Sư Toàn muốn cưới vợ, ăn chơi xả láng: Phật tử cúng đất và tiền cho Thầy hay cho Chùa?

Sau khi xin xả giới hoàn tục, nhà sư Thích Thanh Toàn, người bị tố gạ tình nữ phóng viên khẳng định bản thân sở hữu không chỉ trang trại, nhà cửa, xe hơi mà còn cả khối tài sản 200-300 tỷ đồng và sẵn sàng cưới vợ, ăn chơi thỏa thích, không sợ gì cả.
Sputnik

Sư Thích Thanh Toàn khoe tài sản trăm tỷ và mong muốn cưới vợ

Cụ thể, ngày 4.10 vừa qua, đại đức Thích Thanh Toàn (trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), người gây chấn động dư luận, bôi nhọ uy tín của Tăng đoàn, Giáo hội với những bằng chứng, cáo buộc gạ tình một nữ phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM, đã làm tờ trình xin xả giới và hoàn tục gửi tới Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.

Tờ trình xin xả giới và hoàn tục của ông Toàn viết:

“Tên con là Đại đức: Thích Thanh Toàn (thế danh: Lê Hữu Long) sinh ngày 09.02.1976 tại Quảng Trị- trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Con kính bạch Quý Ban một việc như sau: Trong thời gian qua, con đã làm một số việc ảnh hưởng đến Giáo hội và con cảm thấy không xứng đáng làm một người đệ tử xuất gia. Nay con làm đơn này xin xả giới và hoàn tục, đồng thời con cũng xin giao chùa nga Hoàng, xã Hợp Châu huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho Giáo Hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc quản lý. Kính mong Quý Ban xem xét chấp thuận cho con theo nguyện vọng”.

Nhà sư gạ chat sex xin hoàn tục: Phải làm rõ tài sản, không để đại đức thành đại gia

Ngoài ra, một đoạn clip ghi lại nội dung buổi sám hối, nhận lỗi đã tiết lộ thông tin bất ngờ về “cạm bẫy” khiến sự việc nhà sư gạ tình, gạ chat sex nữ phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM bị vỡ lở cũng như khối tài sản mà ông Thích Thanh Toàn đang có.

“Lâu nay con làm tổn thất oai đức của các ngài thì con sám hối suốt đời không hết, nhưng nói thật với quý ngài, tất cả là cạm bẫy. Nếu mình tránh cạm bẫy này sẽ có cạm bẫy khác. Con sẽ nguyện đời đời kiếp kiếp con hộ pháp chứ. Không phải đời này đâu mà đời đời, kiếp kiếp, tu sĩ cũng được, cư sĩ cũng được”, sư Toàn thừa nhận.

Chưa hết, nhà sư này còn xin được giữ nguyên những tài sản do mình đứng tên sở hữu, đồng thời mong muốn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận cho vị “đại đức” được bảo toàn “làm của riêng”.

“Nhưng bây giờ, con xin quý ngài là trang trại con quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai và chuyển như thế nào? Thế thôi! Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ. Còn chùa 800m2 đấy (chùa Nga Hoàng) thì con vui vẻ, các ngài sao cũng được, nhưng bây giờ cái tài sản của con là con nguyện, con mua, con không làm gì cả, chỉ làm để nuôi các cháu ăn học, các người trong bệnh viện. Con xin các ngài giúp cho con cái đấy thôi. Nếu tính tài sản thì khoảng 200-300 tỷ đấy, con xin các ngài! Còn các ngài chi như thế nào, tốt cho Giáo hội, không mất cái gì của Giáo hội, không mất cái gì của đạo pháp. Cái đấy xã hội cần ngàn lần, cả cả tỷ lần con cũng không sám hối hết”, ông Toàn bày tỏ nguyện vọng.

Đại đức Thích Thanh Toàn còn trần tình việc bị quay cảnh gạ tình nữ phóng viên là do mắc bẫy và ông này tuyên bố vẫn có thể cưới vợ, ăn chơi thoải mái sau khi hoàn tục mà không sợ gì cả.

