất tai nghe không giây thế hệ mới nhất AirPods, vốn chỉ được sản xuất tại Trung Quốc. AirPods là sản phẩm của Apple có doanh số tăng trưởng nhanh nhất - doanh số năm ngoái của những chiếc tai nghe này lên tới 35 triệu chiếc so với 20 triệu chiếc một năm trước đó.

Thảo luận