“Sài Gòn” đến Moskva: Chia ly, nước mắt và hoài niệm

Chủ đề Việt Nam hiếm khi xuất hiện trên sân khấu Nga. Do đó, vở kịch "Sài Gòn", được công ty kịch độc lập Pháp Les Hommes Approximatifs trình diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ Nga đã thu hút sự chú ý lớn của khán giả Moskva.
Sputnik

Năm 2017, vở kịch do người sáng lập công ty là Caroline Nguyen dàn dựng đã được đưa vào chương trình của một trong những Festival sân khấu có ảnh hưởng nhất trên thế giới – Festival Avignon. Vở diễn được đề cử giải Moliere danh giá, được trao giải của Trung tâm xiếc và nghệ thuật sân khấu quốc gia ARTCENA. Cốt truyện “Sài Gòn” dựa trên cơ sở tự truyện và tài liệu nghiên cứu mà đạo diễn cùng với nhóm thực hiện. Đối với người Pháp, cuộc chiến ở Đông Dương là chủ đề gần gũi và dễ hiểu. Vậy thì khán giả Nga đã cảm nhận vở kịch này như thế nào?

Trên sân khấu, không gian nhà hàng khiêm tốn "Sài Gòn" là nơi gặp gỡ nhau của hai mốc thời gian - năm 1956 và 1996 - và hai thế giới - Việt Nam và Pháp. Số phận của những người Pháp rút khỏi Việt Nam sau thất bại trong cuộc chiến tranh Đông Dương đan xen với số phận của những người Việt Nam rời bỏ quê hương và định cư tại Pháp. Vở kịch là một tác phẩm âm nhạc đa âm sắc. Các diễn viên người Pháp và người Việt cũng thể hiện vai của mình trên sân khấu, tiếng Pháp và tiếng Việt xen nhau, rất nhiều tiếng cười và bài hát tiếng Pháp cũng như tiếng Việt. Nhưng thứ nhiều nhất trong vở kịch này nước mắt. Trái tim của mỗi nhân vật đều có một vết thương lòng đang chảy máu. Và cả ba tiếng rưỡi đồng hồ theo dõi diễn biến kịch chậm rãi và đau đớn diễn ra trên sân khấu, qua những ký ức và những khoảnh khắc mở lòng, khan giả theo dõi tấn bi kịch về sự di cư: những hy vọng không thành, những giấc mơ tan vỡ, những mảnh đời không được như ý và nỗi nhớ cố hương.

Cuối buổi diễn, các khán giả chật kín trong khán phòng RAMT đã nồng nhiệt hoan nghênh dàn diễn viên với những tràng vỗ tay vang dội và tiếng reo hò Bravo! Bravo! Vở kịch “Sài Gòn” sẽ lưu lại rất lâu trong ký ức và tâm hồn khán giả thủ đô Nga.

Thảo luận