“Nhưng con thưa quý ngài, đây là một cạm bẫy. Đây là một cạm bẫy nhưng không sao cả, mình làm mình chịu. Đàn ông không sợ. Nếu muốn lấy vợ thì vẫn thoải mái, không sợ gì cả. Ăn chơi thoải mái, không sợ gì cả. Mặc cái áo cà sa này, họ mới chơi, còn bình thường thì không ai nói được. Con nói mình thanh niên mà sợ gì. Không có bất cứ thế lực nào mà sợ cả. Đấy, nhưng con xin quý ngài, tất cả cạm bẫy mà con sẽ đời đời kiếp kiếp con hộ pháp kia. Còn quý ngài trị giáng sao tốt hết cho quý ngài, tốt hết cho xã hội con cũng chịu được hết, viết tường trình hay gì con viết được hết”, nhà sư cho biết.

Giáo hội không có quyền thu hồi tài sản của nhà sư Thích Thanh Toàn?

Sáng 7.10, liên quan đến vụ việc này, Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã thông báo về việc chấp thuận nguyện vọng xin xả giới, hoàn tục và giữ tài sản riêng của sư Toàn. Thời gian tới, Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và đương sự để xác minh nguồn gốc tài sản.

Phát biểu về vấn đề này, Phó trưởng ban kiểm chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, đại đức Thích Tâm Vượng cho biết, Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã có kết luận ngày 5.10 với đại đức Thích Thanh Toàn- trụ trì chùa Nga Hoàng.

Đình chỉ chức trụ trì, phạt sám hội đại tăng nhà sư gạ nữ phóng viên chat sex

Theo thông tin mà đại đức Thích Tâm Vượng chia sẻ, Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý với các thỉnh nguyện xin xả giới hoàn tục và xin được giữ tài sản riêng thuộc sở hữu cá nhân của đại đức Thích Thanh Toàn trình bày tại cuộc họp chiều 5.10.

Đại đức Thích Tâm Vượng khẳng định trước hết vẫn phải tuân thủ luật pháp Việt Nam: “Muốn hay không thì chúng tôi cũng phải làm theo đường ray, đi theo xa lộ của pháp luật Việt Nam. Tài sản đối với người tu hành có 2 loại. Một là tài sản thuộc cơ sở tôn giáo, hai là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Đành rằng những tài sản mang tên chủ sở hữu là thế danh của thầy Toàn được phật tử cúng dường, biếu tặng trong thời gian thầy Toàn làm trụ trì chùa Nga Hoàng nhưng vẫn phải tuân thủ pháp luật hiện hành”.

Vị này cũng lý giải trường hợp nào Giáo hội không có quyền thu hồi tài sản thuộc sở hữu cá nhân của nhà sư Thích Thanh Toàn:

“Nếu phật tử cúng pho tượng ngọc trị giá hàng tỉ đồng cho thầy Toàn đặt ở chùa Nga Hoàng thì pho tượng vẫn là tài sản của chùa Nga Hoàng, thầy Toàn không được mang đi. Nhưng nếu phật tử biếu cho thầy cái xe máy, ôtô, thầy Toàn đi đăng ký với thế danh của thầy thì đó là tài sản cá nhân của thầy được pháp luật bảo hộ. Giáo hội không thể thu hồi tài sản thuộc sở hữu cá nhân của thầy Toàn”, Phó trưởng ban kiểm chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc phân tích.

”Dẫu đất đai có lên tới 2.000-3.000m2 mà không nằm trong sổ đỏ của chùa Nga Hoàng, do thầy Toàn mua bán hợp pháp thì đương nhiên thầy Toàn được quyền sở hữu. Người ta đã xả giới, ra đời thì người ta cũng cần phải có cái nguồn để sinh sống. Tài sản đó thầy cũng có ăn trộm ăn cắp đâu”, Đại đức Thích Tâm Vượng khẳng định.

Sư Thích Thanh Toàn được chuyển nhượng trái phép gần 6000m2 đất?

Chiều ngày 8.10, lãnh đạo huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, chính quyền đang hoàn thiện báo cáo đề nghị xử lý sai phạm liên quan đến đất đai tại chùa Nga Hoàng (xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo) của nguyên Đại đức Thích Thanh Toàn.

