Nỗi lo về vốn khi làm cao tốc Bắc - Nam
Mới đây, Bộ GTVT đã tuyên bố hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án thuộc dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Đây là tin vui với nhiều doanh nghiệp trong nước, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nỗi lo về vốn.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Minh Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, các nhà đầu tư Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng năng lực và kinh nghiệm thi công công trình. Điều kiện về vốn chủ sở hữu chiếm 20% tổng vốn đầu tư cũng không quá khó khăn nhưng lo ngại nhất là thiếu vốn vì doanh nghiệp sẽ phải vay khoảng 60-70% tổng vốn đầu tư dự án.
“Ngân hàng thường đưa ra những yêu cầu riêng nên gây khó khăn cho doanh nghiệp”, Vnexpress dẫn lời ông Hoàng cho hay. Ông cũng đưa ra dẫn chứng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang bị phía ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư phải có 36% tổng vốn dự án thì ngân hàng mới giải ngân, mặc dù triển vọng thu hồi vốn của dự án này khá tốt vì ở cửa ngõ TP HCM, lưu lượng phương tiện lớn.
PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, ông hoan nghênh chủ trương huy động nhà đầu tư trong nước thực hiện cao tốc Bắc-Nam. Tuy nhiên, theo ông, nỗi lo không vay được vốn ngân hàng làm cao tốc Bắc-Nam đã cho thấy rõ nguy cơ doanh nghiệp trong nước đang ở trong tình thế "tay không bắt giặc”, khó có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, phải dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và các nguồn vốn khác.
Ví dụ như, nếu doanh nghiệp trong nước mạnh về tài chính, đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng về việc chủ đầu tư phải có 30% tổng vốn dự án trở lên thì ngân hàng sẽ cho vay. Nhưng nếu doanh nghiệp không có gì trong tay thì ngân hàng đương nhiên không muốn cho vay vốn.
“Trước đây, nhiều ngân hàng hào hứng với các dự án BOT vì chủ đầu tư tính khống lưu lượng phương tiện qua lại khiến ngân hàng nghĩ triển vọng thu hồi vốn tốt, lãi nhiều. Bản thân ngân hàng lại chỉ dựa vào thông tin xác nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án. Nhưng bây giờ đã khác, nhiều dự án BOT thua lỗ, vỡ phương án tài chính khiến ngân hàng thận trọng hơn trong việc cho vay. Hơn nữa, vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, cho vay thời gian ngắn mà vẫn có lãi, ngân hàng lợi hơn. Bài toán lợi ích ấy bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng nắm rất rõ. Nếu nhà đầu tư minh bạch về khả năng thu hồi vốn của dự án, ngân hàng sẽ đưa lên bàn cân để tính toán quyền lợi của họ. Nếu thấy cho vay mà vẫn đảm bảo an toàn vốn, có lãi thì ngân hàng sẽ cho vay", báo Đất Việt dẫn lời PGS.TS Nguyễn Đình Thám cho biết.
Ông Vũ Đức Nhận, đại diện công ty Phương Thành, cho rằng các doanh nghiệp trong nước sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam, bởi sắp tới sẽ có tới 3 tuyến đường Bắc-Nam là quốc lộ 1, đường ven biển và đường Hồ Chí Minh. Trong đó, đường Hồ Chí Minh sắp hết thời gian thu phí, các tuyến khác được miễn phí nên cao tốc Bắc-Nam có thể sẽ vắng xe, đặc biệt là xe tải, container.
“Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải đang hơi lạc quan khi tính toán lưu lượng xe trên cao tốc Bắc – Nam”, ông Vũ Đức Nhận khẳng định.
Ngoài ra, một khó khăn khác mà doanh nghiệp có thể gặp phải, đó là chậm giải ngân ngân sách, khiên dự án bị đình trệ. Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Vidifi (nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) cảnh báo, mỗi dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư đến 5.000-7.000 tỷ đồng, và mặc dù Nhà nước có hỗ trợ một phần vốn song vốn ngân sách thường giải ngân chậm, dẫn đến các ngân hàng cho vay chậm theo.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình khi làm dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, ông Tú cho biết, mặc dù đã khai thác tuyến đường này mấy năm, Vidifi vẫn chưa nhận được 4000 tỷ đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước, khiến doanh nghiệp của ông thu phí không đủ trả lãi ngân hàng.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp muốn làm cao tốc Bắc - Nam?
Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, để tháo gỡ nút thắt về vốn vay, Bộ GTVT cần xem xét, điều chỉnh các tiêu chí về kinh nghiệm, năng lực tài chính của nhà đầu tư trong hồ sơ mời tuyển so với trước đó.
Ví dụ, đối với tiêu chí về vốn chủ sỡ hữu, chỉ cần xét tổng vốn chủ sỡ hữu của cả liên danh nhà đầu tư đáp ứng là được, không cần xét đến từng doanh nghiệp trong liên danh. Đồng thời, trong hồ sơ sơ tuyển, Bộ cần bổ sung them tiêu chí về năng lực quản lý dự án của nhà đầu tư.
“Nếu liên danh, liên kết các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án cao tốc đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt yêu cầu các ngân hàng vào cuộc, cần thiết Chính phủ phải tăng vốn cho các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn cho vay đối với các dự án cao tốc Bắc-Nam”, Tri thức trẻ dẫn lời ông Thế nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám cũng cho biết, cách để giải quyết bài toán về vốn khi xây dựng cao tốc Bắc-Nam là liên doanh, liên kết nhiều nhà đầu tư nhỏ, dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính rành mạch, rõ ràng và song phẳng.
“Trước kia nhiều doanh nghiệp trúng thầu rồi đi bán thầu để hưởng chênh lệch. Dự án qua nhiều tầng nấc thực hiện, cuối cùng dự án xảy ra vấn đề không có người chịu trách nhiệm. Đã đầu tư thì phải làm thực sự. Khi các nhà đầu tư nhỏ liên doanh, liên kết lại thì sẽ có đủ khả năng về vốn, lực lượng để thực hiện dự án”, ông nói.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh quan điểm, rằng Bộ GTVT không nên hạ thấp tiêu chí về năng lực, yêu cầu kỹ thuật đối với doanh nghiệp. Những tiêu chí về chất lượng, tiến độ là không thể loại bỏ, bởi nếu không có những chuẩn mực đó, dự án coi như không đạt mục tiêu. Ràng buộc những tiêu chí này với dự án cũng là cách để doanh nghiệp trong nước thực sự lớn lên, thực sự có năng lực trong thi công.
“Quyền là ở Bộ GTVT, Bộ có thể tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước ở quy định về số nhà lượng nhà đầu tư liên doanh, liên kết nhằm giúp doanh nghiệp trong nước có vốn thực hiện dự án, song riêng tiêu chí về tiến độ, chất lượng dự án thì không thể thay đổi”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám lưu ý.
Chia sẻ về lo ngại rằng nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư cao tốc sẽ "đi đêm" với doanh nghiệp nước ngoài để rồi bị chi phối, chuyên gia cho biết, pháp luật về quản lý xây dựng đã quy định rất rõ, nhà thầu chính có quyền liên kết các nhà đầu phụ, tuy nhiên nhà thầu phụ phải có hồ sơ trình cơ quan quản lý để cơ quan này nắm rõ đơn vị liên doanh là ai, có đủ tư cách tham gia hay không.
Hơn nữa, pháp luật về quản lý kinh tế Việt Nam đã khá đầy đủ. Vấn đề đặt ra là phải làm minh bạch, tuân thủ nghiêm túc thì không sợ chuyện doanh nghiệp "đi đêm".
Thừa nhận khó khăn về vốn khi triển khai cao tốc Bắc-Nam của các nhà đầu tư trong nước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã báo cáo với Chính phủ có giải pháp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có biện pháp như nới hạn mức cho vay, có các cách thức huy động vốn cho vay, có cơ chế tháo gỡ vốn cho từng dự án.
“Việc cung cấp vốn tín dụng bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện luật pháp của ngân hàng nhưng vẫn phải xem xét tính khả thi của dự án. Trong trường hợp giả định không có nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội chuyển sang đầu tư công để kết nối các tuyến với nhau, không chỉ định nhà đầu tư”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.