Hà Nội ra quân lập lại trật tự đường sắt, dọn dẹp “cà phê đường tàu”
Sáng nay 10 tháng 10, lực lượng liên ngành đã đồng loạt ra quân lập lại trật tự hành lang đường sắt tại những khu vực có tàu chạy qua trên các địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, TP. Hà Nội.
Nhiều du khách đến đây rồi buộc phải quay về. Khu “cà phê đường tàu” vốn vẫn thường nhộn nhịp những ngày qua bống trở nên vắng lặng, yên ắng khác thường.
Theo đó, trong sáng ngày hôm nay, các lực lượng thanh kiểm tra bao gồm Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Công an quận Hoàn Kiếm, công an các phường có đường tàu chạy qua đã đến tận từng cửa hàng kinh doanh quán ăn, quán cà phê cạnh đường tàu để vận động tuyên truyền.
Ngoài ra, tất cả lối vào khu vực đường ray xe lửa đều đã được rào kín bằng khung chắn. Lực lượng chức năng cũng cử cán bộ túc trực, giải thích, tuyên truyền cho du khách nước ngoài.
Trước đó, ngày 7-10, UBND TP. Hà Nội đã giao các quận, huyện có đường sắt đi qua tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trật tự trên địa bàn, hoàn thành công tác trước ngày 12-10.
Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Công an quận Hoàn Kiếm cho hay, khu vực này có khoảng 20 quán cà phê, trà đá. Từ đầu năm 2019, nhiều du khách nước ngoài và giới trẻ đến đây chụp hình, trong khi dãy quán chỉ cách đường ray 2m (trong khi quy định an toàn tối thiểu là 5m).
“Từ tháng 6, chúng tôi đã vận động và xử lý nhiều chủ kinh doanh vi phạm hành lang đường sắt nhưng tình trạng này chưa được xử lý dứt điểm. Do địa điểm này thu hút nhiều du khách, các chủ quán vẫn vi phạm”, Thượng tá Bùi Văn Đang cho hay đồng thời thông tin thêm rằng công an quận cũng sẽ đề nghị các công ty du lịch nhắc nhở du khách, không tổ chức lịch trình đến khu vực đường tàu, lắp thêm nhiều biển cảnh báo nguy hiểm bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh cũng như tổ chức các nhóm tuần tra, kiểm soát thường xuyên.
Các chủ quán cà phê đường tàu nói gì?
Trao đổi với báo chí, một số chủ cửa hàng ở đây cho biết việc đóng cửa “cà phê đường tàu” gây thiệt hại lớn cho các hộ kinh doanh.
“Nhà tôi sống ở đây hơn mười năm rồi. Mấy tháng gần đây nhờ có mạng xã hội nên du khách mới biết đến phố đường tàu, chúng tôi bắt đầu tập kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Du khách tới đa phần là thích thú vì vừa uống nước vừa ngắm tàu chạy qua. Bị cấm tiệt hẳn thì du khách cũng buồn lắm. Chúng tôi mong muốn TP có định hướng phát triển du lịch đường tàu lâu dài mà du khách tham quan vẫn an toàn” - chị Hà, hiện đang kinh doanh cà phê ở khu vực này, trả lời báo Tuổi trẻ cho biết.
Người đầu tiên mở quán cà phê cạnh đường tàu cách đây hơn 1 năm, anh Lê Tuấn Anh (trú 2/5 Trần Phú, Hàng Bông, Hoàn Kiếm) chia sẻ với VnExpress cho biết:
“Dãy quán nở rộ bắt nguồn từ nhu cầu của du khách. Nhiều người đến đây đi dạo, chụp ảnh trải nghiệm cuộc sống của người dân hai bên đường tàu nhưng không có điểm dừng chân, nghỉ ngơi”.
“Chúng tôi không bị yêu cầu đóng cửa hay tháo dỡ biển, nhưng cảnh sát dựng rào bên ngoài, đề nghị du khách không vào thì coi như đã cấm. Tôi nghĩ chính quyền và hộ kinh doanh có thể cùng trao đổi với nhau để đưa ra giải pháp thay vì cấm”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Theo đó, giải pháp được một số hộ kinh doanh đề xuất là họ tự làm hệ thống rào chắn, vạch sơn và yêu cầu du khách đứng phía trong để đảm bảo an toàn. Trường hợp hộ kinh doanh nào vi phạm, để khách đứng ra phái đường ray thì phạt nặng hay cấm kinh doanh.
Chia sẻ về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Văn Khương, Đội phó CSGT đường sắt (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 3.990 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, trong đó có các hộ kinh doanh ở khu vực đường tàu đường Phùng Hưng, Trần Phú, Điện Biên Phủ.
“Chúng tôi yêu cầu hộ kinh doanh giải khát ven hai bên đường sắt ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông nhưng cứ vắng lực lượng chức năng họ lại tái vi phạm” ông Khương cho hay.
“Tôi nghĩ để giải quyết dứt điểm phải xác định lại ranh giới an toàn giao thông đường sắt, bố trí lực lượng cắm chốt thường xuyên”, Trung tá Hoàng Ngọc Quyết khẳng định.
Việc Bộ GTVT và chính quyền TP.Hà Nội muốn đóng cửa phố cà phê đường tàu gây nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi các cơ quan chức năng lo ngại đến sự an toàn tính mạng cho dân và du khách nên đề nghị dẹp bỏ hàng quán xung quanh đường tàu, thì các chuyên gia lại mong muốn loại hình du lịch này được phát triển.
Theo đó, chính quyền nên tìm giải pháp và cùng đối thoại với người dân thay vì ngăn cấm, xóa bỏ hoàn toàn phố cà phê đường tàu.