Ghê tởm: Sư thầy đòi quan hệ tình dục, chat sex với nữ phóng viên

Báo cáo này sẽ được gửi lên Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc để xem xét và có hướng xử lý.

Theo nội dung báo cáo, chùa Nga Hoàng có tổng diện tích đất là 20.906,4 mét vuông trong đó có 5.790,9 mét vuông được người dân địa phương chuyển nhượng cho nhà sư Thích Thanh Toàn không thông qua chính quyền.

“Gần 6.000m2 đất trên thì sư Toàn nói là do mình tự mua không liên quan đến chùa Nga Hoàng. Việc mua, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông này không thông qua chính quyền địa phương nên chưa thể sang tên được”, VTC dẫn phát biểu của vị lãnh đạo huyện Tam Đảo khẳng định.

UBND huyện Tam Đảo đã đề nghị nhà sư giao lại toàn bố số đất chuyển nhượng trái phép cho UBND xã Hợp Châu quản lý.

Thêm vào đó, trong 5 năm, từ 2014-2019, UBND xã Hợp Châu đã ra 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 16 triệu đồng đối với những hành vi sử dụng đất và xây dựng các công trình trái phép của nhà sư Thích Thanh Toàn như bệ tượng Phật A Di Đà 4m2, cao khoảng 3m (xây vào năm 2015), một cổng tam quan bên đồi Phúc Hòa (xây năm 2014).

Ông Thích Thanh Toàn có được giữ tài sản hàng trăm tỷ khi hoàn tục?

Về vấn đề này trong buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về việc quản lý nguồn tiền công đức tại các cơ sở thờ tự, Đại đức Thích Thanh Toàn liệu có được giữ lại tài sản trong thời gian làm trụ trì chùa Nga Hoàng hay không.

Chánh văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Binh phát biểu cho biết, đối với tài sản cá nhân cũng như tiền của Đại đức Thích Thanh Toàn sẽ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban tôn giáo Chính phủ điều chỉnh, chứ Bộ Văn hóa không có ý kiến.

Về vấn đề quản lý tiền công đức, ông Bình khẳng định Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài Chính tham mưu ban hành văn bản quy định tiền Công đức tại các chùa, nơi đặt hòm công đức. Đồng thời, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình cam kết sẽ chuyển câu hỏi này sang Bộ Tài Chính trả lời.

Vụ sư trụ trì tiến sĩ Phật học bị bắt vì hiếp dâm: Bé gái 14 tuổi khai gì?

Đứng từ góc độ luật pháp, luật sư Cồ Lê Huy (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định cần xác minh nguồn gốc tài sản, trang trại, đất đai của nhà sư này. Theo đó, sư thầ đi tu rồi thì không thể tham gia kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp. Vậy nên, cần xem xét vì sao chính quyền địa phương lại giao đất cho cá nhân nhà sư Thích Thanh Toàn.

“Phải xem lại vì sao chính quyền lại giao đất cho cá nhân sư Toàn làm trang trại trong khi ông ta là nhà sư, không phải doanh nghiệp hoặc dân địa phương?”, luật sư chia sẻ với Zing cho hay.

Ngoài ra, Luật Tôn giáo có quy định rõ ràng rằng tài sản do người dân, phật tử đóng góp là của chung. Luật Đất đai cũng quy định việc giao đất phải đúng đối tượng. Theo vị luật sư, nếu địa phương tiến hành giao đất sai đối tượng thì có thể xử lý theo Luật Đất đai.

“Về mặt quyền nhân thân, tu sĩ cũng là công dân, họ có quyền nhận đất để canh tác. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước phải xem chính xác họ có khả năng làm hay không để giao?”, ông Cồ Lê Huy khẳng định.

Về tài sản riêng, theo luật sư, luật pháo không quy định nhà tu hành không được có tài sản riêng, vì họ cũng là công dân nên đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu tài sản đó hợp pháp thì họ có quyền sở hữu.

Tuy nhiên, lẽ thường, một nhà chân tu khó có thể sở hữu khối tài sản lớn đến hàng trăm tỷ. Nếu là tài sản thừa hưởng trước khi đi tu cũng cần phải chứng minh tính hợp pháp. Theo luật sư, điều này cần phải được Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng.

Thảo luận