Bộ GD&ĐT khẳng định cấp bằng đại học theo xu hướng quốc tế
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung ghi trên văn bằng giáo dục đại học”, theo đó, trên tấm bằng tốt nghiệp mà sinh viên sẽ nhận đều không có thông tin về phân loại, xếp loại.
Ngày 7.10, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay:
“Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng”. Theo đó, Luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng”.
Năm 2019, thực hiện những quy định của Luật, Bộ GD&ĐT đã xây dựng song song hai văn bản: Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thống, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (thông tư này đã hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị ban hành) và Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học.
Trong đó, Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thống, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân quy định nội dung chính của Phụ lục văn bằng giáo dục đại học bao gồm: Thông tin của người được cấp văn bằng: Họ và tên, ngày tháng năm sinh; Thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng: Tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng; ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngày cấp bằng, nơi tổ chức đào tạo (tên cơ sở đào tạo/phân hiệu), ngôn ngữ giảng dạy, thời gian đào tạo; Thông tin về trình độ đào tạo: Hình thức đào tạo; Kết quả học tập: Tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm trung bình, tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có), điểm xếp loại tốt nghiệp, xếp loại tốt nghiệp…
Ngoài ra, nếu văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau thì sẽ cần phải ghi rõ tên môn học và số tín chỉ của từng môn được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, ông PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết, các thông tin quy định ghi trên Phụ lục văn bằng tại Thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo…của người học giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng.
“Dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên Phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học. Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới (trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư này, Ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia). Do vậy, quy định như trong Dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” là phù hợp với nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước”, TTXVN dẫn lời PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định.
Bộ GD&ĐT nói về văn bằng chuyên môn đặc thù
Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT giải thích, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, văn bằng giáo dục đại học gồm: Bằng Cử nhân; Bằng Thạc sĩ, Bằng Tiến sỹ và văn bằng tương đương. Theo quy định của Luật, Chính phủ quy định các loại văn bằng chuyên môn đặc thù.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học sửa đổi, trong đó sẽ quy định văn bằng tương đương là văn bằng chuyên môn đặc thù. Như vậy, các loại văn bằng chuyên môn đặc thù sẽ được quy định tại Nghị định này.
Dự kiến thì sẽ có các loại văn bằng như: bằng bác sỹ, bằng dược sỹ, bằng kỹ sư (với tư cách là các bằng chuyên môn đặc thù). Do đó, trong dự thảo Thông tư của Bộ GDĐT không quy định những trường hợp này.
Dự thảo Thông tư đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
“Phía Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phù hợp để hoàn thiện Thông tư có chất lượng và tính khả thi cao để đưa Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào thực tiến, góp phần đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn mới”, đại diện đơn vị soạn thảo dự thảo cho hay.
Chuyên gia nói gì về việc Bộ GD&ĐT không ghi xếp loại trên bằng đại học?
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam bày tỏ:
“Theo tôi, chủ trương này là đúng nhưng bộ GD&ĐT đang làm quá vội vàng! Hiện nay đang cần động viên hàng chục triệu người học không chính quy nên việc không còn phân loại chính quy hay vừa học vừa làm, loại khá hay giỏi cũng khẳng định giá trị của hình thức đào tạo này. Trên thực tế, không phải bất cứ ai tốt nghiệp đại học chính quy cũng đều có năng lực, phẩm chất hơn người học không chính quy. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ siết chất lượng đào tạo, cho dù đào tạo chính quy hay không chính quy cũng cần chú trọng để có chất lượng thực”, báo Người đưa tin dẫn bình luận vị chuyên gia khẳng định.
Vị chuyên gia chỉ rõ, điều quan trọng nhất là chất lượng. Cả hệ thống chính quy lẫn không chính quy đều phải chấn chỉnh lại.
“Đáng lẽ, bộ GD&ĐT phải quy định rõ, đào tạo không chính quy phải đảm bảo những yêu cầu gì để có được chất lượng tốt, tạo cơ hội cho những người học không có điều kiện đáp ứng, nhất là những người đang tham gia lao động sản xuất cần học thêm để nâng cao trình độ. Trên thế giới cũng đã có những chủ trương học tại nơi làm việc vì công việc. Nhiều công nhân sau quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế có khi còn phục vụ xã hội tốt hơn kỹ sư trên lý thuyết”.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, việc không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp cũng là một cách để xóa rào cản, bởi hiện nay, nhà tuyển dụng không còn căn cứ quá nhiều vào loại bằng để sử dụng nhân lực. Nếu tốt nghiệp loại Khá, Giỏi mà chỉ Khá, Giỏi trên lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tiễn thì cũng không được nhà tuyển dụng trọng dụng.
“Vừa rồi, tôi cũng đã chia sẻ với vài chuyên viên ở Bộ.Đáng lẽ, không nên đưa dự thảo một cách nóng vội như vậy. Trước hết, phải giải thích kỹ hội đồng Quốc gia giáo dục, bộ GD&ĐT chủ trương ra sao, đã thảo luận ra sao trong Quốc hội,… để chuẩn bị dư luận, để dư luận có cái nhìn rõ ràng hơn, rồi mới đưa ra dự thảo lấy ý kiến. Nói phải củ cải cũng nghe, vậy phải phân tích chi tiết rồi hãy lấy ý kiến, chứ dư luận chưa hiểu gì đã ép phải nghe thì dư luận làm sao nghe được?, vị chuyên gia thẳng thắn.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT phát biểu với nhiều lo ngại.
“Khi không ghi bằng chính quy hay tại chức, đồng nghĩa, chất lượng đào tạo của hệ chính quy và tại chức là phải giống nhau. Bản thân nhà trường phải hết sức cẩn thận trong việc chất lượng đào tạo không đảm bảo hay chất lượng học của các sinh viên không đạt thì có được phép cấp bằng hay không vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, thương hiệu của trường. Tóm lại, chỉ khi chất lượng đào tạo tại chức phải được nâng lên thì bằng tốt nghiệp mới có thể coi là cùng một loại được”, báo Đất Việt dẫn lời vị chuyên gia chia sẻ.
PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng: “Chất lượng giáo dục đại học ở nước ta hiện nay hình thức phi chính quy và chính quy chưa thể tương đương với nhau được. Việc đào tạo phi chính quy còn tồn tại nhiều hạn chế nên việc không ghi xếp loại trên văn bằng đại học tôi nghĩ chưa phù hợp”.